Cải lương lay lắt ngay tại quê hương - Bài 3

Cải lương lay lắt ngay tại quê hương - Bài 3
TP - Nghệ thuật cải lương chỉ còn rôm rả khi về nông thôn, và sự nảy nở tự phát của các quán ca cổ thu hút nhiều nghệ sỹ thì phải chăng cải lương đang trở về “mái nhà xưa” với những nhóm, gánh hát như tên gọi thuở ban đầu với “đờn ca tài tử”?

Các đoàn cải lương “quốc doanh” có lẽ sẽ đến ngày giải tán!

Cải lương lay lắt ngay tại quê hương - Bài 3 ảnh 1
Nơi tập luyện của Đoàn cải lương Tây Đô như cái nhà kho. Ảnh: Sáu Nghệ

Bài 3: Không thể trốn chạy cuộc sống

Bên cạnh “lương không đủ sống” như các nghệ sỹ than thở, nghệ sỹ Xuân Trọn ở Đoàn cải lương Kiên Giang, theo nghiệp đờn ca trên 30 năm nay, nói lên khía cạnh khác: thiếu đào tạo đội ngũ kế tiếp.

Như mọi môn nghệ thuật khác, cải lương cần năng khiếu và phải phát hiện sớm. Thu hút được năng khiếu trẻ vào rồi thì cơ chế lại ngăn cản việc sử dụng, phát huy bởi quy định biên chế.

Thấp nhất là diễn viên hạng III phải có bằng tốt nghiệp THPT, bằng trung cấp chuyên môn, bằng A Anh văn, vi tính… Nhưng vào đoàn từ khi còn trẻ và chỉ được đào tạo chuyên môn để lưu diễn nên vừa rồi Nhà nước cho đoàn thêm 7 biên chế mà không làm thủ tục được.

Trong lúc nhiều nghệ sỹ trẻ phải hưởng chế độ hợp đồng đã nhiều năm với lương tháng khoảng 700.000 đồng. Thêm nữa, các đoàn nghệ thuật địa phương được xếp loại III, việc phong tặng danh hiệu nghệ sỹ thường bị…“ngâm”.

Nghệ sỹ Xuân Trọn kể: Kiên Giang có mấy trường hợp đã 2 lần đề nghị danh hiệu NSƯT nhưng chẳng có hồi âm. Có lần Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về gặp anh em nghệ sỹ, hỏi: “Mấy anh em đủ điều kiện rồi sao chưa được phong tặng danh hiệu NSƯT?”. “Chúng tôi trả lời là do trên chưa bỏ phiếu cho”, nghệ sỹ Xuân Trọn buồn bã nói.

Tuy nhiên, thẳng thắn thừa nhận thì cải lương sống lay lắt như hiện nay là do chính bản thân… cải lương. Từ câu đối “Cải cách hát ca theo tiến bộ/ Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”, chữ Cải Lương rõ ràng là tiến bộ, văn minh cũng như bản thân cải lương thời vàng son là liên tục đổi mới để đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Từ “bản tổ” với nhịp đôi của “Dạ cổ hoài lang”, các bản vọng cổ đã phát triển thành nhịp 32, lại kết hợp “tân cổ giao duyên”, rồi 6 câu rút xuống 4 câu… đã làm cho sân khấu cải lương đầy sức sống.

>> Bài 2 - Nỗi niềm nghệ sĩ

>> Bài 1 - Cải lương rút về vùng sâu

Không chỉ tuồng tích cũ, nhiều vở cải lương phản ánh thật sâu sắc cuộc sống đương thời, có thể kể đến: “Đời cô Lựu”, “Tô Ánh Nguyệt”, “Lá sầu riêng”, “Nửa đời hương phấn”, “Tiếng hò sông Hậu”…

Còn 32 năm nay, từ sau ngày giải phóng, có vở cải lương nào nóng bỏng hơi thở cuộc sống đương thời mà khán giả có thể nhớ? Cũng có một vài vở đề cập vấn đề nọ kia nhưng đều là vấn đề bên lề, chưa phải vấn đề ở trung tâm cuộc sống.

Bao nhiêu nỗi niềm day dứt, vật vã của cuộc sống từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, những chuyển động mạnh mẽ thời kỳ đổi mới làm đổi thay toàn diện đất nước, nhiều giá trị đổi thay, tư duy đổi thay, cuộc sống đổi thay nhưng cải lương thì không đổi thay. Đó là nội dung, về hình thức còn cũ kỹ hơn nữa, vẫn những bộ quần áo lóng lánh kim tuyến, hát ca rề ra, dài dòng.

Sân khấu cải lương vẫn như mấy chục năm trước, như gần một thế kỷ trước. Bây giờ nói đến cải lương là người ta nghĩ đến một cái gì cũ kỹ, lạc hậu, “nhầm thời đại”.

Tình hình các đoàn cải lương để tồn tại phải về các vùng nông thôn xa xôi, càng ngày càng xa, ngoài ý nghĩa “phục vụ” thường được đề cao thì không ít người cho rằng: Đó là sự trốn chạy trước cuộc sống sôi động.

Cải lương lay lắt càng không phải do khán giả. Vở Kim Vân Kiều gần đây đã chứng minh điều đó. Vở này mới cải tiến ở hình thức thể hiện, ở trang phục, bài trí sân khấu.

Đề tài vẫn xưa cũ, câu chuyện thậm chí rất nhiều người đã biết. Hãy hình dung, nếu hình thức ấy đi kèm một nội dung hiện đại, dám đề cập những vấn đề ở trung tâm cuộc sống hiện nay thì còn thu hút khán giả như thế nào?

Đồng tiền quan trọng nhưng riêng nó không làm nên sức sống mới cho cải lương. Sức sống của cải lương cũng như sức sống của mọi môn nghệ thuật nằm ở sức lay động tâm hồn con người, nói giùm khán giả các cung bậc tình cảm yêu ghét, hướng khán giả đến chân trời dân chủ, văn minh, những chân trời đẫm tính nhân văn của thời đại.

Nghệ thuật sinh ra không phải vì quá khứ mà vì cuộc sống đang diễn ra, đấu tranh cho cuộc sống hiện thời ngày được tốt đẹp hơn. Nghệ thuật phải gắn với cuộc sống, xa rời cuộc sống thì không có lý do tồn tại.

Nghệ sĩ Minh Chiến, Trưởng đoàn cải lương Cao Văn Lầu:“Cải lương hiện nay chưa phản ánh được từ thời bao cấp chuyển sang thời kinh tế thị trường, hội nhập thế giới. Nhà nước cần đầu tư thỏa đáng, có hiệu quả cho diễn viên, kịch bản, họa sĩ, đạo cụ…”.

Nghệ sỹ Huỳnh Khánh, Chủ tịch Liên chi hội sân khấu ĐBSCL: “Từng tỉnh, khu vực và toàn quốc chưa có định hướng cụ thể, mạnh ai nấy làm để tự cứu mình.

Khó khăn nữa là khó có kịch bản hay, đạo diễn giỏi, họa sĩ tài. Ngày trước, mỗi đoàn đều có thầy tuồng để trông coi chất lượng biểu diễn. Ngày nay, các đoàn có kinh phí dựng vở mới thì chạy đi tìm, bỏ tiền thuê”.

Ông Thái Ngọc Anh, Trưởng phòng Quản lý nghiệp vụ, Sở VH-TT Cần Thơ: “Tôi đề nghị khoán kinh phí và chuyển sang cung ứng dịch vụ công cho Đoàn cải lương Tây Đô. Để cho cải lương tự chủ hơn thì sẽ tìm được con đường đến với công chúng để phát triển”.

MỚI - NÓNG