Câu thơ Chu Văn không dám đọc

Câu thơ Chu Văn không dám đọc
TP - Sau năm 1976, tôi không nhớ cụ thể vào năm nào, tôi dẫn đoàn văn nghệ sĩ Quảng Ninh đi thực tế sáng tác ở huyện Nam Ninh tỉnh Hà Nam Ninh.
Câu thơ Chu Văn không dám đọc ảnh 1
Nhà văn Chu Văn

Lúc ấy, tôi là Trưởng ban Bồi dưỡng lực lượng sáng tác của Hội Văn nghệ Quảng Ninh. Và huyện Nam Ninh lúc ấy, nổi tiếng cả nước là một mô hình mới, hợp tác hoá thí điểm qui mô toàn huyện, sản xuất bằng cơ giới hoá, để thành một nông trang như Liên Xô.

Đồng chí Bí thư Huyện ủy được bầu làm ủy viên Trung ương Đảng. Lúc ấy, khẩu hiệu làm náo nức lòng người, được đưa ra từ tỉnh Nghệ Tĩnh anh hùng: Mo cơm quả cà và trái tim Cộng sản. Không vốn, không đầu tư, không kĩ sư cũng làm nên sự nghiệp.

Chúng tôi vô cùng hào hứng, coi đó là một đề tài lớn, có tính thời đại. Mới chuẩn bị đi, tôi đã làm xong bài thơ: Nói chuyện với đường cày cơ giới hoá ở huyện Nam Ninh, đăng báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam: Những đường cày từ cuối chân trời / Song song chạy đến trước tôi / Đường cày nói: Chào Anh / Tôi nói: Chào bạn / Chúng tôi cùng trò chuyện / Mới hay là anh em với nhau / Đường cày, con của đất / Còn tôi, tôi cũng con của đất...

Đoàn chúng tôi gần 40 người, thuê riêng một xe chở khách, mang theo một con lợn vừa làm thịt xong, cùng với nồi niêu bát đĩa, chăn màn... để cố gắng ít làm phiền đến địa phương và yên tâm đi thực tế sáng tác 15 ngày.

Chúng tôi đã đến huyện Nam Ninh, đã đứng trong một cái trạm to cao lênh khênh ở giữa cánh đồng, nơi đặt những chiếc máy cày và máy gặt đập nhập từ Liên Xô về, lòng vô cùng bồi hồi xúc động và phơi phới tin tưởng.

Chúng tôi chờ đón những chiếc máy xuống đồng cùng bà con xã viên, nhưng rồi đến lúc ra về máy vẫn ở nguyên trong trạm vì theo lời giải thích là đồng đất ướt nhão đưa máy ra sẽ bị sa lầy...

Trên đường về, chúng tôi ghé thăm Hội Văn nghệ Hà Nam Ninh và chào nhà văn Chu Văn, lúc đó rất nổi tiếng với tiểu thuyết 2 tập Bão biển. Ông giành cho cả đoàn chúng tôi một buổi tối, tiếp xúc rất cởi mở và chân tình.

Chúng tôi đọc thơ, chủ yếu là những bài viết trong chuyến đi đầy hào hứng này. Phần ông, ông cũng đọc thơ do ông sáng tác. Có một bài tôi thuộc đến nay chưa thấy in trong Di cảo của ông và trong các bài viết về ông mà tôi đọc được, cũng không thấy nhắc đến.

Đó là bài thơ tứ tuyệt mà ông chỉ đọc 3 câu, một câu, ông nói: Câu thứ 3 này tôi không dám đọc. Bài thơ như sau: Sách viết chỉ cho người viết đọc / Hàng bày chỉ để chủ hàng mua /  (câu thứ ba này tôi không dám đọc, và câu thứ tư là) Đói bỏ tiên sư vẫn được mùa... 

Sáng sau, trước khi về Thái Bình, tôi đến chào ông và cảm ơn ông, nhân đó hỏi câu ông không dám đọc là câu gì. Ông bảo, cậu là người làm thơ, mình đọc cho cậu nghe thì được. Câu đó là Mồ cha những đứa chuyên nói dối.

Tôi đọc lại toàn bài 4 câu thấy hay và lúc đó là rất mới. Tôi nói: Nhưng câu này thất niêm anh ạ. Ông nhìn tôi, mỉm cười: Cậu làm thơ đời mới mà cũng biết niêm luật thơ cổ à. Biết nó mà để nó trói buộc thì thà không biết còn hơn. Chửi cha đứa nói dối thì cần gì phải đúng niêm luật.

Sau này tôi nghí đó là sự đột biến trong thơ mà các nhà thơ xưa thường làm để tạo ra những câu thơ đặc sắc.

Tôi rất kính trọng và biết ơn câu chửi  giữa làng Vũ Đại của ông. Vì thế, khi chọn lại trong 25 năm làm thơ thời bao cấp qua 4 tập thơ đã xuất bản, tôi chỉ lấy lại 28 bài. Bài Nói chuyện với đường cày... trên, tôi đã bỏ đi,  cùng nhiều bài thơ khác,  mà tôi cho là thuộc loại thơ nói dối.

MỚI - NÓNG