"Cha mẹ xin lỗi con"- Cảnh báo tình trạng nạo phá thai

"Cha mẹ xin lỗi con"- Cảnh báo tình trạng nạo phá thai
TP - Tối 14/11, bộ phim "Cha mẹ xin lỗi con" và phóng sự đa phương tiện có liên quan đã ra mắt với sự có mặt của tác giả Phan Huyền Thư (kịch bản và đạo diễn) cùng nhân vật chính trong phim là anh Tống Phước Phúc - người có ý tưởng lập nghĩa trang cho các thai nhi bị nạo hút.
"Cha mẹ xin lỗi con"- Cảnh báo tình trạng nạo phá thai ảnh 1
Anh Tống Phước Phúc, nhân vật chính trong phim

Anh Phúc cũng nhận nuôi những đứa trẻ bị bỏ rơi và nuôi luôn cả những bà mẹ đang mang thai mà không có khả năng nuôi con.

Bộ phim dựa theo một phóng sự trên tờ Tuổi trẻ Cuối tuần nói về nghĩa trang hài nhi ở Nha Trang do anh thợ xây Tống Phước Phúc lập nên... Tên phim dựa theo một dòng chữ in trên bia của nghĩa trang.

Đạo diễn đã mất một tuần để thuyết phục ông Phúc và những người trong nhóm thiện nguyện (theo đạo Thiên Chúa) để được đưa họ vào phim. Quan điểm của họ là “tay phải làm không cho tay trái biết”. Đạo diễn phải nói họ hãy coi đoàn làm phim như một bàn tay nữa.

Phan Huyền Thư cũng cho biết suốt thời gian làm phim, ngày nào cô cũng phải lên nghĩa trang thì tối về mới ngủ được.

Phim dài 38 phút mở đầu bằng bóng tối thê lương và những âm thanh ám ảnh đúng kiểu nghĩa trang. Phim kể chuyện khá giản dị, giống một phóng sự truyền hình, khác cái có thêm thủ pháp quay chậm nhưng lại hơi lạm dụng.

Tuy không lời bình nhưng có đôi chỗ phim nhờ nhân vật “bình” hơi lộ. Tiết tấu nhìn chung chậm, phim vẫn có thể dựng tiếp cho gọn hơn. Nhưng nhìn chung phim có tác động tốt.

Trước khi chiếu còn lác đác, xong phim, khán giả hầu hết đều rút tiền làm từ thiện. Anh Phúc đem về cho các con được gần 5 triệu đồng từ tiền bán DVD phim trong buổi khai mạc. Anh Phúc từng nhận được thư khen của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vì đã làm “những việc nhân nghĩa, quên mình vì người khác”. Cho đến nay, anh đã cứu sống được ít nhất 50 đứa trẻ đáng ra đã bị bỏ từ trong bụng mẹ.

44 tuổi, xạm đen, khắc khổ,  anh Phúc nhỏ nhẹ kể, năm 2001, đưa vợ đi sinh. Do vợ sinh khó nên anh phát nguyện nếu mẹ tròn con vuông, sẽ làm việc có ích.

“Tôi chưa biết là mình sẽ làm gì. Cho đến khi chứng kiến cảnh xác thai nhi bị bỏ lại trong bệnh viện, tôi nghĩ tới việc đem về chôn cất.” Sau 3 năm, anh dành dụm được 10 triệu đồng để mua đất làm nghĩa trang.

Do anh cứ đến bệnh viện xin loại “bệnh phẩm” đặc biệt, nên bị nghi ngờ. Anh phải làm lý lịch, xin xác nhận của bác sĩ không có bệnh, xác nhận của phường không tiền án tiền sự... để Trung tâm Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em chứng cho việc làm bề ngoài khác thường của mình.

Rồi khi anh nhận nuôi những đứa trẻ không nơi nương tựa, người ta lại ngờ hay anh họ Tống này nuôi trẻ em để bán sang Trung Quốc. Công an phường thường xuyên đến nhà anh kiểm tra.

Anh không quên nói lời cảm ơn tới những người như bà già hàng xóm cứ khi nào thong thả lại sang trông các cháu, hay cô Dao mỗi tháng tự động cấp cho các cháu 300 ngàn đồng... “Từ lúc nuôi trẻ sơ sinh, tôi chưa phải mướn một vú nuôi nào.

Trong nhà lúc nào cũng có 6 bà mẹ trẻ chăm các bé, người này về tự khắc người khác tới.” Cũng như đúng lúc anh cần tiền để lo cho lũ trẻ, “ngẫu nhiên” sẽ có người mang tiền tới, anh Phúc chưa từng ngửa tay xin ai. Bọn trẻ bị bỏ rơi đều được mang họ Tống Phước, con trai tên Vinh, con gái tên Tâm. Phân biệt bằng tên đệm đặt theo xuất xứ, chẳng hạn Lâm Vinh có nghĩa là cháu ở Đà Lạt, Hà Tâm ở Hà Tĩnh... Hiện nhà anh đang nuôi 27 đứa trẻ từ Lạng Sơn cho tới Cà Mau.

Nỗi băn khoăn lớn của anh Phúc là làm sao các cháu được cấp giấy khai sinh để những khi đi nhà thương đỡ tốn tiền và sau này lũ trẻ được đi học. Anh dự định sau này sẽ cho chúng đi học trường dòng ở Cam Ranh- nơi sẽ nuôi dạy bọn trẻ đến khi đủ 18 tuổi.

Có trung tâm xã hội ngỏ ý muốn giúp nhưng anh không dám nhận. Anh muốn giữ các cháu tại nhà vì một lời hứa với mẹ các cháu: bất cứ lúc nào họ cũng có thể quay lại nhận con khi đã có đủ điều kiện. Anh Phúc không ghi sổ nhưng cho hay có khá nhiều mẹ đã đến nhận con. Những ai ở Nha Trang thường xuyên đưa con đến chơi chào “ba Phúc”.

Trong phim có cảnh quay chậm và mờ một cô gái trẻ đang phơi quần áo sơ sinh. Đó chính là một bà mẹ có con gửi tại đây. Có mẹ mới đang học lớp 9, sáng đi học, chiều lén về đây thăm con. Đạo diễn cho biết, chờ sinh ở nhà anh Phúc không hiếm những mẹ 15-16 tuổi, đa phần chưa lập gia đình.

N.M.Hà

Đạo diễn mong muốn phim của mình đến được với càng nhiều người trẻ các tốt- “để các bạn lựa chọn và quyết định hành vi của mình”. Việt Nam hiện đang là nước đứng thứ ba thế giới về tỷ lệ nạo phá thai. Trung bình một phụ nữ nước ta phá thai tới 2,5 lần- con số gây choáng từ phóng sự đa phương tiện đồng hành với bộ phim.
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.