Cha, con và jazz

Cha, con và jazz
TP - Tháng Tư này, Quyền Văn Minh cùng con trai Quyền Thiện Đắc và dàn nhạc big-band làm hai chương trình tại Nhà hát Lớn vào đêm 6 và 27. Nghe chừng Hà Nội là đất tốt cho jazz, nhưng chưa hẳn...
Cha, con và jazz ảnh 1
Quyền Văn Minh trong một đêm biểu diễn jazz - Ảnh: Hồng Vĩnh

Hai chương trình có tên: Quyền Văn Minh và bạn bè với nhạc jazz; Cha, con và jazz. CLB Jazz của NSƯT Quyền Văn Minh cùng ban nhạc Sông Hồng sáng đèn hàng đêm như thành một biểu tượng làm sang cho thủ đô.

Hỏi ra, nơi ông tiếp chuyện phóng viên sắp tới không còn là địa chỉ của Minh's Jazz Club nữa.

Nếu không nhầm thì dịp Cha, con và jazz năm ngoái, anh nói có thể là lần giã từ sân khấu. Vậy do đâu lại có chương trình này?

Tôi từng nghĩ đến lúc phải dành thời gian làm nhiều việc khác, chứ không hẳn khẳng định thôi làm nghề. Tôi muốn làm những chương trình đẳng cấp cao cho riêng mình, trong khi vẫn phải duy trì CLB, lượng học sinh.

Cũng phải nói thế để học trò cố gắng. Nhưng sau Cha và con lần một, tôi sẽ làm ba lần nữa. Nhiều thành viên ban nhạc gọi tôi bằng bố xưng con. Tôi phải giới thiệu được lần lượt từng đứa.

Anh có thể nói thêm về "nhiều việc khác" của mình?

Viết, phối bài. Nếu tôi không viết thì mảng dân gian Việt Nam chẳng bao giờ có bài. Mà thế thì chẳng bao giờ đi đến đâu cả. Nếu tôi có được cử làm trưởng đoàn Jazz Việt Nam đi diễn những Festival Jazz ở Singapore, Nhật, Đài Loan, Macao... thì phải đi bằng bài Việt Nam.

Tôi nói với Đắc, bố làm việc của thế hệ bố, con làm thế hệ con. Con phải viết. Nhưng viết ra, ban nhạc có đánh được đâu - nó nói. Cứ viết ra đi đã! Chưa đánh được mười thì đánh năm...

Anh em đều trân trọng trình độ của Đắc. Nó giống như cầu thủ đang đá ngoại hạng Anh về đá giải quốc gia, bảo không đá được. Tôi cần anh kèm các bạn. Nếu không để anh ở lại Mỹ luôn. Không phải về! (Quyền Thiện Đắc từng du học mấy năm ở Mỹ về jazz- PV).

Đắc chắc cũng hiểu. Nhưng cứ phải vùng vằng một tí...

   Có anh bạn trẻ nói chuyện với đối tác nước ngoài: Việt Nam có jazz club. Họ không tin. Anh liền điện cho tôi đặt bàn: "Anh chuẩn bị cho em mấy đĩa đặc biệt vì em có tốp khách quốc tế đang trên đường từ Nghệ An ra...". Họ ngồi nghe đúng một tiếng xong lại lên xe về trong đêm. Mình bảo, khủng khiếp quá, chú làm anh xúc động quá!

Nhiều khi tôi nghĩ, hay để con tự lăn. Nhưng để thế, nó sẽ làm ỳ toàn bộ cái hệ thống ỳ này (chỉ tay lên sân khấu CLB). Nên lại phải thúc...

Nói cho cùng, Đắc có thể thong thả. Tôi cũng có thể thong thả. Bởi qua một chặng, lên đến đỉnh cao rồi thì đi xuống, người đời cũng tha thứ.

Nhưng chính mình không tha thứ cho mình. Thời điểm này, tôi rất nhiều thứ nhức đầu. Nhà hát (Ca Múa Nhạc Thăng Long - PV) đang đòi đất, phải tìm địa điểm khác. Giá tiền thuê bây giờ chóng mặt...

Ở đây, có mỗi âm nhạc để người ta vào. Ăn uống, bài trí chưa là gì so với các điểm nóng ở đất Hà Nội này.

Địa điểm quả là lý tưởng để kinh doanh cà phê - nhà hàng chẳng hạn?

Đã tính hết rồi mà không được. Đất này không cho phép hay thế nào! Chỉ buổi tối có khách. Ban ngày lác đác ai khát nước quá thì vào. Nếu nhà hát cho năm năm nữa, tôi sẽ sửa sang lại, quyết tâm thay đổi...

Đắc là học trò, là con. Trong quá trình kèm cặp, anh có ưu tiên?

Không. Ép nhiều...

Hay ép chính là ưu tiên?

Với các trò, tôi đều có cách dạy như nhau. Trần Mạnh Tuấn thổi được hai bài là tối tôi đi làm cho ra ngồi cạnh tôi thổi. Đắc cũng thế. Bảo Long, Hồng Kiên...- không thiên vị.

Có chăng là khi tôi giao một bài dạng modern jazz cho Đắc, thấy thổi ra chất thì tôi bảo, đây chính là con đường nhanh nhất bước ra thế giới,  phải cố. Mà bài đó thì tất cả các học trò có. Anh nào ăn được thì ăn, không thì chịu.

Về tính cách, Đắc hơi lạnh. Tôi hơi buồn. Tôi nói với Đắc, đương nhiên nghệ sĩ mỗi người một phong cách nhưng, con nhớ rằng, mọi người đến nghe nhạc cần sự dâng hiến. Đừng tạo bộ mặt như ban phát những nốt nhạc cho họ.

Anh nói vậy có hơi nặng quá...

Jazz kết hợp truyền thống âm nhạc châu Phi (blues) và châu Âu (cổ điển), khởi nguồn từ đầu thế kỷ XX trong cộng đồng Mỹ gốc Phi ở miền Nam nước Mỹ.

Jazz đặc trưng với một hệ thống hòa thanh riêng, đa nhịp điệu, sự đảo phách… và tính ngẫu hứng.

Các loại kèn nhất là saxophone là nhạc cụ tiêu biểu cho jazz. Phong cách big-band với cả dàn kèn hoành tráng thịnh hành ở Mỹ vào những năm 1930-40.

Phải nặng chứ. Tôi có lần nói Đắc, trước lúc giải lao không cám ơn khách thì đừng chơi nữa. Lại có hôm nói nhỏ, hết bài này đi xuống, không phải thổi ở đây nữa... Không dám xuống. Biết tính bố mà.

Tôi thì rất chiều. Thà hy sinh một cánh tay. Bao năm anh ở Mỹ, tôi vẫn giữ CLB hoạt động tốt.

Tôi bán đi những cái kèn quý nhất đời tôi, vay mượn... để anh đi học. Anh ngồi trên ti vi nói: Bố bảo, có một đống tiền, đổ xăng rồi đấy. Học không tốt thì chỉ cần xòe diêm châm một cái.

Herbie Hancock - đoạt 13 giải Grammy - từng đến ngồi đây, chụp ảnh, còn treo kia. Cuộc đời tôi không hoang tưởng sẽ có một Grammy, nhưng tôi dám tự hào. Herbie Hancock nói với tôi, tôi rớm nước mắt. Ông nói: Trên thế giới, họ gọi tôi là anh hùng.

Nhưng tôi nghĩ anh là anh hùng. Vì ông tôi chơi jazz, bố tôi chơi jazz, tôi chơi jazz ở Mỹ- cái nôi của jazz. Điều đó là đương nhiên. Ông ở Việt Nam! Sứ quán Mỹ gửi tôi tập tài liệu để làm hội thảo, nhắc đến Quyền Văn Minh mà chẳng thấy nhắc học ở đâu cả. "Ông ta tự học bằng cách nghe đài BBC...". Tôi không phải coi thường nhưng mà Việt Nam có jazz! Khùng thật!

Về cái tâm đối với nhạc jazz thì tôi anh hùng hơn Herbie Hancock. Bởi tôi không có gì vẫn theo jazz đến cùng... Bằng chân tình, đam mê, cống hiến cho jazz. Herbie Hancock là người bạn lớn, ông ta rất giỏi.

Cùng tôi ngồi vui, uống nước, nói chuyện, trong khi nhiều nơi trải thảm đỏ chưa chắc ông đến. Tôi nói với Quyền Thiện Đắc: Sao chúng ta không tập từ bé có một phong cách lớn như thế.

Liệu có bị nhàm không khi tối nào anh cũng ở CLB?

Những buổi tối ngồi không ở đây, tôi tiếc thời gian lắm. Nhưng về nhà để viết thì cũng chưa tập trung được. Vì mình biết tỏng, thiếu mặt mình, lập tức không khí chùng xuống.

Có duy tâm hay không, không biết. Nhưng đại khái khách đến cứ hỏi ông Minh đâu. Bảo đây. Ông có thổi không. Bảo có thể tí nữa tôi chơi một bài. Họ rất vui.

Nhiều khi sự xuất hiện của tôi còn có chữ Nghĩa. Các thành viên định nghỉ, định bỏ còn phải nghĩ đến cái nghĩa đối với bố. Từ những ngày đầu tiên, những ngày khốn khổ, những ngày vắng khách, bố vẫn không nợ, không thiếu các con một hào nào, kèm các con đến ngày hôm nay...

Anh có thú vui nào để cân đối thời gian dành cho jazz?

Tôi chỉ đi bộ buổi sáng. Thực ra công việc ban ngày là hoạt động rồi, nhưng tuổi này dễ tăng cân. Thể thao nặng mình không có thì giờ, vì hầu như chiều tôi phải đi dạy, 15-20 USD/giờ. Tôi tích tất cả lại. Nó là cái chỗ không bao giờ tiêu đến - chỉ dành cho CLB hoặc chương trình lớn.

Tôi còn thích đọc sách. Nợ bản thân nhiều. Tiếng Việt tôi đọc nhiều rồi, nhất là sách triết học. Nhưng tôi dự định đọc bằng tiếng Anh. Cái đấy mất nhiều thì giờ lắm. Ngoại ngữ chủ yếu tôi tự học bằng từ điển.

Anh học tiếng Anh để còn dạy học trò nước ngoài?

Thì thế. Ngày xưa, tôi học tiếng Pháp để đọc sách. Chính vì không được học nên, về đêm, bằng mọi cách, tôi đọc tài liệu âm nhạc.

Ông Chu Minh, ông Dương Viết Á hỏi: Suốt ngày đi làm, mày học giờ nào. Bảo thưa anh, nói anh đừng cười, lúc anh ôm vợ anh anh ngủ, thì em phải thức em ôm cuốn sách. Cho nên em học là có cả căm thù trong ấy (cười ha hả).

Tại sao mình không được sống một cuộc sống bình thường? Bởi có tham vọng thì buộc phải hy sinh.

Vì tham vọng mà đường hôn nhân của anh bị ảnh hưởng?

Vợ đầu mê cờ bạc. Mình nghèo quá, không thể đáp ứng. Từ ngày có con, tôi lo đi làm thêm nuôi con. Ly hôn được 12 năm, tôi mới lấy một ca sĩ cùng đoàn. Cô ấy cũng lo CLB này nhưng ung thư mất cách đây sáu năm rồi.

Thực ra tôi thắng được bản thân mình. Ai chả có nhu cầu. Tôi lại biết quá nhiều. Thời trước, bạn bè nhiều, có sức khỏe, biết uống rượu bia, bài biếc... Cũng được thôi, nhưng ngày chỉ 24 tiếng. Muốn phối bản nhạc thì ông phải bỏ thời gian.

Tôi như thế này có lẽ cũng một phần tại đơn độc. Thường người ta có thời sinh viên, trung học với những người bạn gắn bó. Còn tôi học dở lớp 9, đi quân nhạc ở Việt Bắc.

Rồi từ đấy cứ cọc cạch tự làm. Đồng nghiệp, bạn rất nhiều nhưng không giãi tỏ với ai cả. Hoặc có vài người không cùng nghề, yêu quý, trân trọng nhau, hẹn nhau ngồi uống vài chai rượu, thổ ra những điều uất ức. Xong, lại vào việc.

Cô độc thế là không tốt. Cho nên, tôi muốn Đắc xây dựng tình bạn với những đồng ngũ của mình. Vì thực ra Đắc cũng lại dễ thành một thứ cù lao giữa những nghệ sĩ chơi jazz.

Đôi lúc ngồi trên xe phóng về: Giờ này mà ra chỗ này làm dăm cốc thì vui lắm đây. Không được, mình dăm cốc, ông khác cũng lại dăm cốc, thì quá giờ. Thôi về nghỉ ngơi. Rồi đến CLB hoặc tranh thủ làm việc. Để hẳn một ngày nghỉ uống thoải mái. Vì tôi nhiều bạn uống lắm. Phải hy sinh đấy.

Nhiều khi sự hy sinh đó cũng có lợi - về sức khỏe chẳng hạn?

Mình muốn kéo dài tuổi nghề. Tất cả nghệ sĩ vĩ đại ở đây (chỉ các bức chân dung treo kín tường) đều là những người 70-80 tuổi vẫn hàng đầu thế giới. Mình là cái gì! Mỗi ngày bước chân đến CLB, tôi nhìn thấy rất nhiều bậc thầy của tôi, thầy cứ hỏi: Thế mày làm được cái gì?   

MỚI - NÓNG
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
TPO - Hiện nay dòng máy bay Airbus A321 Neo có phần linh kiện đang trong thời gian bảo trì bảo dưỡng. Theo yêu cầu của nhà chế tạo, hàng loạt máy bay đã phải triệu hồi, phải dừng các chuyến bay bằng dòng máy bay này. "Các hãng nội địa của chúng ta dùng dòng máy bay này là chính nên dẫn đến việc hạn chế, thiếu hụt máy bay. Đây là một tác nhân cho việc giá vé máy bay tăng cao trong thời gian qua" - Cục Hàng không thông tin tới lãnh đạo TP. Đà Nẵng. 
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.