Cannes 2006: Kẻ ăn không hết...

Cannes 2006: Kẻ ăn không hết...
TP - Bất chấp những tranh cãi, Mật mã Da Vinci, bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết best-seller cùng tên của Dan Brown vẫn chứng tỏ sẽ là quả bom tấn mùa hè năm nay.
Cannes 2006: Kẻ ăn không hết... ảnh 1
Các ngôi sao tại LHP Cannes 2006

Hiện doanh thu phim đã vượt ngưỡng 200 triệu USD.

Tuy nhiên, có vẻ như các hãng phát hành phim Mỹ đang hết sức thất vọng tại LHP Cannes lần này.

Dù cố công săn tìm nhưng dường như không có nhiều tác phẩm hứa hẹn thành công về thương mại để họ bỏ tiền mua - dẫu không ai có thể phủ nhận các phim được mang đến Cannes đều mang đẳng cấp thế giới!

Lý do chủ yếu, phần lớn các phim tiềm tàng khả năng hút khách đều đã có chủ từ trước. Vậy là lại cảnh “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra” vì một số ông lớn nắm sẵn nhiều đầu phim trong khi các hãng phát hành đang đói phim có thể phải chấp nhận bỏ tiền mua các phim không mấy triển vọng doanh thu.

Nắm bắt được cơn khát của ngành phát hành, các xưởng lớn thi nhau tung ra những con át chủ bài dù họ thừa biết khách hàng không mấy mặn mà: Hãng Columbia Pictures mang đến "Marie-Antoinette" về của đạo diễn Sofia Coppola với diễn xuất của cô đào Kirsten Dunst trong trang phục của thế kỷ 18.

Sony Pictures Classics trông cậy vào gương mặt kỳ cựu của Cannes - đạo diễn Pedro Almodovar - với "Volver" đầy kịch tính qua diễn xuất của người đẹp Penelope Cruz.

Paramount trình làng một lúc 2 đầu phim. Một của nhà làm phim người Mexico Alejandro Gonzalez Inarritu – phim "Babel" với phần thể hiện xuất sắc của Brad Pitt. Một của cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore – phim tài liệu An "Inconvenient Truth" (Một sự thật khó chịu)  với cảnh báo hiện tượng trái đất đang nóng dần lên.

Hãng Picturehouse cũng không chịu kém cạnh với phim tiếng Tây Ban Nha "Pan’s Labyrinth" của đạo diễn Guillermo del Toro...

Các nhà phát hành Mỹ thừa nhận không kỳ vọng vào LHP Cannes lần này vì dù có nhiều phim hay được chiếu nhưng đó lại không phải là những tác phẩm mà khán giả Mỹ mong đợi, đặc biệt trong bối cảnh khán giả Mỹ đang quay lưng với phim nước ngoài.

Paul Federbush – phụ trách công tác mua bản quyền phát hành phim của hãng Warner Independent – cho biết: “Có tới 300 phim tất cả, trong đó phim chúng tôi biết rõ chưa đầy 50. Còn lại 250 phim khác chúng tôi chẳng hề biết gì cả...”.  Anh cũng khẳng định thực ra chỉ có 2 phim lọt vào tầm ngắm của mình.

Một đại diện của hãng phát hành Miramax tuyên bố: “Các nhà làm phim có tiếng bao giờ cũng nghĩ mình là nhất, và đẩy giá chào bán phim lên quá cao. Nhưng nên nhớ rằng lúc nào chúng tôi cũng đã sẵn sàng chuẩn bị phương án mua phim khác chứ không nhất thiết phải phim của họ”.

Có lẽ “nóng” nhất tại thị trường Cannes năm nay chính là phim viễn tưởng "Southland Tales" nói về thành phố Los Angeles năm 2008 của Richard Kelly. Ngoài ra, bộ phim đề tài gia đình "Red Road" (Con đường màu đỏ)  của đạo diễn từng đoạt Oscar Adrea Arnold cũng được đánh giá cao về tính nghệ thuật.

Một điểm nhấn trong năm nay chính là việc 4 bộ phim của Úc đang thu hút được sự quan tâm của giới phát hành. Ngoài "Jindabyne" với diễn xuất được đánh giá cao của các tên tuổi Gabriel Byrne và Laura Linney còn có phim nối tập "Lantana" được chờ đợi đã lâu của đạo diễn Ray Lawrence, bộ phim hài "Suburban Mayhem" và phim đầu tay "2:37"  về đề tài tự sát trong học sinh trung học của đạo diễn Murali Thalluri.

Dự kiến các nhà phát hành cũng sẽ để mắt đến những phim khá đình đám thời gian qua như "The Lives of Others" (Đời của người khác) từng đoạt giải cao của Đức và "Hana yori mo naho" của đạo diễn Nhật Bản Hirokazu Koreeda.

Ngoài ra còn một số phim nước ngoài khác chào hàng dù chưa kịp hoàn thiện. 

MỚI - NÓNG