Carmen ở nhà thuê

Vành Khuyên trong vở Carmen Hà Nội (Nguồn internet)
Vành Khuyên trong vở Carmen Hà Nội (Nguồn internet)
TP - Khán giả thờ ơ với dòng nhạc bác học. Thế nên nghệ sỹ theo đuổi nghiệp hát opera đành cam phận bị lạnh lùng. “Áo gấm đi đêm”, “làm thật ăn giả” là cách họ nói về cái nghề “sang trọng” của mình.

> Những lùm xùm quanh chuyện nhắn tin bình chọn

Chân dung Mai Tuyết (Nguồn: Nghệ sĩ cung cấp)
Chân dung Mai Tuyết (Nguồn: Nghệ sĩ cung cấp).

Nghề tay trái của “áo gấm đi đêm”

Mai Tuyết là giọng ca opera nổi tiếng một thời. Chị từng đảm nhận vai chính trong nhiều vở: Luycine, Cuộc sống Paris, Cô Sao, Opheo Erdice. Nói đến nghề, Mai Tuyết rưng rưng: “Muốn biết nghệ sỹ Opera sống thế nào bạn hãy đến khu tập thể Mai Dịch, nhìn mọi người ở, không cần hỏi ai, bạn sẽ viết được. Thế kỷ này mà vẫn ở lập xập như thế thì quá khổ. Đó là những tiếng kêu cứu thất vọng”.

Dành trọn tuổi thanh xuân cống hiến cho dòng âm nhạc “nữ hoàng”, 37 tuổi chị mới kịp lấy chồng. Hỏi đến cái nghèo như chạm vào nỗi đau một thời của Mai Tuyết. Đã có dạo chị định thoát nghèo bằng cách nuôi chó Nhật. Ki cóp được tám trăm ngàn, Mai Tuyết bảo Lê Dung bán cho mình một con chó, với hy vọng nuôi chó để nó sinh con, sinh lời, nhưng nuôi được hai tháng chó mắc bệnh, chết. Mất bay số tiền dành dụm được.

Tưởng “hậu sinh khả úy”, nhưng những nghệ sỹ opera trẻ bây giờ cũng chẳng hơn gì lớp ngươì đi trước. Từng tham gia những vở: Người đi qua thung lũng, Trường học tình yêu, Carmen… Vành Khuyên có thể coi là “ngôi sao” mới của dòng nhạc kinh điển… Mỗi tháng “ngôi sao” nhận được hơn hai triệu tiền lương, mỗi buổi tập được 20 ngàn. Sau cuộc hôn nhân thất bại, Vành Khuyên dọn ra ở thuê.

Chị “nhường” con trai cho chồng nuôi: “Điều kiện của anh ấy không dư dả gì nhưng ít nhất cũng có căn nhà, tôi thuê nhà, nay đây mai đó, làm sao mang con theo được, chẳng lẽ mỗi lần chuyển nhà tôi lại chuyển trường học cho con?”.

Trong khi ngôi sao nhạc trẻ giờ phấn đấu xây biệt thự, sắm du thuyền thì có nhà để ở là giấc mơ gần như không tưởng đối với nàng Carmen: “Với thu nhập hiện tại, một mét đất ở thủ đô còn khó với tới, nói gì đến nhà”. Cười buồn, chị bảo: “Từ ngày vào nghề vẫn đam mê cháy bỏng như thế nhưng tôi thấy chất lượng cuộc sống chả có gì thay đổi, đang học thế nào thì giờ vẫn thế thôi”.

Không sống được bằng nghề tay phải nên nhiều nghệ sỹ opera kiếm sống bằng nghề tay trái. Dạy nhạc và hát dòng nhạc khác là ngón nghề mưu sinh được ưa chuộng: “Gọi hát cổ điển thì hát, gọi hát dòng nhạc đỏ, dòng dân gian, dân ca, cũng hát, trừ nhạc nhẹ vì thấy không phù hợp, tất nhiên kiếm sô cũng kén, không hát bar vì tự trọng nghề nghiệp”, một nghệ sỹ tiết lộ.

NSƯT Mai Tuyết đã từng hát những bài không hợp “gu” của chị như Huế tình yêu của tôi, Điều giản dị, Em ơi Hà Nội phố, thậm chí cả ca khúc nhạc Nhật lời Việt…

Bích Thủy: Nghệ sỹ opera không phải cạnh tranh với các giá trị ảo (Nguồn: Internet)
Bích Thủy: Nghệ sỹ opera không phải cạnh tranh với các giá trị ảo. (Nguồn: Internet).

Một đời cố gắng, chẳng bằng thắng Idol

Mất nhiều năm để đào tạo một nghệ sỹ opera. Quá trình học tập nghiêm túc và khắt khe. Vành Khuyên nhớ lại: “Ngày xưa học, không làm được thầy cô mắng. Có khi còn ấn vào bụng, hỏi hơi hám để đi đâu. Nhiều lúc vừa khóc vừa hát. Thậm chí, thầy cô còn đuổi đi về nếu hát chưa đúng ý”.

Hỏi Vành Khuyên tại sao nghệ sỹ opera thường có vẻ ngoài hơi mập, cô lý giải: “Với diễn viên có cả thanh và sắc là điều tốt nhưng opera ưu tiên giọng hát.Vì thế, cần thể lực đảm bảo”. Còn Mai Tuyết cho rằng: “Có thể do dân opera biểu diễn mệt, ăn đêm nhiều”. Ngay cả khi không có vở diễn, vẫn phải luyện tập hàng ngày chăm chỉ vì với họ kỹ thuật hát giống như cái móng nhà cần vững chắc.

Opera ở ta cũng mở cuộc thi để lựa chọn nhân tài. Phải học hành chuyên nghiệp, đào tạo bài bản mới dám ghi tên mình vào danh sách thí sinh. Cho đến nay cuộc thi hát thính phòng- nhạc kịch đã tổ chức 4 lần. Lần thứ IV, sau 5 năm mới diễn ra, thu hút lượng thí sinh được đánh giá là “khủng” nhất mới đạt con số 54, quá khiêm tốn, nếu so với các cuộc thi Sao Mai và càng cực kỳ khiêm tốn nếu đem so với Việt Nam Idol.

“Thi thố thì khó khăn nhưng giải thưởng thì không mấy ai biết, chạnh lòng lắm. Các ca sỹ hát dòng nhạc khác có khi không cần học hành, chỉ cần có giọng hát, được lăng xê là ổn. Một đời phấn đấu cho Opera, chẳng bằng một lần lên ngôi Idol”, một giọng ca Opera chia sẻ.

Sau một đêm, Uyên Linh, một kẻ ngoại đạo, bỗng trở thành thần tượng âm nhạc, thành cơn sốt của giới trẻ, giá cát xê cứ thế tăng lên. Nhưng đăng quang ở cuộc thi hát thính phòng- nhạc kịch, không làm ai đổi đời. Mấy ai nhớ Đăng Dương đoạt giải nhất cuộc thi hát thính phòng- nhạc kịch lần thứ I ( năm 1996), mà nhắc đến Đăng Dương người ta chỉ nhớ đến bộ ba: Đăng Dương - Trọng Tấn- Việt Hoàn.

Cũng như người ta chỉ nhớ Trọng Tấn giải nhất tiếng hát truyền hình năm 1999, nhưng lại quên anh đoạt giải nhì cuộc thi hát thính phòng- nhạc kịch lần thứ II năm 2000. Và bao nhiêu người khác đã đăng quang ở cuộc thi này mà tên tuổi rơi vào quên lãng trong ký ức công chúng: Quốc Hưng, Tố Uyên, Thăng Long, Phương Mai, Mạnh Dũng, Vành Khuyên… .

Vành Khuyên trong vở Carmen Hà Nội (Nguồn internet)
Vành Khuyên trong vở Carmen Hà Nội (Nguồn internet).
 

Thiệt nhưng bền

Ở dòng nhạc trẻ, một ca sỹ có thể đầu tư tiền tỷ làm album nhưng có một đĩa nhạc để ghi lại quãng đời nghệ thuật sung sức của mình là ước mơ xa vời với những tài năng opera trẻ. Chưa dám mong được tung hô như ông hoàng, bà chúa như dòng nhạc khác, nhiều diễn viên theo dòng nhạc kinh điển chỉ mong khán giả biết một chút về nghề của mình.

Cố nghệ sỹ nhân dân Quý Dương từng tâm sự: Nhiều người chỉ biết ông qua mảng ca khúc, những cái đó ông chỉ cần “vẩy tay là xong”, không mấy ai nhớ ông là nghệ sỹ opera được đào tạo bài bản. Bị quên mất danh phận thực sự, cũng xót xa.

 

Vành Khuyên kể, người chủ cho cô thuê nhà thường giới thiệu với mọi người: Cô này hay hát cái nhạc gì đó, khó nghe lắm. Vừa buồn cười, vừa tủi. Cũng chẳng trách khán giả, bởi lâu lắm mới có một vở opera ra mắt nhưng cứ diễn vài buổi lại ngủ im. Trong khi đó các dòng nhạc khác ra sức tấn công thị trường, với nhiều chiêu, trò hấp dẫn “thượng đế”. Muốn khán giả yêu opera thì cũng phải để họ có thời gian làm quen.

“Khán giả mình vẫn quen nghe âm thanh điện tử. Thưởng thức âm nhạc cổ điển phải có suy nghĩ, không có kiểu thưởng thức, thư giãn. Nghệ sỹ opera phải dùng giọng hát, xuyên qua dàn nhạc trăm người, để đến người nghe. Việc nên làm là phải giáo dục thị hiếu văn hóa thưởng thức cho khán giả”, một diễn viên chia sẻ.

Nhưng theo đuổi dòng nhạc bác học không chỉ mất mà vẫn có phần được. “Cô gái vàng” của opera Việt Nam Nguyễn Bích Thuỷ từng nói: “Khác với dòng nhạc trẻ thời trang- có thể được trợ giúp bởi đủ thứ: phục trang, vũ đạo, kỹ thuật làm tiếng… opera trước hết và trên hết đòi hỏi thực tài.

Vì vậy, nó luôn tạo ra một sự cạnh tranh lành mạnh và chuyên nghiệp giữa những người hát thay vì phải cạnh tranh với những giá trị ảo. Cũng xuất phát từ đòi hỏi khổ luyện mà opera đồng thời giúp cho người theo đuổi nó một khả năng giữ giọng giỏi, có thể giúp họ tồn tại lâu với nghề”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.