Cần Thơ: Liên hiệp Hội Văn nghệ hay Hội Văn nghệ?

Cần Thơ: Liên hiệp Hội Văn nghệ hay Hội Văn nghệ?
TP - Tiền phong trước đây đã có bài “Hội Văn nghệ Cần Thơ: Không kinh phí, Hội buồn thiu”. Liền đó Văn phòng UBND và Sở Nội vụ, Sở Tài chính TP Cần Thơ có loạt công văn gửi qua lại, đến nay tình hình càng mờ mịt.

Ngày 12/3, Văn phòng UBND TP Cần Thơ gửi công văn cho Sở Nội vụ truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo sở này phối hợp với Sở Tài chính bàn việc cấp kinh phí cho Hội Văn nghệ.

Sở Nội vụ có công văn “Kính trình UBND thành phố xem xét quyết định tiếp tục hỗ trợ ngân sách cho Liên hiệp Hội Văn nghệ. Mức hỗ trợ cụ thể do Sở Tài chính đề xuất”.

Ngày 16/3, Sở Tài chính có công văn khẳng định không thể cấp kinh phí cho Liên hiệp Hội Văn nghệ bởi đây là tổ chức “tự trang trải về tài chính” theo Quyết định số 2609 ngày 4/12/2006 của UBND TP Cần Thơ.

Cần Thơ có Hội Văn nghệ và Liên hiệp Hội Văn nghệ?

Theo quyết định số 2609 vừa nêu, từ 4/12/2006 Hội Văn nghệ đã đổi thành Liên hiệp Hội Văn nghệ. Tuy nhiên, đó là trên giấy. Thực tế, vẫn còn Hội Văn nghệ.

Vấn đề trở nên rắc rối là nếu TP Cần Thơ có hỗ trợ kinh phí cho Liên hiệp Hội Văn nghệ thì tổ chức này không thể nhận vì chưa ra đời, chưa có tài khoản, con dấu và chủ tài khoản. TP Cần Thơ lại không thể cấp kinh phí cho Hội Văn nghệ bởi nó không còn tồn tại về mặt pháp lý. Tại sao có tình hình như vậy?

Hơn 1 năm trước, ngày 20/12/2005, Thành ủy Cần Thơ có Công văn số 05 chỉ đạo chuyển Hội Văn nghệ thành Liên hiệp Hội Văn nghệ bằng tiến hành đại hội từ cơ sở, để qua đó chuyển 5 Phân hội chuyên ngành thành Hội và Hội thành Liên hiệp Hội.

Ban chỉ đạo đại hội được thành lập có 9 người đủ các thành phần (Hội Văn nghệ chỉ có 1 người tham gia), Trưởng ban chỉ đạo là Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy.

Một loạt tiểu ban được thành lập, chủ yếu là quan chức của thành phố. Cho đến nay chưa phân hội nào đại hội được. Treo giải thưởng 2 triệu đồng cho phân hội đại hội sớm nhưng đến nay vẫn lơ lửng chưa ai lấy.

Nguyên nhân chính là thiếu dân chủ. Điển hình như Phân hội Sân khấu, trước đây ông Nhâm Hùng làm Phân hội trưởng. Ngày 4/3/2006, ông Nhâm Hùng có “đơn xin từ nhiệm” và ngày 17/6/2006, đã bàn giao công việc cho nghệ sỹ Trúc Linh. Cuối năm 2006, nghệ sỹ Trúc Linh cùng BCH Phân hội chuẩn bị đại hội thì ông Nhâm Hùng cũng được Ban chỉ đạo giao… chuẩn bị đại hội. Thế là cãi nhau như diễn kịch.

Đặc biệt, Ban chỉ đạo đã có công văn “thúc” các phân hội tổ chức đại hội vào tháng 11/2006 nhưng khi Phân hội Văn nghệ Dân gian lên kế hoạch tổ chức đại hội vào sáng 24/11/2006, thư mời đã gửi thì có vị lãnh đạo bảo chưa xếp lịch tham dự được nên phải đình lại. Phân hội Văn học thấy thế cũng dừng lại chờ lãnh đạo xếp lịch (!).

Ngày 6/2/2007, Ban chấp hành Hội Văn nghệ họp mở rộng bàn nhân sự lại được chỉ đạo: Đại hội chỉ bầu 2 Phó Chủ tịch, còn Chủ tịch để “trên” cử về. Cuộc họp thành ra cuộc tranh luận om sòm.

Liên hiệp Hội Văn nghệ Cần Thơ nay có danh mà không có hình, Hội Văn nghệ Cần Thơ tồn tại thực tế lại không còn danh, không có kinh phí. 280 hội viên ngơ ngác. Gần hết tháng Ba mà văn nghệ ở trung tâm ĐBSCL vẫn im lìm trong rối ren, chưa biết tương lai đi về đâu.

MỚI - NÓNG
Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận sáp nhập huyện, xã như thế nào?
Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận sáp nhập huyện, xã như thế nào?
TPO - Để đảm bảo sự thống nhất, đồng thuận về tên gọi mới khi sáp nhập, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tổ chức lấy ý kiến cử tri, người dân, thời gian từ ngày 25/4 đến ngày 4/5. Còn tỉnh Bình Thuận sẽ có 17 xã, phường thuộc 5 huyện, thành phố, thị xã có liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính.