'Chả nhẽ'

'Chả nhẽ'
TP - Trước khi quyết định một sự việc người ta thường cân nhắc mọi mặt liên quan để tìm ra cách giải quyết tốt nhất, tránh những điều rủi ro có thể. Song sự cân nhắc kín kẽ nhẽ này, nhẽ khác có khi lại đưa ta vào vòng luẩn quẩn không đáng có.

Xin dẫn ra đây một số ví dụ:

Ông bà hàng xóm nhà tôi đều ngoài bảy mươi, việc đồng áng đã nghỉ vì già yếu, nguồn thu nhập chẳng có gì đáng kể. Nhưng vì có đám giỗ trọng nên ông nhất định phải dọn cho được mươi mười lăm mâm cỗ.

Ông bảo: “Chả nhẽ quanh năm đi ăn cỗ nhà người ta, nhà mình có giỗ lại muối mặt không mời ai!”.

Ông anh họ tôi tuy còn trẻ nhưng là trưởng họ nên tháng nào cũng dăm bảy đám hiếu hỉ, ông hiểu rõ sự khó khăn của người được mời. Nhưng đến khi ông cưới vợ cho con thì cũng mở ra hàng trăm mâm tiệc,và lý giải: “Người ta mời mà mình không mời lại, người ta cười mình sẻn so quá!”.

Nhẽ này, nhẽ khác, chẳng bỏ được nhẽ nào nên người ta cứ mời đi, mời lại nhau nhân việc này, việc khác rồi năm này, năm khác. Ít ai dám đơn giản, gọn nhẹ và thiết thực. Cái lối ứng xử “chú khi này, anh khi khác” và cái lệ “trả nợ miệng” đã hằn sâu trong nếp nghĩ người Việt, cứ níu kéo mãi một số tập quán chẳng còn phù hợp với nếp sống mới.

Ngày xưa khi có chút danh vọng, làm nhà mới, dựng vợ gả chồng cho con cái người ta mới tổ chức ăn mừng. Ngày nay, việc mừng còn mở rộng ra cả các dịp. Lên cấp, lên chức, lên lương, mua sắm ô tô xe máy, trúng giải...đều “khao” và “rửa”... Chả nhẽ nhà họ làm thế, nhà mình lại không?

Không phải chỉ trong quan hệ xã hội mới ràng buộc nhau vào cái vòng “chả nhẽ” ấy mà trong một số quan hệ công tác ở chốn công quyền cũng có lối ứng xử như vậy.

Ở hội nghị “Báo cáo về dự án chuyển đổi cơ cấu trồng vật nuôi” của xã V. để xin ý kiến góp ý cho ban soạn thảo tôi thấy có cả vị kỹ sư quân giới về hưu: Tôi hỏi nhỏ một vị trong ban tổ chức: “Cụ ấy mấy chục năm quân ngũ, không thuộc tên các xứ đồng làng, chẳng bao giờ trồng cây, nuôi con...”. Thì được vị ấy trả lời: “Nhưng cụ ấy là bậc lão thành”. Còn chính cụ thì bộc bạch: “Xã mời thì mình đến dự chứ có góp ý được gì đâu!?”.

Trong nhiều hội nghị tất tật cán bộ các khối chính quyền, đoàn thể, hợp tác xã đều được mời vì lý do: “Chả nhẽ mời người này không mời người kia”. Vì thế danh sách đại biểu cứ dài ra và kinh phí cũng phình thêm. Còn hiệu quả có ai kiểm chứng được?

Đã đến lúc không nên giữ mãi cái lý “chả nhẽ” ấy mà cần nghĩ và làm theo phương châm: tinh, gọn, thiết thực và hiệu quả. 

Lại Văn Giang
Hưng Yên

MỚI - NÓNG