'Câu' lều ngoài sông vào phố

Họa sĩ Nguyễn Hồng Phương
Họa sĩ Nguyễn Hồng Phương
TP - Một chiếc lều phao nổi của cư dân bãi giữa Long Biên (HN) trên sông Hồng được đưa chềnh ềnh vào giữa sân trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam (42 Yết Kiêu, HN). Xung quanh bày những bộ ghế sa lông nhiều mầu… Kèm theo là hơn 100 bức ảnh khổ 30 x 40cm của bốn nhà báo. TPCN trao đổi với họa sĩ Nguyễn Hồng Phương, tác giả chính của triển lãm khá lạ mang tên 'Du cư trong thành phố' này.
Họa sĩ Nguyễn Hồng Phương
Họa sĩ Nguyễn Hồng Phương. Ảnh: L.A.H

Xuất phát từ đâu anh có ý tưởng về triển lãm này?

Tôi và curator Vũ Lâm đều thích đi bơi ngoài bãi giữa sông Hồng, chứng kiến một đời sống rất phong phú ở đây. Có những người đi bơi sông, thanh niên, sinh viên xuống chơi, hoặc đơn giản chỉ là đi hóng mát, tìm một không gian thoáng đãng và đậm chất nông thôn như một vùng quê ở giữa lòng thành phố. (Nghe nói có cả tội phạm trốn truy nã cũng ở đây).

Khách du lịch từ nơi khác đến, người nước ngoài cũng xuống chụp ảnh. Dân quay phim cũng tìm đến những cảnh nông nghiệp và hoang sơ ở đây để quay (phim truyện như Bi, đừng sợ có nhiều cảnh quay ở đây), video clip ca nhạc thì vô số.

Về người “tạm cư” ở đó, cũng nhiều loại người. Dân nghèo mất nhà cửa trong phố bật bãi ra đây dựng lều ở, sáng tối đi nhặt rác, ăn xin, làm xe ôm... nhiều nghề trong phố. Dân Hưng Yên, Trung Hà (Vĩnh Phúc) lên thuê đất làm bãi trồng ngô, lạc, bí, nuôi gà... để bán vào Hà Nội. Trông khổ thế thôi nhưng họ có cái sướng và niềm tự do riêng.

Các anh câu cả một cái “lều” của dân du cư trưng bày tại triển lãm? Cái lều này là của ai đấy? Cuộc sống của họ ở bãi sông ra sao?

Chúng tôi mua lại của ông Hòa, biệt danh Hòa “thổ”, 56 tuổi, làm nghề nhặt rác, có nuôi chó, nuôi gà. Mỗi ngày ông kiếm được từ 30 – 100 ngàn đồng. Gọi vậy vì ông là người dân tộc ở Lạng Sơn, lưu lạc nhiều năm nay khỏi quê, lấy vợ Hưng Yên, có 3 con. Vợ và các con thuê nhà ở trên bãi Phúc Xá. Một mình ông Hòa ở cái lều này với một người bạn. Nay bán lều cho bọn tôi thì ông Hòa sang ở trông lều cho dân bơi sông bên cạnh. To đẹp hơn, đàng hoàng hơn. Lại có tiền. Đơn giản thế đấy.

Thông điệp anh muốn gửi gắm ở triển lãm này là gì?

Khu vực này là một “Hà Nội đặc biệt” trong lòng Hà Nội, đã có nhiều báo chí mô tả, nhưng đa số là phiến diện. Chúng tôi muốn dùng phương thức nghệ thuật sắp đặt đương đại + ảnh phóng sự báo chí để đưa cho người xem một “mảng hiện thực sống” khá lạ và thú vị của Hà Nội. Đồng thời muốn người xem tư duy về định nghĩa cái “nhà” và sự hạnh phúc là thế nào sau khi xem cái lều đã được biến đổi không gian của tác giả.

Gần đây mọi người có vẻ dị ứng với triển lãm sắp đặt, trình diễn. Vậy anh nghĩ triển lãm cho số đông công chúng, hay chỉ là giới hạn trong những người am hiểu và thích loại hình nghệ thuật này?

Tôi muốn dành cho số đông công chúng. Bởi mục đích triển lãm này hướng đến sự quan tâm đến những vấn đề cộng đồng. Sắp đặt hay bất cứ một thể loại nghệ thuật tạo hình nào dù mới lạ đến mấy cũng chỉ là một phương tiện chuyên chở. Nó có thu hút người xem hay không, được đánh giá thế nào còn do phương tiện đó đề cập đến vấn đề gì, có đem lại ích lợi gì cho cộng đồng và những vấn đề tồn tại chung đang hiện hữu không mà thôi.

Xin cảm ơn anh.

Triển lãm Du cư trong thành phố

(Sắp đặt tạo hình kèm ảnh, tác giả họa sĩ Nguyễn Hồng Phương, curator Vũ Lâm, khai mạc 17 giờ 30 Chủ nhật, 3-4-2011, kéo dài đến 7-4-2011).

Triển lãm trưng bày một chiếc lều phao nổi của cư dân bãi giữa Long Biên (HN) trên sông Hồng được đưa nguyên trạng vào địa điểm sân trường ĐH Mỹ thuật HN. Xung quanh bày những bộ ghế sa lông nhiều mầu.

Kèm theo là hơn 100 bức ảnh khổ 30 x 40cm của bốn nhà báo (Lê Anh Dũng báo Việt Nam Net; Nguyễn Việt Hưng báo Dân Trí; Vũ Lâm báo Thời Nay; Đinh Hữu Dư, thực tập sinh báo Nhân Dân) chụp về đời sống du cư của những hộ dân sống trên lều phao và bờ sông Hồng Hà Nội.

Tác phẩm đưa ra một cái nhìn cận cảnh nhiều mặt về đời sống các hộ dân đang sống trôi nổi trên những chiếc lều phao tạm trên bờ bãi Long Biên.

Hiền Lương thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG