Cầu nối văn hóa nhân loại

Cầu nối văn hóa nhân loại
TP - Cuốn “Dịch - Sự bảo vệ & minh giải đa ngôn ngữ” (Francois Ost, dịch và hiệu đính: Phạm Dõng và Đa Huyên, Nxb Lao Động) vừa ra đời đã trở thành một hiện tượng trong đời sống văn chương và học thuật. Chúng tôi trân trọng giới thiệu bài viết của TSKH Phan Đình Tân về cuốn sách đáng chú ý này.

Dịch hiện diện khắp mọi nơi trong đời sống nhân loại, tồn tại từ khi có loài người. Đến nay, ước tính có khoảng 6.000 ngôn ngữ nói của con người và đồng thời cũng dự báo, ước chừng hàng năm có khoảng 25 ngôn ngữ biến mất, có nghĩa là một thế kỷ nữa ngôn ngữ được nói trên toàn cầu sẽ giảm thiểu khoảng một nửa. Như vậy, ngôn ngữ tiếng nói, phải chăng đã và đang vận hành không ngoài giới hạn của sự “tuyển chọn đào thải tự nhiên”?

Rất nhiều câu hỏi xác đáng về Dịch được đặt ra, cùng nhiều “phiền toái” về ngôn ngữ, tiếng nói cần được nghiên cứu, hoạch định, triển khai để khám phá thêm tiềm năng ngôn ngữ, nhất là trước xu thế toàn cầu hoá, đô thị hoá tăng mạnh.

Bản dịch được coi là hoàn hảo chỉ khi trở thành kết quả thể hiện được giá trị tương ứng về chuyển dịch văn hoá của văn bản gốc đối với văn hoá của văn bản dịch, cho phép người dịch được tự do kiến tạo để đạt được hiệu quả cao nhất của văn bản gốc (nguồn), có thể trở thành một sản phẩm dịch được người đọc đón nhận mà không biết đó là một bản dịch (Dịch – sáng tạo).

Chính vì vậy, tác giả F.Ost ngay trong công trình này đã kể lại một câu chuyện dí dỏm về việc thực hiện trên computer “công cụ ngôn ngữ Google” tiến hành dịch ra tiếng Đức một câu tiếng Pháp: “Và, Thượng đế đã sáng tạo ra con người theo hình ảnh của Ngài”, sau bốn lần ngược xuôi giữa tiếng Pháp và tiếng Đức, Google đề nghị câu dịch là “Và, con người đã sáng tạo ra Thượng đế theo hình ảnh của mình”!

Dịch được thể hiện trong Hiến chương Liên hiệp quốc, trong Công pháp quốc tế cũng như trong Hiến pháp của nhiều quốc gia với những khế ước ngoại giao đa ngôn ngữ. Và để nghiên cứu sâu rộng, cũng như đặt lại đúng vai trò, vị trí của Dịch, đã có một khoa học dịch thuật ra đời bằng các Lý thuyết dịch thuật từ trước thế kỷ 19 cho đến nay với tên tuổi của rất nhiều nhà khoa học.

Để có công trình thật bao quát về Dịch, phải cần kiến thức đa ngành.

“Dịch - sự bảo vệ và minh giải đa ngôn ngữ” do Phạm Dõng và Đa Huyên dịch và hiệu đính là công trình như vậy. Công trình này, được Luật gia, triết gia Francois Ost, Phó Viện trưởng, phụ trách các Phân khoa Đại học Saint Louis tại Bruxelles, thành viên Viện Hàn lâm Hoàng gia khoa học và văn học nghệ thuật nước Bỉ thực hiện. Qua 11 chương sách, từ những câu chuyện cổ xưa trong kinh Thánh cho đến Chính sách của Liên hiệp châu Âu đối với những ngôn ngữ, từ triết học ngôn ngữ đến đạo lý nhà phiên dịch, từ không tưởng về ngôn ngữ hoàn hảo đến sáng tạo... giúp chúng ta bổ túc rất nhiều về tri thức, về vai trò Chiếc cầu Văn hoá không thể thay thế của Dịch.

Trong xu thế xuất hiện cái gọi là “Trung tâm văn hoá, văn minh” mà phủ nhận các luồng văn hoá, văn minh khác thì công trình này, không chỉ cần thiết đối với các nhà nghiên cứu (trên nhiều lĩnh vực), dịch giả, nhà văn, sinh viên, nghiên cứu sinh, đặc biệt thuộc các chuyên ngành Khoa học xã hội và nhân văn... mà còn giúp ích rất nhiều cho những nhà lãnh đạo, hoạch định chính sách, trong việc giữ gìn và phát triển ngôn ngữ - đặc trưng văn hoá, phát huy tính đa dạng các biểu đạt văn hoá trước xu thế hội nhập quốc tế và toàn cầu hoá hiện nay.

Chính vì vậy F.Ost đã viết: “Việc mở cửa hướng đến những nền văn hoá và những ngôn ngữ khác không hề đồng nghĩa với sự suy yếu của tiếng Pháp, trái lại là đằng khác. Ngôn ngữ Pháp chính là một ngôn ngữ tự trở nên phong phú qua những trao đổi với ngôn ngữ khác. Qua phiên dịch, mỗi ngôn ngữ đều lớn lên và có giá trị hơn; tiềm năng biểu hiện của chúng phát triển và làm giàu cho nhau, nguồn lực riêng của chúng pha lai nhau và trở nên nhiều hơn gấp bội” (Lời bạt).

Xin được ghi nhận những đóng góp đầy nỗ lực, tâm huyết của các nhà văn, nhà nghiên cứu, dịch giả, Nhà xuất bản Lao Động và FTP trong việc cho ra mắt công trình rất giá trị này.

(Đọc “Dịch - Sự bảo vệ & minh giải đa ngôn ngữ” – Francois Ost)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.