Cầm vàng mà để vàng rơi

Cầm vàng mà để vàng rơi
TP - Các làng cổ nổi tiếng của Hà Nội, trong đó có những làng trồng hoa cây cảnh đang trong xu hướng thoái hóa, dần biến mất. Những giá trị ngàn năm mới có được đang tan dần.
Cầm vàng mà để vàng rơi ảnh 1
Vườn đào cổ Liên Mạc rất cần được con người ứng xử có văn hóa.

Tại xã Liên Mạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội, có một vườn đào cổ thụ do một doanh nghiệp chủ động đứng ra tổ chức nhằm chào đón đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Khu vườn nằm ven sông Hồng, được đầu tư nhiều tỷ đồng để trồng 4.000 gốc đào lâu năm và hàng ngàn gốc đào vài năm tuổi.

Nhưng chưa kịp vui thì đã buồn. Trong tháng 8 năm 2009, một bộ phận dân chúng ở địa phương vì thiếu ý thức tôn trọng pháp luật, và đặc biệt là thiếu ý thức trân trọng giá trị văn hoá, có những hành động hủy hoại vườn đào lưu niên lớn nhất Hà Nội.

Các đối tượng vi phạm đã bị khởi tố trước pháp luật nhưng thiệt hại từ 300 cây đào lâu năm bị triệt hạ đâu chỉ đơn thuần tính bằng vài tỷ đồng. Điều quan trọng hơn là từ nay chúng ta sẽ bảo vệ và phát triển khu vườn đào quý này ra sao?

Thật đáng buồn khi sự kiện này nằm trong một xu thế suy thoái chung, các ngôi làng nổi tiếng một thời của Hà Nội, từ Nghi Tàm tới Nhật Tân, lần lượt vắng bóng những vườn đào.

Xã hội ta ngày nay không ít khi chỉ vì vài cái lợi trước mắt đã tự tay ném đi những giá trị đặc sắc do cha ông tích lũy qua nhiều thế kỷ mà con cháu lẽ ra phải trân trọng, nâng niu và tiếp nối với một niềm tự hào chính đáng.              

Hoa đào vốn là thứ không thể thiếu trong không gian của mỗi gia đình Hà Nội mỗi khi Tết đến. Ngay cả trong những năm tháng khó khăn nhất của thời kỳ kinh tế bao cấp, hoa đào và bánh chưng vẫn có mặt để người Hà Nội sum họp đón năm mới cùng gia đình.

Cái không khí ấm cúng và tao nhã đó không chỉ là một nét văn hoá. Nó là truyền thống của từng gia đình, của cả thành phố, của nhiều vùng miền trên cả nước, và đã đi sâu vào tiềm thức của mỗi người con đất Việt.

Giữa những năm tháng chiến tranh khốc liệt, nhiều anh chị em du học sinh Việt Nam dù thiếu thốn kham khổ đến đâu vẫn gắng xoay xở để kịp đón giao thừa với những cành đào tự chế. Họ chia sẻ nét truyền thống đẹp đẽ và tinh tế  của gia đình, của thành phố, của dân tộc mình với bạn bè quốc tế với ánh mắt long lanh, cảm động và tự hào.

Người Nhật nổi tiếng vì lòng tự hào với truyền thống trân trọng hoa anh đào. Hàng năm họ mang cả cây và hoa sang giới thiệu quảng bá cho người Việt ta thưởng lãm.

Vì sao người Hà Nội vốn đã gắn bó với truyền thống hoa đào cao đẹp từ nhiều đời nay, lại không thể có trong cộng đồng mình một vườn đào có giá trị văn hóa cao như thế?

Từ thành thị tới nông thôn, chúng ta đã san lấp đi những cánh đồng hoa, hấp tấp dựng lên quá nhiều những ngôi nhà ống tùy tiện chen vai thích cánh, hoặc dựng lên hàng loạt những sân golf xa xỉ. Để làm gì?

Sẽ mất nhiều thập kỷ để Hà Nội có nhiều nhà cao đường rộng như Singapore. Nhưng có những điều mà người Singapore dù muốn cũng không thể có, hoặc sẽ phải mất nhiều thế kỷ mới có.

Đó là lịch sử, là những giá trị phi vật thể được bảo tồn và phát triển từ đời này qua đời khác. Vậy mà chúng ta đang cầm vàng mà để vàng rơi. Những nghệ nhân trồng đào lão thành, những bí quyết nhà nghề cha truyền con nối, và văn hóa hoa đào thanh lịch của người Tràng An rồi sẽ về đâu?

KTS Thành Lê (Hà Nội)

MỚI - NÓNG