Càng hiện đại, càng cô đơn

Càng hiện đại, càng cô đơn
TPCN - Nếu nói một cách ngắn gọn thì "Cô đơn trên mạng" là câu chuyện tình thời internet. Nó cũng giống như đa số các chuyện tình qua mạng mà ta đã từng nghe. Nhưng...

Cô đơn trên mạng là tác phẩm đoạt “scudetto” (thể loại văn học dịch) năm nay của Hội nhà văn Hà Nội. Đây có thể được coi là bất ngờ nho nhỏ khi nó vượt qua Mặt trời nhà Scorta (của Laurentg Gaudé, tiếng Pháp, Dương Tường dịch) và Mắt sói (của Daniel Penac, tiếng Pháp, Ngân Hà dịch)

Càng hiện đại, càng cô đơn ảnh 1

Đầu tiên họ quen nhau qua “chat chít”, thích “con người ảo” của nhau rồi “yêu nhau”, sau đó gặp nhau bằng xương bằng thịt, làm tình, và cuối cùng chia tay.

Jakub, tiến sĩ toán và tin học, đã ngẫu nhiên gặp trên mạng một cô gái trẻ, đã có chồng còn anh thì chưa vợ, tự do và cô đơn. Điều đặc biệt là khi đọc xong cuốn sách độc giả vẫn chưa biết tên cô gái (có thể đây là chủ ý của tác giả).

Chỉ biết cô rất đẹp, tinh tế, đa cảm, thơm tho và vô cùng gợi tình “tóc em đen dài và màu mắt thì tùy thuộc vào tâm trạng”. Toàn bộ câu chuyện tình của họ xoay quanh những giờ gặp nhau trên mạng: người đàn ông ở Đức, nhưng thường xuyên di chuyển khắp thế giới theo các dự án về gen; người đàn bà ở Warszawa, có một cuộc sống đầy đủ với anh chồng thành đạt.

Nhưng cả hai người luôn thấy thiếu vắng một điều gì đó trong đời thường tẻ nhạt. Sự kỳ diệu của internet đã chắp mối họ lại, nói như người đàn bà thì “internet cần được tôn vinh như lửa và rượu vang”.

Dù ở bất cứ nơi nào trên thế giới, họ vẫn có thể “cảm thấy” nhau, trò chuyện như  thể sắp cùng nhau lên giường. “Anh ước rằng khi hôn, anh sẽ cảm thấy vị của những trái phúc bồn tử mà anh đã hái trong rừng”.

“Hôm nay em mặc đồ lót mầu gì?” “Vậy anh thích cởi đồ lót mầu gì nhất ?” “Anh đã giẫm em bẹp dí. Và anh đã thu em nhỏ lại kích cỡ của con virus”.

“Thế giới của em vắng anh bỗng trở nên im ắng quá”…Người đọc được xem một câu chuyện tình thật đẹp và quyến rũ. Phải chăng xã hội càng trở nên hiện đại, mọi việc càng trở nên rõ ràng thì chúng ta sẽ càng ít người tri kỷ ?

Cô gái quyết định đi Paris để gặp Jakub khi ấy trên đường từ Mỹ trở về Đức sẽ transit qua đây. “Em cảm thấy thiếu anh vô cùng, Jakub” “Sáng mai ở sân bay anh thích môi em mầu gì?”…

Có thể nói nhà văn Wisniewski là tác giả bậc thầy về tiểu thuyết hiện đại. Dễ hiểu vì sao Cô đơn trên mạng từng là sách best seller nhiều năm ở châu Âu và Ba Lan, đến Việt Nam nó đã được độc giả hào hứng đón nhận.

Bản thân là một nhà khoa học nên trong cuốn sách này Wisniewski đã biến những kiến thức công nghệ và tin học phức tạp thành kiến thức phổ thông. Tiểu thuyết của ông tầng tầng lớp lớp, nhiều đồng hiện và ẩn dụ, như một thanh nam châm hút người đọc.

Thủ pháp của ông thật đa dạng và biến hóa. Khi thì lướt nhanh, khi thì ông cố tình tạo ra những nhẩn nha đầy chủ ý khiến người đọc chỉ muốn giằng lấy cây bút của ông để viết tiếp. Sex hiện diện ở hầu hết các chương sách, mạnh nhưng nhân bản và bay bổng.

Ông đã biến cuộc gặp gỡ của hai “người ảo” ở Paris thành một câu chuyện thật ly kỳ, lãng mạn và nghẹt thở. Người đọc phải hồi hộp đến phút cuối, để cảm nhận được rằng, cuộc sống càng chính xác bao nhiêu thì mọi ranh giới sẽ càng hiện rõ bấy nhiêu, nó sẽ trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Và trong một thế giới toàn cầu hóa, mỗi người hãy biết trân trọng từng phút giây mong manh ấy.

Từ đầu đến cuối, cuốn sách chỉ có ANH và CÔ và INTERNET nhưng tác giả đã tạo cho người đọc một không gian và thời gian châu Âu trải dài từ thế chiến thứ 2 đến sự kiện khủng bố 11/9 ở nước Mỹ.

Một Jakub đơn độc trên hành trình tự giải thoát khỏi cô đơn, mối tình thánh thiện như cổ tích với cô gái câm Natalia, một tháng trời bạo liệt bên Jennifer để rồi lại tiếp tục chạy trốn. ở mối tình thứ nhất, thật ra Jakub yêu tình yêu của mình.

Trong mối tình thứ 2, Jakub chỉ đi tìm lại hơi ấm của mối tình đầu đã bị cái chết bi thảm của Natalia dập tắt. Jakub thực sự hồi sinh khi đến với mối tình thứ 3 - người đàn bà trên mạng.

Nhưng điều bất hạnh với những “người ảo” là họ luôn phải đối mặt với cuộc sống thật – nỗi cô đơn lớn nhất của mình. Jakub không chịu được, anh từ bỏ thế giới hiện đại vì cho rằng nó chẳng có chỗ cho anh.

Dịch giả Nguyễn Thanh Thư đã tìm được một cuốn sách hay và chuyển ngữ thành công. Đời sống văn học Ba Lan hiện đại bấy lâu im ắng trên các giá sách ở Việt Nam đã được chị đánh thức.

Đây là cuốn sách sử dụng nhiều thuật ngữ khoa học, tin học và ngôn ngữ của “dân mạng” nên không dễ dịch. Giá như chị bổ khuyết được những điểm này thì hẳn sẽ tăng thêm phần thích thú cho người đọc, đặc biệt là bạn đọc trẻ.

(1) Tác giả Janusz L. Wisniewski (Ba Lan), Nguyễn Thanh Thư dịch, NXB Trẻ ấn hành 2006.

MỚI - NÓNG