'Cánh đồng bất tận' nhìn từ hàng ghế khán giả

'Cánh đồng bất tận' nhìn từ hàng ghế khán giả
TP - Bộ phim 'Cánh đồng bất tận' đã nhận được nhiều phản hồi của khán giả. Để rộng đường dư luận chúng tôi xin giới thiệu cảm nhận của độc giả Lã Tiệp Quyên (TP. HCM) về bộ phim này. Mời bạn đọc tiếp tục gửi ý kiến của mình về bộ phim 'Cánh đồng bất tận' về tòa soạn qua phần Ý kiến bạn đọc.

>> 'Tôi muốn cái kết là sự giải thoát'


Miên man "Cánh đồng bất tận"

Bạn bè bảo mình weird (tạm dịch hâm), này thì mình hâm một thể. Mình đi xem phim, cái quan trọng không để ý. Cứ ngồi đê mê nghe nhạc.

Ôi âm nhạc tuyệt vời!

Chẳng để ý lỗi dựng phim, đến màu trời không chuẩn, chẳng sắc sảo để thấy là cảnh phim.

Nó giống như một tập của Discovery Channel.
Như bạn mình đã phán.
Chẳng cau mày khi cảnh đầu phim.
Dù hiện thực nhưng rất đỗi phi nhân văn.
Nếu bày lên màn ảnh kiểu hai năm rõ mười như thế. (Chuyện này có người đồng tình có người không)...

Chẳng để ý dáng dấp thiếu chất điếm đàng và uốn lượn như múa của cô Sương - Hải Yến.
Thấy cô lập bập đôi môi.
Thấy cô rạng mày rạng mặt xới cơm như thể chủ nhà.
Thấy cô run rẩy làm rớt hột vịt nướng khi ngồi bên Út Võ.
Thấy là được, là hơn Hải Yến của những phim trước.
Dù đài từ của cô vóng vớt cứng đơ một cách kỳ lạ.
Không lọt lỗ tai mình!
Vì mình hâm mà.
Cứ thích chú ý vào những tiểu tiết mà tự mình cho là đắt giá.

Dustin Nguyễn vai Út Võ- người khen kẻ chê.
Dustin Nguyễn vai Út Võ- người khen kẻ chê. Ảnh: BHD

Năm 2005, đang sống xa Việt Nam, nghe ở nhà có hiện tượng Cánh đồng bất tận.

Kiên quyết không xem.

Nghĩ lại một vụ tố khổ nào đây, của thời hậu mở cửa.

Giống như hồi nhỏ sợ xem các câu chuyện kết thúc buồn, hay có cảnh chết chóc.

Một hôm buồn quá chẳng có gì đọc nên mới thử xem sao.
Đọc một lèo.
Cảm giác dễ chịu.
Chẳng biết vì sao.
Và cái đầu hâm đơ của mình lại cảm nhận theo cách mà người khác có thể cười vào mũi rằng CĐBT của Nguyễn Ngọc Tư (mà có khi NNT chả có ý này).
Là một thông điệp lớn về lòng tha thứ.


Cảnh kết phim (phim thì rõ là có nhiều “lỗi” rồi, bạn bè đã chỉ ra hết cả).
Ôi sống sượng làm sao, chị bạn yêu quý của mình còn phải chạy vội ra ngoài để khỏi thấy.
Không hiểu ông Nguyễn Phan Quang Bình nghĩ gì nhỉ khi làm cảnh đó.
Mà có khi ông ấy chẳng nghĩ gì...

Mình rất chi là thích cái cảnh “kệch cỡm” này.
Khi bé Nương - Lan Ngọc hơn hớn ôm bụng bầu đi trên đồng lúa.

Giống như cái sự tha thứ,
Nó rất là ngô nghê khó hiểu, khó chấp nhận.
Nhưng nó vẫn tồn tại trên cuộc đời này.
Nó phải là như thế. Với Nương...

Bạn mình bảo: Em ơi câu chuyện tha thứ cũ như trái đất.
Nhưng cái đầu hâm hâm của mình lại bảo:
Không, nó phải được giảng giải, giãi bày, học hỏi, và làm mới mỗi ngày ...

Lã Tiệp Quyên (TP Hồ Chí Minh)

Chỉ thấy săn hình, không săn phim

Theo tôi nếu trong bộ phim Long Thành cầm giả ca có hai phim, gồm phim Long Thành và phim Cầm giả ca, thì Cánh đồng bất tận rời rạc thành bốn phim. Bốn tuyến nhân vật là bốn bộ phim khác nhau.

Trong một bộ phim, các nhân vật phải có sự tương phản, bổ sung cho nhau. Nhân vật phụ một là chống lại nhân vật chính, hai là hòa đồng với nhân vật chính để làm nổi bật tính cách của nhân vật chính. Trong Cánh đồng bất tận, tôi không thấy các nhân vật bổ sung, cũng không thấy chống lại nhau. Trong dàn diễn viên, Dustin Nguyễn có gương mặt công tử chứ không phải của người lao động miền Tây. Hải Yến cũng mờ nhạt. Còn Lan Ngọc được ca ngợi nhiều nhưng tôi thấy cũng chưa thật ấn tượng.

Phim Việt Nam thường rất sợ xung đột, né xung đột. Phim này không sợ nhưng lại không có sự chuẩn bị kỹ cho xung đột. Giải thích bằng thoại nhiều quá. Cái đáng làm thì không làm, cái không đáng làm thì lại làm. Ví dụ, những xao động của cậu bé Điền với cô gái điếm lẽ ra phải làm tới. Đằng này chỉ thấy kết cục và kết cục. Quay phim thì chỉ thấy săn hình, không săn phim.

Nguyễn Ngọc Tư qua Cánh đồng bất tận thể hiện cái nhìn người rất rạch ròi, có phần hoang dại. Nếu nhà văn là người sâu sắc hơn, hẳn sẽ nhìn người đẹp hơn. Muốn như vậy cần phải được thanh lọc về văn hóa hơn nữa. Cho nên, truyện dài Cánh đồng bất tận không thể ra khỏi biên giới Việt Nam, không đạt đến tầm nhân loại.

Đoàn Minh Tuấn (nhà biên kịch, phê bình điện ảnh)

MỚI - NÓNG