Cao trào sách của Haruki Murakami tại Việt Nam

Cao trào sách của Haruki Murakami tại Việt Nam
Haruki Murakami - hiện tượng văn học mới của Nhật, được xem là "hình vóc của văn chương thế kỷ 21", một trong những giọng nói hấp dẫn nhất trên văn đàn quốc tế - và đã tiếp cận độc giả VN.
Cao trào sách của Haruki Murakami tại Việt Nam ảnh 1
Bìa cuốn sách "Rừng Na uy"

Đầu năm 2006, ba tập truyện ngắn của ông đã được NXB Đà Nẵng xuất bản.

Trước đó, vào năm 1997, NXB Văn học cũng từng giới thiệu "Rừng Na Uy" của ông, cuốn tiểu thuyết đưa ông lên thẳng hàng ngũ nhà văn nổi tiếng của Nhật Bản.

Mới đây, vào ngày 21/7, Cty Nhã Nam kết hợp với NXB Hội Nhà văn phát hành cuốn "Rừng Na Uy" - bản dịch mới hoàn toàn của Trịnh Lữ.

Có thể nói, nhiều độc giả từng say mê "Rừng Na Uy" một thời nay lại có một cảm giác khác lạ khi mở ra từng trang của bản dịch mới này. Một thế giới đầy mưa bão trong tâm hồn của nhân vật chính Wanatabe lại hiện lên, nhưng qua một tâm thế khác, trở nên biến ảo và sinh động hơn gấp nhiều lần so với bản dịch cũ.

Sự biến ảo ấy chính là sức hút không cưỡng lại được, dẫn người đọc mê muội đi vào nỗi chán chường hiện tại, những khao khát bừng dậy từ bóng ma quá khứ và một tương lai mạnh mẽ không cắt nghĩa được khiến con người phải tái sinh.

Dấu ấn thời cuộc của một nước Nhật vừa phất lên lại quên ngay lý tưởng của mình, trong khi vẫn còn những con người đấu tranh chống lại mọi sự thoả hiệp trước một thời đại u buồn lạc mất ý nghĩa của tồn tại, để bảo vệ lý tưởng ấy. Báo chí nước ngoài từng gọi tên đó là nỗi buồn Nhật Bản thời hiện đại.

Trong thế giới ấy, tình yêu là nơi trú ngụ duy nhất, là nơi có thể sao chép lại những mảnh tâm hồn rơi rụng vì đau khổ, thất lạc niềm tin, nhưng cũng là nơi để con người bộc lộ phần nhân văn nhất của mình. Câu chuyện đó, lạ thay, lại được thể hiện qua những câu văn giản dị, lời thoại ngắn, nhưng mang một sức nặng vô cùng.

Khép sách lại, nỗi xúc động đâu đó còn đọng lại qua những câu thoại bừng sáng, âm thanh nghe thấy của những nỗi sầu thảm bay lượn. Điều đó, như dịch giả thú nhận, là do "cái duyên của Murakami là ông động được đến tơ lòng sâu kín của tất cả mọi người".

Bản dịch tác phẩm này năm 1997 do Kiều Liên và Hải Thanh thực hiện, là bản dịch có phần cắt xén. Sau đó, chính ông Bùi Phụng phải hiệu đính, nhưng vẫn không đáp ứng được. Đó cũng là lý do Cty Nhã Nam đành mời dịch lại.

Cũng dịch một truyện ngắn khởi đầu để Murakami viết "Rừng Na Uy", nhưng trong tập truyện "Đom đóm" (NXB Đà Nẵng), dịch giả Phạm Vũ Thịnh có vẻ lý trí, khô khan hơn khi thả mình mới một nửa trong "Đom đóm". Dĩ nhiên, tiêu thụ văn chương không ai giống nhau, nói gì đến việc chuyển ngữ một tác phẩm.

Cũng là một câu văn, song cách diễn đạt có thể làm cho người đọc thấy xa lạ với bản thảo. Chẳng hạn, trong truyện ngắn ấy, ngoài những câu thoại khô, lộp độp, còn có những câu kiểu như: "Tử không phải là đối cực của Sinh, mà tồn tại như một phần của Sinh... Nói rõ hơn: Tử một ngày nào đó chắc chắn tóm được ta. Nhưng như thế cũng có nghĩa ngược lại là cho đến khi Tử tóm được ta, thì ta vẫn chưa bị Tử tóm".

Tiếng Việt như thế thì có phần đánh đố! Còn Trịnh Lữ nhìn ra câu nói đó ở khía cạnh thoát nghĩa hơn: "Sự chết tồn tại, không phải như một đối nghịch mà là một phần của sự sống... Bàn tay của sự chết nhất định sẽ túm lấy chúng ta, nhưng cho tới ngày nó tìm đến ta, nó vẫn để ta được yên thân".Tương tự, hai tập truyện kia "Ngày đẹp trời để xem Kangaroo" và "Sau cơn động đất" cũng mắc những lỗi về tiếng Việt "chưa trôi chảy".

Nếu các tác giả dịch tác phẩm của Murakami sang tiếng Anh cũng khá đa dạng, mỗi người hợp tạng nào thì bắt tay vào chuyển ngữ cuốn ấy, thì các tác giả dịch Murakami sang tiếng Việt cũng thế.

Một tháng nữa, Cty Nhã Nam sẽ giới thiệu bản dịch "Biên niên ký chim vặn dây cót" của Trần Tiễn Cao Đăng với bạn đọc, tác phẩm đỉnh cao của Murakami. Một bản dịch được đánh giá là chính xác, chắc tay. Dương Tường cũng đang dịch "Kafka bên bờ biển".

Theo Nhã Nam, hiện công ty mua được bản quyền 2 tác phẩm nữa của Murakami, là "Xứ sở kỳ diệu vô tình và chỗ tận cùng thế giới" (phong cách tiểu thuyết huyền ảo) và "Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời", để tạo một vệt đi cho tác phẩm đa dạng của hiện tượng Murakami.

Dịch một tác giả theo chùm tác phẩm là điều nên làm, nhưng dấu ấn người dịch có thể khiến tác phẩm được chuyển ngữ đó sống mãi hoặc biến mất trong các kệ sách.  

Theo Lao Động

MỚI - NÓNG