Cây bút trẻ già nhất thế giới

Cây bút trẻ già nhất thế giới
TP - Những ngày này, đời sống văn học Pháp sôi lên vì “cây bút trẻ già nhất thế giới”, Guillemette Andreu, người vừa in tiểu thuyết đầu tay của đời mình ở tuổi 95.
Cây bút trẻ già nhất thế giới ảnh 1

Cuốn sách chỉ 202 trang, mang tên Danh sách học sinh gương mẫu, ra mắt cuối tháng hai vừa rồi, và lập tức được chào đón và khen ngợi.

Thay cho một bức thư thông thường, nhà văn Guillemette Andreu gửi tới bà Antoine Fouquet, giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ, một tấm bưu thiếp trên đó viết:

“Thưa bà, cảm ơn là không đủ đối với những cái mà tôi được nhận từ  bà, đối với những giọt nước mắt của các con tôi, đối với những tiếng đập tim tôi. Tôi chịu ơn bà những phút giây hạnh phúc hiếm hoi và tôi xin được hôn tay bà”.

Đáp lại, người sáng lập nhà xuất bản dành cho phái đẹp viết: “Thưa cụ, quyển sách của cụ là một kiệt tác xinh xắn. Từ sách của cụ, chưa bao giờ, tôi cảm thấy hạnh phúc như bây giờ”.

Nhiều nhà phê bình danh tiếng xuất hiện trên các ấn phẩm báo chí hàng đầu, như “Le Figaro”, “Người quan sát mới”, khẳng định giá trị cuốn sách. Hội chợ - Triển lãm sách Paris mới đây đã mở một cuộc hội thảo riêng về tác phẩm cổ điển độc đáo và nữ tác giả cao tuổi nhất toàn cầu thời hiện tại. Các hệ thống truyền hình dành những chương trình đặc biệt cho sự kiện văn chương này.

Gần đây nhất, tối 29 tháng Ba vừa qua, kênh Văn hóa Pháp truyền trực tiếp trong hai tiếng liền chương trình giới thiệu bốn hiện tượng văn học, đều suy tôn phụ nữ và gia đình, trong đó đương nhiên có Guillemette Andreu và Danh sách học sinh gương mẫu.

Nhà văn do tuổi cao sức yếu không có mặt trong chương trình phát sóng rất đông người theo dõi này, song các con bà thay mặt mẹ chia sẻ những điều mà hàng triệu khán giả muốn biết. Cả cuộc đời vừa bình thường vừa phi thường của bà được lần hồi tái hiện.

Bà chào đời năm 1914 tại Nantes, một thị trấn nhỏ ở tây nam Pháp. Cha thủy thủ. Mẹ thợ giặt. Nhà rất nghèo. Lam lũ triền miên, mẹ mắc bệnh lao và tạ thế năm Guillemette lên hai tuổi.

Cha bỏ Guillemette lại cho hai người bà, rồi một thời gian sau, đi lập tổ ấm mới. Bà ngoại nghèo hơn bà nội, cho nên việc nuôi dưỡng Guillemette, bà nội đảm đương.

Chiến tranh thế giới 1914-1918 kết thúc, quê hương Guillemette chịu một tổn thất lớn về con người. Cảnh tang tóc bao trùm khắp nơi và kéo dài tưởng như  bất tận. Trẻ mồ côi chen chúc trong các trại tế bần công và tư. Đa phần dân cư Nantes khốn khó, giờ đây kiếm ăn càng vất vả bội phần.

Guillemette Andreu thường phải cùng người bà đi nhặt quả rụng về ăn, rồi lượm các cành khô về đun nấu hay sưởi ấm. Đôi lần, họ phải đi ăn xin. Guillemette muốn học hành tử tế, nhưng phải nghỉ sớm, vì không đủ tiền.

Nỗi buồn ấy pha lẫn không ít xúc phạm của phần lớn con nhà tư sản cùng học hay ngoài đường phố. Buồn nhất hẳn là ám ảnh về một “bản đàn dang dở”, vì Guillemette học giỏi và ngoan, thường được nêu tên trong danh sách học sinh gương mẫu của trường.

Guillemette Andreu có bản lĩnh, thông minh, có ý chí. Bà đã tự  trau dồi kiến thức bằng việc say mê đọc rất nhiều. Văn chương trợ lực mạnh mẽ cho bà chống chọi với số phận phũ phàng. Hết thời niên thiếu, bà đã thành thạo nghề đánh máy tốc ký. Bà nên vợ nên chồng với nhà báo kiêm nhà văn Pierre Andreu (đã qua đời năm 1987).

Theo chồng về sống ở ngoại ô Paris, rồi bà sang Libăng một thời gian, sau đó định cư hẳn ở trung tâm Paris cho đến nay. Sinh bốn con gái, khi các con khôn lớn, bà bắt đầu dành thời gian rảnh rỗi, ngồi gõ máy chữ kể về tuổi thơ của mình.

Năm 1976, bà hoàn thành cuốn tự truyện, thực chất là một tiểu thuyết. Nhưng đem cho một số bạn thân đọc thì hầu như  không ai khen hay, người nào cũng nghĩ bà không sao trở thành nhà văn được. Bà bèn đem cất tập bản thảo vào một chiếc hòm nhỏ.

Gần đây, các con sắp xếp lại nơi ở của bà, tình cờ phát hiện tập đó. Họ thấy cuốn truyện của mẹ thật tuyệt vời, đã chủ động liên hệ với Nhà xuất bản Phụ nữ. Cuốn sách đã ra đời như thế.

Hà Thu Trang 
Theo nhiều tài liệu nước ngoài

MỚI - NÓNG