Câu chuyện của Mắt Cá

TP - Khởi động từ tháng 10/2016, tên dự án Mắt Cá (hay Matca) được lấy cảm hứng từ đặc tính siêu rộng của ống kính mắt cá (fisheye), các thành viên nỗ lực sử dụng góc nhìn cởi mở của mình để tìm kiếm, tập hợp lại các nghệ sĩ và công chúng yêu chụp ảnh. Cộng đồng nhiếp ảnh trong và ngoài nước có thể chia sẻ dự án, tác phẩm ở các giai đoạn đã hoàn thiện, đang thực hiện hoặc mới ở dạng ý tưởng.

Mắt Cá được ra đời hoàn toàn từ niềm đam mê và niềm tin của bốn bạn trẻ về nhiếp ảnh như một phương thức kể chuyện và một hình thái của nghệ thuật thị giác. Ở một thế giới mà mỗi chủ nhân của smartphone đều có thể trở thành nhiếp ảnh gia và số lượng hình ảnh ngày càng bão hoà, nhiếp ảnh dần mất đi tính chất và giá trị vốn có của mình. Nghệ sĩ nhiếp ảnh không còn có được sự công nhận tương xứng. Từ những trăn trở này, Mắt Cá hy vọng trở thành cầu nối giữa công chúng yêu nghệ thuật với cộng đồng nghệ sĩ nhiếp ảnh / thị giác đang phát triển tích cực tại Việt Nam.

Vượt ngoài khuôn khổ của một ấn phẩm đẹp mắt, theo nhiếp ảnh gia (NAG) Mai Nguyên Anh, đồng sáng lập dự án, Mắt Cá muốn mở rộng định nghĩa về ảnh. “Nhiều tác giả có ảnh đẹp, dự án dài hơi nhưng không có đầu ra”. Cơ hội đăng tải, tiêu thụ ảnh trên báo in báo mạng ngày càng eo hẹp vì vậy Mắt Cá muốn tạo điều kiện để sản phẩm của các đồng nghiệp được “trình làng”. Dự án giúp họ mở triển lãm cá nhân, làm sách ảnh, in tranh bản nhỏ để bán tại triển lãm.

NAG Nguyên Anh cho rằng, sách ảnh ở VN thường tập hợp những khoảnh khắc, nỗi niềm rời rạc. “Sách ảnh của chúng tôi như tiểu thuyết. Nó có mở đầu, cao trào và kết thúc. Thay vào chữ là ảnh. Nó được xem (theo dõi) như một cuốn phim”.Với NAG 26 tuổi, chụp ảnh không phải là việc bấm máy trong 2-3 giây để có bức hình. Việc chụp ảnh bắt đầu từ lúc người ta có ý tưởng và trải nghiệm cả hành trình.

 Câu chuyện của Mắt Cá ảnh 1 Mắt Cá tại triển lãm “Nhật ký” của NAG Hải Thanh (từ trái qua: Linh Phạm, Mai Nguyên Anh, Sơn Ðặng).

Ðầu ra cho ảnh chất

Thông qua trang facebook Matca, trang web matca.vn và những khóa học ngắn, các nghệ sĩ có thể chia sẻ kinh nghiệm cách làm dự án dài hơi, cách lập portfolio (hồ sơ năng lực nghệ thuật), tranh luận có phản biện về nghệ thuật nhiếp ảnh.

Từ diễn đàn Mắt Cá, bạn đọc có thể tiếp cận và tranh luận những chủ đề hấp dẫn như  “Có nên lãng mạn hóa đau thương”,“Liệu ảnh ‘xấu’ có thể là ảnh ‘tốt’?...Mắt Cá giúp dân ảnh hiểu hơn các khái niệm “những góc máy sai chuẩn”, “góc nhìn địa phương”, “khoảng không giữa những thực tế”…

NAG Linh Phạm, sáng lập viên Mắt Cá cho biết cả bốn thành viên dự án đều từng học ngành khác nhưng  cùng chung đam mê với ảnh. Linh Phạm học thiết kế đồ họa,  Mai Nguyên Anh tốt nghiệp Ðại học kinh tế ở Anh, cả hai đều bỏ ngành học, theo nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Sơn Ðặng và Ðào Thu Hà tốt nghiệp khoa Truyền thông tại RMIT, vì sở thích đặc biệt với ảnh nên Sơn Ðặng chọn vị trí phụ trách truyền thông , còn Thu Hà làm biên tập viên nội dung và viết bài cho trang mạng của dự án. 

Hỏi Linh Phạm, “khách hàng nhờ làm triển lãm và sách ảnh chưa nhiều, các bạn lấy đâu tiền trả lương cho mình?”. Linh tiết lộ “chúng tôi nhận chụp ảnh quảng cáo, đơn hàng thương mại để có thu nhập và theo đuổi nghệ thuật”. Mắt Cá gọi những tác phẩm mà họ hỗ trợ là “chụp cho mình”, còn những sản phẩm để kiếm tiền là “chụp cho người khác”. Nôm na là “chụp cho người khác” để nuôi “chụp cho mình”. Trong tương lai hy vọng “chụp cho mình” nuôi được “chụp cho mình”.

 Câu chuyện của Mắt Cá ảnh 2 Ảnh trong bộ “Syria” của NAG Mai Nguyên Anh.

“Tiểu thuyết” ảnh ăn khách

Tốt nghiệp đại học kinh tế ở Anh năm 2012, Mai Nguyên Anh sang Trung Ðông 2 năm sống và làm việc như một phóng viên tự do. Về nước Nguyên Anh làm phóng viên ảnh chính thức tại báo điện tử vnexpress được hơn một năm. Sau đó anh sang Mỹ học và lấy bằng  tại Trung tâm nhiếp ảnh quốc tế  (International Center of Photography) tại New York năm 2016. Trở lại Hà Nội, tham gia dự án Mắt Cá được 4 tháng, tới tận tháng 2/2017, tên và loạt ảnh chiến sự “Syria” của Mai Nguyên Anh mới được biết đến qua một bài phỏng vấn. Nguyên Anh là một trong số nhiếp ảnh gia thời đầu cuộc chiến Syria được Corbis và Rex Features UK (Ðại lý ảnh lớn của Anh) mua ảnh. Sau Trung Ðông, chàng trai liều lĩnh mới nhận ra mình yêu nghệ thuật ảnh. “Ðến bây giờ tôi vẫn tin rằng ảnh, thay vì chỉ thể hiện cái đẹp, nên có tác dụng ghi chép lại một vấn đề lịch sử”. Những bộ ảnh có nội dung xuyên suốt tác động mạnh hơn ảnh đơn. “Có nhiều cách kể chuyện, không nhất thiết phải chọn nội dung đau thương để lấy cảm xúc. Tôi thấy xung quanh có rất nhiều điều có thể kể”. Hiện tại, Nguyên Anh đang chụp cho mình dự án “Chạm vào thanh xuân”, về các nhân vật tuổi teen.

Bộ ảnh “Tàu Bắc Nam” của NAG 9X Tấn Ngọc (Tam Kỳ, Quảng Nam) nhận được rất nhiều like từ cộng đồng sau khi được Mắt Cá giới thiệu. Sự kiện 40 năm trước, hai con tàu mang tên Thống Nhất cùng xuất phát tại ga Hà Nội và ga Sài Gòn, bắt đầu cuộc hành trình đầu tiên nối liền hai miền Nam – Bắc trong niềm hân hoan của nhân dân sau nhiều năm chia cắt như một ký ức đẹp của người dân. Thế nhưng nhịp sống trên mỗi toa tàu chưa từng được kể bằng “tiểu thuyết” ảnh.  NAG Tấn Ngọc bắt đầu chuyến tàu đầu tiên của mình vào năm 2013. Trong những khoảng xê dịch ấy, Ngọc bị thu hút bởi những câu chuyện được chia sẻ từ những con người thuộc nhiều tầng lớp, vùng miền, văn hoá qua hàng ghế cứng được sắp xếp đối diện và xin xít nhau. Ngọc đặt bản thân mình như người nhà với các nhân vật trên tàu và ghi lại sự kết nối đó bằng nhiếp ảnh. Trùng phương châm với Mắt Cá, Tấn Ngọc cũng từng làm nghề chụp ảnh cưới để lấy tiền nuôi ước mơ “chụp ảnh cho mình” . Những lúc rảnh NAG 9X vẫn theo tàu Bắc-Nam viết tiếp “tiểu thuyết” của mình.

 Câu chuyện của Mắt Cá ảnh 3 “Chuyện trên tàu” trong “tiểu thuyết” dài kỳ của NAG Ngọc Tấn.

Triển lãm “Nhật ký-Diary” chụp với smartphone của NAG Hải Thanh là sản phẩm đầu tay được Mắt Cá thực hiện một cách chuyên nghiệp. Tuyển chọn những bức ảnh “đặc biệt trong chốn tầm thường mang lại nhiều cảm xúc thị giác với những câu chuyện về cuộc sống con người hàng ngày” , liên hệ tài trợ địa điểm triển lãm, các thành viên Mắt Cá vừa đảm nhiệm việc in ấn và treo tranh. Không gian nhật ký của Hải Thanh có hiệu ứng rất chuyên nghiệp, là cảm nhận chung của khách tham quan.

Mắt Cá không chỉ kỳ vọng truyền lửa với những “tiểu thuyết” và góc nhìn văn minh. “Khiến ai đó đam mê vô cùng khó nhưng cách để hiện thực hóa đam mê đó còn khó hơn”. Chúng tôi giúp họ thực hiện, tạo điều kiện để người khác hiểu họ và tác phẩm.

Sách ảnh ở Việt Nam thường tập hợp những khoảnh khắc, nỗi niềm rời rạc. Sách ảnh của chúng tôi như tiểu thuyết. Nó có mở đầu, cao trào và kết thúc. 

 Nhiếp ảnh gia Mai Nguyên Anh

MỚI - NÓNG