Cảnh chiến đấu trong Tam quốc bị chê

Cảnh chiến đấu trong Tam quốc bị chê
TPO - Được coi là một trong những siêu phẩm đáng được chờ đợi nhất năm 2010, nhưng phản ứng của khán giả sau khi xem trực tuyến Tam quốc lại khác hẳn. Nhiều pha chiến đấu, trận đánh kinh điển bị chê thô. Ông Lâm Phong, chỉ đạo võ thuật của phim tâm sự, dở do thiếu... kinh phí, thời gian.

Quan điểm của chúng tôi là cảnh quay phải thực, từ con người tới đao, kiếm, tất cả giống như trong đời thực, không dùng những pha bay lượn như trong phim kiếm hiệp. Ví dụ như cảnh Triệu Tử Long một mình một ngựa xông pha giữa trùng vây cứu ấu chúa trong trận cầu Trường Bản, trong tiểu thuyết kể rằng Triệu bảy lần xông pha trong đám muôn quân vạn mã, nhưng làm sao để thể hiện điều đó? Chúng tôi không thể dùng những cảnh giả trong phim, vì thế chọn cách để Triệu ba lần xông pha: tấn công doanh trại quân Tào, giải cứu ấu chúa, đột phá trùng vây.

Trong trận Lã Bố chiến Tam Anh, các cảnh quay quá phức tạp. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về điều này, và trong đó dùng kỹ xảo nhiều hay cảnh chiến đấu thực nhiều?

Cảnh này rất ít kỹ xảo, chủ yếu là chiến đấu thực. Phong cách của tôi xưa nay luôn chú trọng dùng cảnh quay thể hiện tiết tấu nhanh. Tuy nhiên, việc yêu cầu bốn diễn viên cưỡi bốn con ngựa chiến cùng diễn cảnh đánh nhau là cực kỳ khó. Tôi đành phải để diễn viên cưỡi trên ngựa giả, hoặc hòm gỗ để quay phim, do đó cần thay đổi góc quay liên tục. Lúc đầu, tôi yêu cầu cả bốn diễn viên cưỡi ngựa thật, nhưng do nguyên nhân thời gian gấp rút và nhiều nguyên nhân khác, không thể làm vậy được. Chúng tôi cùng định dùng kỹ xảo 3D, nhưng quá tốn tiền và mất thời giờ, mỗi cảnh quay 3D như thế cần tới 20 ngày! Nhà chỉ đạo sản xuất phim không đồng ý phương án đó. Giá như Tam Quốc được đầu tư đầy đủ hơn, tôi đã bớt đi nhiều nuối tiếc.

Trận hỏa thiêu Xích Bích cũng được nhiều người quan tâm, nét khác biệt so với cảnh cùng tên trong phim điện ảnh Xích Bích của đạo diễn Ngô Vũ Sâm là gì?

Trong trận Xích Bích do chúng tôi dàn dựng, từng chi tiết đều được cân nhắc tỉ mỉ, và có sự kết hợp giữa nhóm quay phim và nhóm làm hậu kỳ. Từng phản ứng của binh sĩ khi bị lửa thiêu, chiến thuyền bốc cháy trên sông được thể hiện từ nhiều góc độ. Tôi tin rằng khi xem phim, khán giả thấy được sự thảm khốc của chiến tranh. Mặt khác, loại dầu gây cháy dùng trong phim là dầu đặc chủng của ngành hàng không, cho hiệu quả hình ảnh chân thực hơn rất nhiều so với các cảnh quay khói lửa bằng dầu thông thường.

Điều khó khăn nhất khi làm phim Tam Quốc là gì, thưa ông?

Trường quay quá rộng, nhân lực điều động đông, môi trường làm việc khắc nghiệt. Các cảnh chiến đấu đa phần ở ngoài trời, suốt 10 tháng trời chúng tôi trải qua cả nắng nóng lẫn gió lạnh. Trong đó có 4 tháng ngồi trên xe tăng, ăn đầy một bụng gió cát và bụi bặm. Mệt mỏi nhất là khi quay trận chiến Quan Độ, đang giữa Tết, nhiều diễn viên quần chúng không đến, toàn bộ nhân viên đoàn làm phim phải đứng vào cho đủ số người. Hay những lúc phải vật lộn với cảnh quay dưới trời nắng nóng 40 độ C, đó quả thực là những thử thách rất lớn!

Điều gì khiến ông tự hào nhất với những cảnh quay trong Tam Quốc?

Đó là những pha chiến đấu trên lưng ngựa. Trong Tam Quốc, chúng tôi chủ yếu sử dụng cảnh quay trên lưng ngựa, bởi nó thể hiện chính xác những gì các đại tướng thời xưa từng trải qua. Tôi đã nghiên cứu nhiều tư liệu về các trận chiến cổ đại, đại tướng điều khiển ngựa, vũ khí, tốc độ ra sao để có thể tung hoành trong chiến trận. Các khán giả hãy để ý xem, trong Xích Bích của Ngô Vũ Sâm, tướng tài như Quan Vũ, Trương Phi chủ yếu đánh nhau trên mặt đất, trong khi chúng tôi thường sử dụng cảnh quay trên ngựa, khó hơn rất nhiều.

Văn Việt Võ
Theo Sina

MỚI - NÓNG