Câu chuyện tình đầy khổ đau của thi sĩ Pasternak

Câu chuyện tình đầy khổ đau của thi sĩ Pasternak
Boris Pasternak là nhà văn, nhà thơ lớn của Nga, người được tặng giải thưởng Nobel về văn học năm 1958 nhờ tiểu thuyết “Bác sỹ Zhivago”. Giống như nhiều nhà văn, nhà thơ khác, ông có mối tình đẹp nhưng đầy trắc trở, và cái trắc trở ấy lại làm cho mối tình đẹp thêm.

Làm quen

Olga bước vào phòng làm việc của mình trong toà soạn tạp chí “Thế giới mới” (tạp chí về văn học ở Nga, giống như tạp chí “Nhà văn” của Hội Nhà văn Việt Nam - NV), co ro vì cái lạnh cuối thu, khi mà hệ thống sưởi ấm mùa đông chưa làm việc. Chợt thấy gói quà để trên bàn đề tên mình, cô giở ra và chút nữa thì hét lên sung sướng vì trong đó có năm cuốn sách thơ và sách dịch của Pasternak, nhà thơ Nga vĩ đại đề tặng cô và do chính ông mang đến.

Lúc ấy là năm 1946. Olga Ivinskaia, người phụ nữ sau này trở thành hình mẫu của nhân vật Lara trong tiểu thuyết “Bác sĩ Zhivago”; dù bị mất con, bị giam cầm nhưng vẫn tràn đầy hạnh phúc vì đã yêu thi sĩ và được thi sĩ yêu. Cô 34 tuổi, ông 56, cô là biên tập viên của “Thế giới mới”, ông là nhà thơ tiếng tăm như cồn, cô đã hai lần goá bụa với hai đứa con nhỏ, ông lấy vợ lần thứ hai.

Bạn bè, người thân của Pasternak dần dần chấp nhận Olga. Dù có những nhận xét khác nhau, nhưng tất cả đều thấy cô thật nữ tính. Cao chỉ một mét sáu mươi, làn tóc vàng óng, đôi mắt to, giọng nói nhẹ nhàng và đôi bàn chân nhỏ nhắn như của Lọ lem (cô đi giày cỡ 35), đàn ông không thể không chú ý đến Olga. Còn đối với Pasternak, điều quan trọng hơn nhiều là cô yêu ông không chỉ như một nhà thơ nổi tiếng, mà còn vì ông hiện diện trên đời này.

Ngày 4 tháng 7 năm 1947

Những cuộc hẹn hò giữa hai người trôi đi sao mà nhanh, có hôm nó kéo dài hàng tiếng đồng hồ, nhưng có hôm lại chỉ vài phút vừa đủ cho những ánh mắt dịu dàng và vài lời vội vã. Ivinskaia còn nhớ một lần Pasternak gọi cho cô  đang ở toà soạn và hẹn “đến ngay” tượng đài Pushkin (một trong những điểm hẹn hò ưa thích của thanh niên Matxcơva - NV).

Không nhìn vào mắt cô, ông nói: “Tôi muốn em gọi tôi bằng “anh”, bởi vì đại từ “ông” nghe nó giả dối mất rồi”. Cô không chịu, ông dỗ dành, nhưng cho đến cuối buổi vẫn không làm sao buộc cô phải gọi “anh” được. Đến chiều tối, Pasternak gọi điện và nói, ông yêu cô, bây giờ cô là tất cả của cuộc đời ông.

Pasternak cần một người phụ nữ không hề có điểm gì giống với vợ ông, chính ông cũng không giấu bà chuyện này, còn vợ ông thì im lặng chấp nhận. Đêm 4 tháng 7 năm 1947 ông ngủ lại ở nhà Olga, sáng hôm sau ông đề ngay vào tuyển tập của mình: “Cuộc đời của anh, thiên thần của anh, anh yêu em vô vàn. 4/7/1947”.

Sau này, khi Ivinskaia bị bắt, ông buộc phải xé trang đó đi, nhưng Olga phật lòng đến mức Pasternak ghi lại vào một trang khác và thêm dòng chữ: “Những con chữ vĩnh hằng và chỉ có lớn lên mà thôi”. Trong khoảng thời gian này ông từng viết những dòng thơ (tạm dịch): Kim đồng hồ ngái ngủ/Bò trên mặt thời gian/Ngày dài hơn thế kỷ/ Và vòng tay ôm tràn.

Cái giá của tình yêu

Mùa thu năm 1949, Olga Ivinskaia bị bắt vì quan hệ với Pasternak, “một tên gián điệp của Anh”. Khi trả lời câu hỏi “quan hệ gì?”, cô đều nói: “Tôi yêu anh ấy”. Lúc đó Olga đang mang bầu, nhưng sau một lần bị tra tấn, tỉnh dậy trong nhà xác, cô thấy mình đã sẩy thai. Người ta bảo do nhầm nên đã chở cô vào đấy.

Pasternak cũng bị gọi lên thẩm vấn nhiều lần. Ông đòi phải trao đứa con mà ông vẫn tưởng Olga đã sinh, sẵn sàng nuôi nấng đứa bé cùng với vợ. “Tôi cũng phải chịu chút khổ đau mà cô ấy đang gánh chịu thay cho tôi”- ông nói.

Tất nhiên là không có đứa bé nào cả, nhưng thay vào đó, người ta đưa cho ông tập thư gửi Olga và những cuốn sách ông đề tặng cô. Pasternak không muốn nhận: “Tôi viết cho cô ấy thì các ông hãy chuyển cho cô ấy”, nhưng cuối cùng ông cũng cầm về và huỷ hầu hết những bức thư đó.

Olga nhớ lại: “Cái ngày ấy rồi cũng đến, khi một viên trung uý mặt đầy mụn tuyên bố cho tôi biết cái án 5 năm đi đày “do tội quan hệ với những nghi can gián điệp”. Cô bị đày xuống vùng phía Nam, ở đó ba năm rưỡi, thi thoảng mới nhận được thư Pasternak.

Chỉ có sự chờ đợi những bức thư hiếm hoi ấy mới giúp cô đứng vững trước những trò sỉ nhục, tra tấn, và điều kiện sống khắc nghiệt. Một lần đã khuya muộn, cô bị gọi lên phòng trưởng trại. Họ đưa cho cô đọc tại chỗ, không được về phòng, bức thư dài 12 trang của Pasternak cùng với tập thơ của ông.

Người phụ nữ ấy đã ngồi đọc thơ ông suốt đêm (tạm dịch): Tuyết đã phủ đầy đường/Sườn đồi- mái nhà sương…/Anh bước ra hừng dương/Em đứng đó, vầng thương. Sáng hôm sau cô lại làm việc khổ sai, không còn thấy nặng nề trong lòng nữa.

Năm 1953, Olga được về nhà. Lúc đầu Pasternak còn không dám đến gặp vì sợ cô thay đổi nhiều quá. Nhưng đến rồi mới thấy Lelusha (tên gọi thân mật giữa hai người do Pasternak đặt cho Olga- NV) của ông vẫn như xưa, chỉ có gầy đi mà thôi.

Bác sĩ Zhivago

Song song mối tình với Olga, Pasternak còn mối bận tâm khác - “Bác sĩ Zhivago”. Dĩ nhiên trong các nhân vật chính là bác sĩ Zhivago và Lara, ông đã lồng câu chuyện của chính ông và người yêu thương của mình. Mặc dù tiểu thuyết được ấp ủ từ trước khi gặp Olga, nhưng dường như nhà văn thấy trước được rằng trong đời ông sẽ diễn ra điều gì đó làm đảo lộn tất cả.

Năm 1958 Pasternak được tặng giải Nobel văn học nhờ “Bác sĩ Zhivago”, và ngay trong năm đó bắt đầu những cơn sóng gió đổ lên đầu ông. Trên báo chí đầy rẫy những bài viết chửi bới, lăng mạ, sỉ nhục, đe doạ “đuổi ông sang thiên đường của chủ nghĩa tư bản”.

Sau này, trong hồi ký của mình, Ivinskaia đã khắc họa đợt “đánh hội đồng” này bằng cách trích một câu mà những “nhà phê bình” hồi đó hay dùng: “Mặc dù chưa đọc Pasternak, nhưng tôi thấy…”.

Khi làn sóng “phê bình” lên đến đỉnh điểm, một hôm Pasternak đến nhà Olga với lọ thuốc ngủ trong tay. “Chúng mình tự tử đi. Chỉ cần 11 viên là đủ, mà ở đây có 22 viên cho hai ta. Em thử tưởng tượng xem, bọn họ sẽ náo loạn lên thế nào”. Olga không đồng ý và gọi điện cho một Bí thư BCH TW Đảng thông báo Pasternak muốn tự tử. Chỉ khi đó áp lực trên báo chí mới giảm bớt.

Khả năng duy nhất có thể chấm dứt đợt đầu độc tinh thần này là viết thư hối cải gửi Khrushev hứa từ chối giải thưởng và không ra nước ngoài. Olga đã tự tay viết bức thư đó và đến nơi ở của Pasternak để đưa ông ký. Ông đã ký vì muốn “tất cả những chuyện này” kết thúc nhanh chóng, hơn nữa ông phải lựa chọn: hoặc giải thưởng, hoặc nước Nga, và Pasternak đã chọn nước Nga.

Dòng cuối

Tháng năm 1960, Pasternak bị bệnh nặng, ông hiểu rằng mình không còn được bao lâu nữa nên yêu cầu đừng để Olga đến nhà, vì không muốn xảy ra xích mích giữa hai người phụ nữ của ông. Ông chỉ viết thư cho Olga, còn cô ngồi trên ghế đá cách đấy không xa, đọc thư và lặng lẽ khóc thầm. Nhưng cô không thể không đến tiễn biệt ông…

“…Người phụ nữ này có những quyền nào đó đặc biệt riêng tư của cô đối với người đã khuất…” - những dòng này nói về lần gặp gỡ cuối cùng giữa bác sỹ Zhivago và Lara. Sao mà giống với cuộc chia ly giữa Thi sĩ và nàng Olga của ông. 

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.