Cánh diều vàng 2007: Bắt đầu gay cấn

Cánh diều vàng 2007: Bắt đầu gay cấn
TP - Trong lúc Ban giám khảo Cánh diều vàng bắt đầu xem và chấm phim thì buổi tọa đàm “Đề tài, nhân vật và các xu hướng biểu hiện trong sáng tác điện ảnh VN đương đại” do Hội Điện ảnh VN tổ chức đã diễn ra, với nhiều ý kiến khá gay gắt!

Nhà báo Tô Hoàng nói: “Không hiểu vì lý do gì, vì những thúc ép lành mạnh hay hèn hạ nào mà tại LHP ở Nam Định, phim Mùa len trâu lại đột nhiên bị kém cơ một phim tầm cỡ trung bình là Hà Nội, Hà Nội”…

Giải Cánh diều vàng 2007 đã bắt đầu (3-9/3) tại TP HCM. Trong buổi tọa đàm, vấn đề đưa ra bàn bạc xoay quanh đề tài và nhân vật phim.

Vậy chúng ta đang có những nhân vật gì?

Biên kịch Đoàn Minh Tuấn than thở: “Xem phim Mỹ thoạt đầu không có gì nhưng kết thúc lại có gì. Xem phim của ta nửa đầu không thấy gì, nửa sau cũng… không thấy gì. Không có sự biến đổi nhân vật trong phim của ta, cấu trúc phim thiếu bước ngoặt bất ngờ, yếu trong cách kể truyện”.

Vẫn chưa công bố chính thức giá trị của các giải thưởng tại Cánh diều vàng 2007. Nghe nói yếu tố tài chính hiện nằm trong tay Công ty truyền thông Mêkông chứ Hội Điện ảnh VN không chủ động quyết định.

Giải Phim hay nhất do các nhà báo bình chọn sẽ là cuộc bỏ phiếu của khoảng 17 phóng viên thuộc CLB báo chí-phê bình điện ảnh và Vidotour đã hào phóng tài trợ với giá trị giải sớm được công bố: 20 triệu đồng.

Giá trị của giải này tăng gấp đôi so với năm ngoái (phim Sinh mệnh đoạt giải năm 2006 với trị giá 10 triệu đồng), còn tiền thưởng cho các giải thưởng nằm trong cơ cấu chính thức năm nay chưa biết sẽ tăng hay giảm.

Nhà báo Tô Hoàng từng đôi lần được ngồi ghế giám khảo mảng phim truyện nhựa hoặc video trong các LHP quốc gia, LHP truyền hình, thốt lên:

“Thật nực cười khi trong một bộ phim vừa xem tích truyện sống sít, gượng gạo, xung đột giả tạo, các vai diễn đi đứng, nói năng, tỏ tình… đều được sắp đặt gượng ép, hệt như ma-nơ-canh trong các cửa hàng thời trang, như hồn ma bóng quỷ… thế mà khi bỏ phiếu nhiều vị giám khảo vẫn bầu người thủ vai ma-nơ-canh ấy là những nam/nữ diễn viên xuất sắc”.

Đó là nhân vật trong phim rơi vào tình trạng “lưỡng lự nhị nguyên”, TS Nguyễn Thị Minh Thái thường thích dùng những cách gọi khó khăn hơn- một thủ pháp để người nghe phải chú tâm chăng?!

Nói thẳng ra thì chị phê thế này: “Bao giờ nhân vật phim truyện mới thôi nửa nạc nửa mỡ, dở dở ương ương”.

Trong khi phân tích cách viết nhất nguyên đáo để của Nguyễn Quang Lập đã tìm gặp được sự hài hòa, đồng thuận về thẩm mỹ với đạo diễn Thanh Vân trong phim Đời cát hoặc sự trong vắt của phương pháp nhất nguyên ở toàn bộ phong cách làm phim Mùa len trâu của Nguyễn Võ Nghiêm Minh thì TS Nguyễn Thị Minh Thái cũng không quên nêu ví dụ về kiểu nhân vật nửa chừng xuân:

Hà Nội, Hà Nội cũng xảy ra những lỗi đáng tiếc về cách xây dựng nhân vật rất tùy tiện, chung chiêng giữa thật và giả, nhất là hai nhân vật chính do Can Đình Đình và Minh Tiệp thủ vai…”.

Tọa đàm về vấn đề cốt tử của phim ảnh nhưng nhìn quanh chẳng có mấy nhà sản xuất, biên kịch, diễn viên và đặc biệt là đạo diễn trẻ tham dự. Những đạo diễn điển hình cho kiểu khai thác đề tài mới cũng không tham dự, tranh luận với ai bây giờ?

Và rồi những điều đạo diễn Thanh Vân tâm sự liệu có đến được tai của đạo diễn Lê Hoàng, Vũ Ngọc Đãng, Nguyễn Quang Dũng, Đào Duy Phúc…:“Gần đây chúng ta đã đi vào các đề tài đồng tính, ma, gái nhảy… nhưng vẫn dừng ở mức khám phá và thành công ở chỗ tăng thêm bảng màu sắc cho phim Việt.

Tiếc là nhiều người có liên quan đã không trực tiếp nghe  tâm sự của nhà sử học Dương Trung Quốc khi nói về nhân vật điện ảnh và nhân vật lịch sử:

“Các nhà sử học đôi khi hơi lạm dụng. Tôi đề nghị không nên để nhà cố vấn sử học trong thành phần sản xuất một bộ phim truyện. Sử học của chúng ta còn nghèo nàn và mất mát quá nhiều.

Đừng biến nhà sử học thành cái mũ kim cô cho các ngành nghệ thuật khác, như thế là hạn chế sự sáng tạo, làm cho bộ phim nghèo nàn đi…”.

MỚI - NÓNG