Canh hầu đầu xuân

Bà Lộc (giữa), là thanh đồng nổi tiếng ở Lạng Sơn. Ảnh: Duy Chiến.
Bà Lộc (giữa), là thanh đồng nổi tiếng ở Lạng Sơn. Ảnh: Duy Chiến.
TP - Ðã 22 năm qua, mỗi khi trời đất giao hòa giữa năm cũ và mới, bà Tạ Thị Bích Lộc, thủ nhang đền Cửa Ðông (TP Lạng Sơn) lại thực hiện nghi lễ lên đồng. Các giá hầu giao thừa bao giờ cũng rộn ràng, say mê ước hẹn một năm mới tốt lành, may mắn.

Đền Cửa Ðông (còn gọi là đền Bạch Ðế) là di tích tiêu biểu cấp quốc gia rộng trên 984m2, dưới tán lá hai cây đa hàng trăm năm tuổi, cạnh đại lộ Hùng Vương, phường Chi Lăng, TP Lạng Sơn. Theo sách sử ghi lại, đền được xây dựng vào khoảng thế kỷ 18, là nơi thờ Quan lớn Ðệ Tam trấn giữ phía Ðông thành cổ Lạng Sơn. Ngôi đền được trùng tu, nâng cấp vào cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Cũng từ đây, bà Tạ Thị Bích Lộc được giao thực hiện công việc tâm linh, nhang khói ở ngôi đền thiêng vùng biên viễn này.

Bà Lộc kể, năm 1998, gia đình bà gặp gặp sự cố trong chuyện làm ăn, bà gieo mình xuống dòng sông Kỳ Cùng, thế nhưng giường như một “phép màu” nào đó đã cứu bà. “Tôi không còn biết gì nữa, khoảng 3 giờ sáng, tôi tỉnh dậy thì thấy mình đang nằm trên chiếc bè bằng cây mai ở giữa sông. Ðầu óc, mình mẩy ê ẩm và rồi gió thổi chiếc bè đưa tôi vào bên bờ phía Nam sông Kỳ Cùng”. Bà Lộc nhớ lại. Bà Lộc vào đền Cửa Ðông và từ đó bà chính thức gắn chặt đời mình với việc Thủ nhang kiêm Trưởng ban quản lý ngôi đền.

Canh hầu đầu xuân ảnh 1 Thanh đồng Bích Lộc. Ảnh: Duy Chiến.

Bà Lộc cho biết, một trong những lễ trọng trong năm, đó là đúng giao thừa, đền Cửa Ðông tổ chức canh hầu đầu xuân “mở cờ, khai ấn”, cầu chúc cho quốc thái dân an, mong muốn một năm mọi gia đình bình an, sung túc, may mắn. Chính vì vậy, bà Lộc cùng con nhang, đệ tử chuẩn bị chu đáo từ các mâm lễ. Cung văn (đàn hát), Hầu dâng (người phục vụ). Theo bà Lộc, tùy từng năm bà có thể hầu 3,5,7 giá, nhưng thời gian gói gọn khoảng 3 tiếng thì kết thúc.

Canh hầu giao thừa tại đền Cửa Ðông không thể thiếu Giá chầu lục (hay còn gọi là giá Mẹ Sáu). Giá chầu lục rất đặc biệt, riêng có ở xứ Lạng, vậy nên bà Lộc hầu giá này “sung” nhất với thời lượng 25 phút không ngừng nghỉ. Các đạo cụ và trang phục rất cầu kỳ, độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc. Bộ quần áo chàm lam, vòng đeo cổ, tay được bà Lộc tìm mua ở vùng sâu, xa, hẻo lánh. Ðặc biệt cây đàn Tính tẩu (đàn tính) được bà Thủ nhang đền Cửa Ðông trình diễn thuần thục, đúng bài bản, không kém nghệ sỹ hát Then trên sân khấu chuyên nghiệp.

Theo bà Lộc, Chầu Lục là chầu đứng thứ sáu trong Tứ Phủ Thánh Chầu. Tương truyền, chầu vốn là tiên nữ trên thiên đình, chẳng may để rơi chén ngọc nên bị đày xuống trần gian, sau đó giáng sinh vào một gia đình người dân tộc Nùng nơi rừng núi ở huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn. “Chầu Lục cũng là một trong các vị chầu danh tiếng trên ngàn, bởi vì chầu rất hay bắt đồng. Khi ngự đồng, chầu mặc áo màu lam (hoặc màu chàm xanh), khai cuông rồi múa mồi”. Bà Lộc nói.

Canh hầu đầu xuân ảnh 2 Bà Lộc say mê canh chầu với cây đàn tính. Ảnh: Duy Chiến.

 “Các giá chầu, đặc biệt Chầu lục có cúng, múa, nhạc, hát và truyền khẩu đan xen, đòi hỏi người thực hiện nghi lễ này phải tài giỏi “lôi kéo” được Hầu dâng, Cung văn hòa nhịp, giao lưu, tương tác với những người tham gia để không khí trang trọng nhưng sôi nổi, cuốn hút”. TS Lê Thị Minh Lý, nguyên Phó cục trưởng Cục di sản Văn hóa cho biết.

Năm nào cũng vậy, mọi người tham gia giá chầu đêm giao thừa ở đền Cửa Ðông đều không muốn ra về trước khi trời sáng. Canh hát như lan tỏa cùng tiếng đàn tính thiết tha từ Giá chầu lục: “94 Mế lục cung nương/4 dòng trần tục ngự trên thượng ngàn”.

Thủ nhang đền Cửa Ðông Tạ Thị Bích Lộc được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” năm 2015. Bà đoạt nhiều danh hiệu, cúp trong các kỳ trình diễn nghi lễ chầu văn trong và ngoài nước. Năm 2017 được tặng Bằng khen và vinh danh “Vì sự nghiệp Bảo tồn, phát triển di sản Văn hóa dân tộc” (do Hội nghệ nhân và thương hiệu VN tổ chức).

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".