Cát-sê ca sĩ đang ở “tầm” nào?

Cát-sê ca sĩ đang ở “tầm” nào?
Trong khi dư luận đang quan tâm đến việc thu thuế thu nhập cao của ca sĩ thì một vấn đề rất cần trở lại tìm hiểu là cát-sê ca sĩ đang ở mức nào và có quản lý được không?
Cát-sê ca sĩ đang ở “tầm” nào? ảnh 1
Ca sĩ Hồng Ngọc

Trong giới “bầu sô” ca nhạc đều ngầm xác định một “giá chung” có cộng trừ một, hai triệu cho mỗi ca sĩ nào đó. Trước đây, báo chí cũng đã từng nêu ca sĩ này, ca sĩ kia mức định cho cát-sê bao nhiêu và “đòi” bao nhiêu. Nhưng tháng ngày qua, tình hình đã có những thay đổi.

Các ca sĩ từng có cát-sê cao nhất nước bây giờ do tuổi nhiều hơn, phong cách hoặc cũ đi hoặc lại mới lạ quá chưa được đón nhận nên phải chấp nhận xuống thấp. Mặt bằng thị trường hiện nay, ca sĩ biểu diễn trong TP. Hồ Chí Minh có thu nhập cao hơn.

Theo ông Lê Nam - Phó Cục trưởng cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) thì giới “bầu sô” hiện đang trả cát-sê ca sĩ như sau: Cao nhất nước đang là 2 ca sĩ Mỹ Tâm và Quang Dũng từ 15 - 20 triệu đồng cho một “sô” diễn từ 2 - 3 ca khúc. Ca sĩ Mỹ Linh khoảng 12 triệu, ca sĩ Thanh Lam 8 triệu, ca sĩ Hồng Nhung 6 triệu… Các ca sĩ trẻ nổi lên từ giải “Sao Mai điểm hẹn” từ 1 - 4 triệu đồng. Các nhóm như VH, ĐD, TT cát-sê có nhiều khi dưới 1 triệu đồng.

Ông Lê Ngọc Cường - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - cũng tỏ ra thấu hiểu cho giới ca sĩ cát-sê cao này. Ông trò chuyện với phóng viên chúng tôi: “Người bình thường chỉ mặc bộ quần áo một, hai trăm nghìn đồng còn ca sĩ cần phải chuẩn bị bộ trang phục hàng mấy triệu đồng để không bị cũ trong mắt khán giả.

Đôi giầy của ta đi cũng vậy làm sao có thể lên đến mấy trăm USD như ca sĩ. Họ kiếm được nhưng cũng cần tính đến những chi phí của họ cho biểu diễn. Đó là còn chưa kể phương tiện đi lại và đời sống của người ca sĩ cũng khác xa mức trung bình, khó mà so sánh”.

Tuy nhiên, các nhà quản lý văn hoá cũng lưu ý, cát-sê ca sĩ còn bị “vống” lên - không phải hoàn toàn đúng giá trị thực. Vống để làm gì? Do muốn đánh bóng tên tuổi của ca sĩ, hoặc đơn giản chỉ là làm giá - một động tác đơn thuần kinh doanh. Ngay cả việc đánh giá theo các hợp đồng biểu diễn ở nước ngoài cũng không hoàn toàn đúng như giấy tờ.

Có khi con số ghi trên hợp đồng và giấy tờ như thế nhưng khoản tiền thực nhận lại thấp hơn đáng kể. Có khi nhà tổ chức chỉ trả 10 triệu cho ca sĩ nhưng ghi 15 triệu để đôi bên cùng có lợi. Một bên lấy tiếng và hy vọng luôn được mời còn một bên được tiền. Bởi vậy, cái gọi là cát-sê cũng chỉ tương đối mà thôi.

Theo ông Cục trưởng Cục NTBD thì nhiều lần cơ quan quản lý văn hoá đã bàn về vấn đề mức sàn cho cát-sê. Song nền kinh tế thị trường “thuận mua vừa bán” không thể áp đặt “sàn” hay “trần” cho cát-sê được.

Thực tế, những cuộc mặc cả vẫn diễn ra như gần đây nhất là chuyện Mỹ Tâm đòi cát-sê trong chương trình lễ hội Quảng Nam – Hành trình di sản 2005. Hai bên giằng co nhau bên đòi 20 triệu bên bảo 15 triệu. Cuối cùng thì Mỹ Tâm “rút”! Cũng trong chương trình này, ca sĩ T.H đòi 8 triệu, T.L 5 triệu do “về quê”...

Thực tế là vậy, nhưng quy định ra mức “sàn” cũng không giải quyết được gì mà chỉ làm rắc rối hơn nên Cục NTBD tạm thời vẫn thúc thủ.  

MỚI - NÓNG