Cần một con đường di sản văn hóa Sa Huỳnh

Cần một con đường di sản văn hóa Sa Huỳnh
TP- Trong bối cảnh ly tán, manh mún đáng lo ngại của hệ thống di tích, di vật văn hóa Sa Huỳnh hiện tại, một “Con đường di sản văn hóa Sa Huỳnh” nhằm kết nối không gian suốt dọc duyên hải miền Trung của nền văn hóa lừng lẫy này là điều đặc biệt cần thiết.

Khái niệm “con đường di sản văn hoá Sa Huỳnh” được TS Đoàn Ngọc Khôi (Bảo tàng Quảng Ngãi) nêu lên tại Hội thảo khoa học quốc tế 100 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh (diễn ra 24/7 tại Quảng Ngãi) chừng như khuất lấp giữa mấy chục tham luận chuyên sâu nhưng  lại thiết thực hơn cả.

Giàu có

Từ phát hiện đầu tiên của người Pháp vào năm 1909 với 200 mộ chum có niên đại 2.500 - 3.000 năm tại cồn cát Sa Huỳnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi), đến nay, văn hóa Sa Huỳnh đã phát lộ dày đặc suốt lòng đất và hải đảo duyên hải miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận, lên đến Tây Nguyên với hàng trăm di tích.

Riêng tại lưu vực sông Thu Bồn rộng lớn của Quảng Nam chỉ từ sau 1975 đến nay cũng đã phát hiện gần 100 di tích văn hóa Sa Huỳnh rải từ đồng bằng ven biển tới núi cao.

Theo dự án đã phê duyệt, Nhà Trưng bày văn hóa Sa Huỳnh đặt tại Sa Huỳnh (xã Phổ Khánh, Đức Phổ) với diện tích hai hécta, tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự kiến từ nay tới năm 2012.

Th.S Karsten Brabander đến từ Viện Khảo cổ học Đức vẫn ngạc nhiên khi (riêng đợt khai quật các năm 2003 - 2004 của nhóm khảo cổ Việt - Đức tại Lai Nghi (Điện Bàn, Quảng Nam) trong 63 ngôi mộ tìm thấy (ngoài đồ gốm, đồng, thiếc), 10 ngàn hạt trang sức, trong đó phần lớn bằng thủy tinh.

Qua phân tích, thấy hoàn toàn không trùng với những loại thủy tinh vốn thường gặp trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, chứng tỏ một kỹ thuật làm thủy tinh độc đáo riêng của người Sa Huỳnh.

Hay như bộ đàn đá Hàm Mỹ đầu tiên của văn hóa Sa Huỳnh được phát hiện tại Bình Thuận như một dấu ấn văn hóa độc đáo. Thậm chí mới đây có những phát hiện dấu tích văn hóa Sa Huỳnh ngay trên địa bàn của văn hóa Đông Sơn (di tích Bãi Cọi - Nghi Xuân, Hà Tĩnh).

Văn hóa Sa Huỳnh được ghi nhận là một trong ba trung tâm văn hóa quan trọng nhất trong thời đại kim khí Việt Nam, cùng với văn hóa Đông Sơn phía Bắc và văn hoá Óc Eo phía Nam. Ngay nền văn hóa Chămpa rực rỡ thoát thai chính từ văn hóa Sa Huỳnh, mà đến nay mọi bí ẩn vẫn còn đó.

 Manh mún

Không có được vận mệnh may mắn (chữ dùng của TS  Diệp Đình Hoa - Viện KHXH VN) khi so sánh với văn hóa Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh được phát hiện sớm hơn nhưng, với tính chất đa dạng, phức tạp, không tạo được sự nhất trí ngay từ đầu trong việc định danh những di tích, di vật. Và những di tích, di vật ấy, sau tròn một thế kỷ, vẫn còn ngổn ngang khắp rẻo đất miền Trung.

Ngoài nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh tại Hội An (Quảng Nam) được coi là dày dặn nhất với gần 2.400 hiện vật, theo TS Lương Hồng Quang - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật VN, hầu như chưa hề có một tỉnh nào có bảo tàng chuyên đề về văn hóa Sa Huỳnh. Thi thoảng vài nơi có một gian trưng bày nhỏ lẻ, hay một số sưu tập tư nhân.

Ngay chính quê hương của nền văn hóa lừng lẫy này cũng chỉ có một gian trưng bày khuất lấp với vài trăm hiện vật. Ngoài ra, hàng trăm di tích đã khai quật vẫn dầm mưa dãi nắng, ít ai biết đến. Chưa kể tốc độ phát triển kinh tế, đô thị hóa ở vùng miền Trung có thể khiến nhiều di chỉ chưa kịp phát hiện bị đè lấp. Nói như TS Phạm Đức Mạnh - GĐ Bảo tàng LS- VH, Trường ĐHKHXHNV TPHCM, đã đến lúc cần phải “điền dã cấp cứu”.  

Ông Nguyễn Danh Hạnh (Bảo tàng Phú Yên) trăn trở, tỉnh có sáu di tích, trong đó mới có ba di tích được khai quật, việc nghiên cứu tại địa phương còn nhiều hạn chế. TS Đinh Bá Hòa - GĐ Bảo tàng Bình Định lý giải, việc bảo vệ các di tích văn hoá Sa Huỳnh cực kỳ khó khăn, bởi “nhiều năm nay chúng ta chỉ mới khai quật để nghiên cứu nhưng ít đề nghị xếp hạng cho di tích do thiếu quan tâm, dù Luật Di sản văn hóa đã ghi rõ”. 

Gắn với du lịch, ông Lê Hồng Khánh - Trung tâm văn hóa Quảng Ngãi, cho rằng ngành này chưa chú ý đúng mức đến di sản lớn đang có trong tay. Một việc nhỏ như làm sao hướng dẫn viên có được khả năng giúp du khách đến Lý Sơn hình dung sinh hoạt của người Sa Huỳnh trên hải đảo cách chúng ta nhiều nghìn năm.

“Cần xây dựng con đường di sản văn hóa Sa Huỳnh, có sự liên kết giữa các tỉnh miền Trung trong không gian văn hóa Sa Huỳnh, trong đó Quảng Ngãi giữ vị trí trung tâm.

Đây là nơi phát hiện đầu tiên về văn hóa Sa Huỳnh, và cũng là nơi sắp tới sẽ hình thành khu bảo tồn di tích gốc-  TS Đoàn Ngọc Khôi - Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi, đề nghị.

Ngoài ra, cần xây dựng bản đồ GPS cập nhật thông tin về di tích, di vật của các địa điểm văn hóa Sa Huỳnh nhằm giúp quản lý và nghiên cứu bảo tồn. Đồng thời áp dụng công nghệ mới để bảo tồn di tích ngoài trời thu hút khách tham quan du lịch”.

MỚI - NÓNG