Cải lương lay lắt ngay tại quê hương

Cải lương rút về vùng sâu

Cải lương rút về vùng sâu
TP - Nhiều năm rồi, cứ đến mùa khô, các đoàn cải lương ở ĐBSCL lại về nông thôn biểu diễn. Họ đi hàng tháng trời, có khi nhiều tháng trời.
Cải lương rút về vùng sâu ảnh 1
Ca sỹ trẻ Tiểu Nhi, 17 tuổi: “Về quê biểu diễn vui hơn ở nhà”

Không chen nổi thị trường ca nhạc sôi động chốn thị thành rực rỡ ánh điện, các đoàn rút lui dần về những miền quê xa xôi, ở đó may còn khán giả thương nhớ cải lương.

Người chạy đò chở chúng tôi qua kinh xáng Cà Mau- Bạc Liêu để đi tìm Đoàn cải lương Cao Văn Lầu (Bạc Liêu). Đò ghé bờ, người lái đò chỉ: “Mới thấy họ chở đồ đạc xuống đây rồi thuê đò chở vô đó, chắc hát tại trụ sở UBND xã Định Thành A. Các anh chạy xe theo con đường xi - măng này khoảng 5 cây số hỏi thăm thử coi”.

Đến trụ sở UBND xã Định Thành A (Đông Hải, Bạc Liêu), chúng tôi thấy chiếc tàu lớn đậu dưới mé kinh. Dọc hàng rào trụ sở xã có băng rôn treo phất phơ.

Vào bên trong, gặp tốp nhân viên hậu đài đang chuẩn bị dựng sân khấu góc sân trụ sở UBND xã. Cuối chiều, nam nữ thanh niên ăn diện bảnh bao kéo đến … xem nghệ sỹ. Một bà già lúi húi chọn chỗ ngồi.

Chúng tôi hỏi thăm, bà giới thiệu tên là Mười Ngọt, ngoài 70 tuổi, sai thằng cháu nội chở đến “xí” chỗ ngồi gần sân khấu. Bà cười: “Gánh hát cải lương về tới nơi, ngồi gần coi cho sướng”.

Phía sau sân khấu, tấm ni lông quây làm phòng hóa trang phập phồng theo gió. Chúng tôi được nghệ sĩ Công Tràng, phụ trách biểu diễn dẫn vào. Vén tấm ni lông thấy các diễn viên ngồi trên tấm ván thông kê chân sắt.

Nghệ sỹ Công Tràng hối thúc: “Nhanh lên các em, sắp đến giờ diễn rồi nghen!”. Trẻ nhất đoàn là ca sĩ Tiểu Nhi, 17 tuổi, vừa đoạt Huy chương vàng Văn nghệ quần chúng tỉnh Bạc Liêu.

Tiểu Nhi tâm sự: “Đi theo đoàn cải lương về quê biểu diễn vui hơn ở nhà”. Nghệ sĩ Minh Chiến, Trưởng đoàn cải lương Cao Văn Lầu cho biết: Đoàn lưu diễn khắp các huyện Giá Rai, Đông Hải, Hồng Dân, Phước Long, có thể mất 2 tháng.

Ở Cà Mau, Đoàn cải lương Hương Tràm đang lưu diễn vùng rừng đước Năm Căn đầy nắng gió, nước mặn chát. Chị nuôi của Đoàn cải lương Hương Tràm bày bữa cơm chiều trên chiếc đò nhỏ.

“Cơm cá đơn sơ của nghệ sỹ nghèo”, chị nuôi cười nói với chúng tôi. Các nghệ sỹ đang tản mát trong nhà dân xin… tắm giặt nhờ. Một số ngồi lê la quán cà phê ở chợ Rạch Gốc.

Xã Tân Ân (Ngọc Hiển, Cà Mau) là quê hương của Văn công giải phóng Cà Mau, nay là Đoàn cải lương Hương Tràm. Khi mở màn, NSƯT Minh Đường, Trưởng đoàn đứng trên sân khấu nói: “Đêm nay, Đoàn cải lương Hương Tràm biểu diễn phục vụ như đoàn văn công thời máu lửa”. Ở dưới đông đảo bà con ngồi xem vỗ tay rần rần.

Diễn từ 7 giờ 30 đến tận 11 giờ đêm, Đoàn cải lương Hương Tràm lục đục tháo dỡ sân khấu, thu gom bàn ghế, cuốn phông màn… xuống tàu để đi xã khác.

Gần 60 con người, đồ đạc lỉnh kỉnh. Nữ diễn viên được ưu tiên mắc võng. Nam diễn viên trải chiếu nằm trên sàn tàu, giữa “khách sạn ngàn sao”.

Danh hài Quốc Tính cùng vợ là diễn viên Ngọc Xanh có mặt trên tàu hài hước: “Vợ chồng nghệ sĩ lưu diễn hoài thì đảm bảo sinh đẻ có kế hoạch mà không cần biện pháp gì ráo trọi”.

Tiếng máy tàu xuyên màn đêm ở vùng sông nước, xuyên rừng đước. Những câu chuyện vừa vui vừa buồn, vừa mặn vừa nhạt của anh chị em diễn viên kéo dài theo đêm dài.

Trời tờ mờ sáng, tàu cặp bến chợ Cả Nẩy, xã Hàm Rồng (Ngọc Hiển). Nghệ sỹ Minh Đường nói với chúng tôi: Đoàn dừng lại bến này 2 đêm.

Vọng cổ khởi nguồn từ bài “Dạ cổ hoài lang” nổi tiếng do nhạc sỹ Cao Văn Lầu ở Bạc Liêu sáng tác vào khoảng năm 1919-1920 với nhịp đôi dần phát triển đến bài vọng cổ nhịp 32 đầy sức quyến rũ, lại kết hợp “tân cổ giao duyên” để hình thành nghệ thuật sân khấu cải lương hấp dẫn đặc trưng Nam Bộ.

“Cải cách hát ca theo tiến bộ/ Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”, cải lương nghĩa gốc là đổi mới vậy!

Có thời, ĐBSCL đâu đâu cũng rộn ràng sân khấu cải lương, riêng tỉnh Hậu Giang nhiều năm có tới  4 đoàn. Nay cả ĐBSCL chỉ còn 8 đoàn sống lay lắt.

Các đoàn cải lương lưu diễn ở nông thôn không bán vé mà ngân sách bao cấp. Mỗi đêm diễn ngân sách cấp cho, tùy theo từng địa phương, Cần Thơ là 3 triệu đồng, còn Bạc Liêu, Cà Mau là 2 triệu đồng.

Món tiền ít ỏi ấy sau khi trừ chi phí sân bãi, thuê đò, xăng dầu, ngoại vụ và trăm thứ lặt vặt khác, còn lại khoảng 45% đem chia cho các nghệ sỹ, nhân viên gọi là “bồi dưỡng” mỗi người mỗi đêm theo các mức 10.000 -20.000 - 25.000 đồng như Bạc Liêu hoặc 20.000 - 25.000 - 30.000 đồng như Cà Mau.

“Còn như Tết nhứt thì chia đều cho vui vẻ” - Danh hài Quốc Tính - Phó đoàn cải lương Hương Tràm nói. Các đoàn được khoán mỗi năm phải lưu diễn vùng nông thôn từ 50 – 60 đêm, không kể các đợt phục vụ nhiệm vụ chính trị.

Ngân sách cấp hàng năm cho đoàn cải lương ở mỗi địa phương mỗi khác. Đoàn cải lương Tây Đô (Cần Thơ) có 48 người cả biên chế lẫn hợp đồng ngắn và dài hạn, năm 2006 được cấp 1,2 tỷ đồng, trong đó lương và bồi dưỡng lưu diễn gần 700 triệu đồng, còn lại để dựng 2 vở mới và chi phí đảm bảo.

Đoàn cải lương Cao Văn Lầu (Bạc Liêu) có gần 40 người, năm nay được cấp kinh phí cho lương bổng 548 triệu đồng, còn mua sắm trang thiết bị khoảng 300 triệu đồng thì làm đề án duyệt riêng.

Thu nhập mỗi tháng của nghệ sỹ chính, cán bộ trên dưới 2 triệu đồng, nhân viên hợp đồng có người chỉ 700.000 đồng. Cuộc sống của nghệ sỹ rất khó khăn vì vật giá leo thang mà trang phục của nghệ sỹ tốn kém. “Như son phấn không dám xài thứ rẻ tiền vì hư da mặt” - Anh Trần Văn Thiện-Phó đoàn cải lương Tây Đô tâm sự.

 (Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.