Cần một tên khác cho Liên hoan Tiếng hát Dân ca VN?

Cần một tên khác cho Liên hoan Tiếng hát Dân ca VN?
Đêm 30/7 của LH Tiếng hát Dân ca VN đã mắc một lỗi khá kỳ khôi khi đội ngũ làm chương trình quy Xẩm huê tình vào thể loại xẩm (đúng ra phải là ca trù).

Qua LH này cũng có thể thấy “dân ca” không chỉ “chân chất”, mà còn đủ tinh tế để cho chính những người làm chương trình phải kinh ngạc...

LH Tiếng hát Dân ca VN là một việc làm rất có ý nghĩa, một cố gắng rất lớn của Đài Truyền hình Việt Nam. Rất nhiều ưu điểm ở LH mà chúng ta đã biết và LH đã kết thúc tưng bừng với hầu hết các tiết mục đều có thưởng.

Tuy nhiên, khá nhiều loại hình ca hát của các dân tộc gọi là dân ca cũng hơi gượng, nếu coi dân ca là những thể loại âm nhạc dùng trong đời sống bình dân lao động, hát chơi không nhằm mục đích kiếm tiền (trừ dân ca nghi lễ được xếp vào loại “bán chuyên nghiệp”).

Nếu tìm một cái tên chính xác hơn thì đây có thể là LH Tiếng hát Cổ truyền VN bởi ca trù, chầu văn, xẩm hay then… từ xưa muốn “ăn tiền” thiên hạ đều đòi hỏi một trình độ chuyên nghiệp.

Trong khi các dân tộc ít người thể hiện những gì tốt nhất (hoặc được cho là tốt nhất) trong kho tàng của mình thì một số đoàn ở đồng bằng lại đem tới những tiết mục đã bị cải biên hoặc không hoàn chỉnh.

Người hát xẩm, hát chầu văn không biết đánh phách, chứng tỏ họ nếu có học thì họ học theo kiểu trường lớp chứ không được nghệ nhân truyền nghề.

Ấy vậy mà một thành viên trong Hội đồng Nghệ thuật vẫn cứ tưởng một diễn viên là học trò của bà Hà Thị Cầu… Hay chính vì tiêu chí “tiếng hát” mà LH không yêu cầu gì hơn ngoài việc thí sinh hát cho hay.

Còn trên thực tế thì hát (có thể) hay nhưng không hẳn đã đúng kiểu - hát xẩm, hát ca trù thì như chèo. Hoặc cố thêm những động tác “sân khấu hóa” không cần thiết. Chẳng hạn vừa hát chầu văn, bóng rỗi vừa múa lên đồng thì chỉ trong LH kiểu này mới thấy!

Tuy nhiên, chuyên nghiệp đến đâu không đáng quan tâm bằng tính nguyên gốc của dân ca mà LH lần này đang cố gắng hướng tới. Hầu hết các tiết mục của người Kinh, có nghĩa là khoảng một nửa chương trình, được đệm bằng dàn nhạc dân tộc của Đài Tiếng nói VN.

Nhìn qua tưởng như sự chuyên môn hóa đã được nâng lên ngang với các live show nhạc trẻ nhưng thực ra là bất cập, khi đây là dàn nhạc mà các nhạc cụ đã được cải tiến theo kiểu Tây - tình trạng tương tự đối với dàn nhạc Kh’mer hay đàn goong của Tây Nguyên - và hòa âm cũng theo Tây nốt.

Có nghĩa là dàn nhạc (vô tình) đã bị đánh tráo, nhưng đa số khán thính giả vẫn tưởng mình đã đến được với cổ truyền nguyên bản. Đó là những cái “tuy nhiên” mà người xem thấy cần phải nói ra để LH lần sau có chất lượng cao hơn. 

MỚI - NÓNG