Hội thảo Thống kê di sản âm nhạc cổ truyền:

Cần chính sách riêng cho nghệ nhân?

Cần chính sách riêng cho nghệ nhân?
TP - Gần 50 năm đi điền dã, thống kê di sản âm nhạc truyền thống, nhưng lần đầu tiên, Viện Âm nhạc tổ chức một hội thảo lớn về vấn đề này.
Cần chính sách riêng cho nghệ nhân? ảnh 1
“Nghệ nhân có phải là di sản hay không” là một chủ đề của hội thảo, nhưng quan trọng hơn: Họ đang sống thế nào?  Ảnh: Đ.T.T

Hội thảo vừa diễn ra 2 ngày tại Hà Nội với những câu hỏi thậm chí về khái niệm rất cơ bản vẫn còn để mở.

Trong Công ước quốc tế 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, UNESCO yêu cầu các quốc gia thành viên “dựa trên những điều kiện thực tế riêng, phải lập ra một hoặc nhiều danh mục thống kê về di sản văn hóa phi vật thể hiện có trên lãnh thổ mình”.

Theo TS Lê Thị Minh Lý- Phó Cục trưởng Cục Di sản-Bộ VHTT, trong hơn 10 năm qua, nhiều tổ chức, cơ quan ở Việt Nam đã điều tra, lập các danh mục thống kê, tư liệu hóa và tạo ra cơ sở dữ liệu ở những mức độ khác nhau. Tuy nhiên, UNESCO cho rằng các danh mục này chưa đạt tới yêu cầu của danh mục di sản quốc gia.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Minh Châu, việc xác định tiêu chí di sản và thống kê giá trị di sản tưởng quá rõ ràng nhưng, nắm bắt cái vô hình vô thể không phải ai cũng làm nổi. Bởi, “cái được coi là gốc của nghệ thuật truyền miệng, truyền ngón nghề thực ra chỉ dựa trên cơ sở văn bản vô hình tồn tại trong ký ức nghệ nhân”.

Nhà nghiên cứu  Bùi Trọng Hiền (Viện VHTT) kể, mẹ nuôi anh-nghệ nhân Xẩm cuối cùng của VN- thường nói: “Mày về trên đó xin các ông ấy cho bu ít lương”... Bà Đào Thị Sại-nghệ nhân hát văn lão thành ngoài tuổi 90 vẫn ẩn cư trong một xóm nhỏ tại Ý Yên-Nam Định mà không mấy ai biết tài năng đặc biệt của bà.

Trong khi đó, nghệ nhân Kim Sinh thường than phiền vì con trai ông không theo nghề, “có đàn hay đến như bố cũng khó sống”! “Đã đến lúc Nhà nước cần hoạch định một chính sách riêng cho nhạc cổ truyền VN nói chung, giới nghệ nhân cổ nhạc nói riêng”- Ông Hiền nhấn mạnh.

Nghệ nhân đang sống như vậy, trong lúc hội thảo đang bàn tới một chủ đề lớn: Họ có phải là di sản hay không.

Nhạc sỹ Đặng Hoành Loan-nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc cho rằng Viện cần đề xuất Bộ VHTT công nhận kho băng âm thanh của Viện là kho “Băng âm thanh quốc gia”. Ông Loan khẳng định: Kho băng ấy có rất nhiều hình thức âm nhạc và nghệ thuật mà có lẽ trong cuộc tổng thống kê di sản văn hóa hôm nay không thể nào có được.

Hội thảo đưa ra những bàn luận xung quanh khái niệm di sản âm nhạc cổ truyền, ứng xử thế nào với âm nhạc cổ truyền đương đại. GS Trần Văn Khê nói, không thể lấy một mốc thời gian nào đó trong quá khứ để quy định sau nó là hiện đại, trước nó là cổ truyền. Việc thống kê phải dựa vào nghệ nhân-những báu vật nhân văn sống. 

MỚI - NÓNG