'Cha và con và…' lý do triệt sản

Diễn viên tay ngang Lê Công Hoàng đảm đương một vai nhiều sức nặng trong Cha và con và…
Diễn viên tay ngang Lê Công Hoàng đảm đương một vai nhiều sức nặng trong Cha và con và…
TP - Cha và con và… của Phan Đăng Di từng dự giải Gấu Vàng LHP Berlin và được hãng Memento mua để phát hành tại Pháp vừa có buổi chiếu diện hẹp trước khi ra rạp Việt Nam. Bộ phim có cách diễn đạt khá lạ, đến nỗi có khả năng gây khó cho người xem trong tiếp nhận nội dung. Tuy nhiên phim cũng tạo được cảm giác có phần thi vị trong mổ xẻ cảm xúc yêu đương của những người trẻ. 

Tạo cảm giác, gây ấn tượng hẳn là mục tiêu mà Cha và con và… hướng tới. Phim tung ra những khuôn hình ngẫu hứng, những cảnh quay như thể vu vơ. Khán giả xem, cảm nhận và tự nhặt ra cốt truyện. Thực ra để thành công với cách kể mà như không kể này, mỗi cảnh quay nên đạt tới sự hoàn hảo, đa nghĩa, đa chiều. Nếu tập hợp các cảnh phim còn chưa đủ để khán giả nắm được nội dung, sẽ không khỏi ảnh hưởng đến cảm nhận tổng thể của họ.

Tại buổi chiếu trước ra mắt, máy chiếu của Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội chưa được căn chuẩn nên ra màn ảnh, thành ra phim bị thiếu sáng mất nửa khẩu độ, theo đạo diễn. Mà phim vốn đã rất tiết giảm trong dùng sáng, khiến sự theo dõi của khán giả thêm trở ngại. Có cảnh tối đến độ không biết ai đang làm gì với ai. Đâm ra càng không thể nắm được diễn biến phim ngay lập tức. Có lẽ Cha và con và… thuộc loại phim cần đọc tóm tắt kịch bản trước khi xem.

Truyện phim được kể như sau: Bên sông Sài Gòn, Vũ (Lê Công Hoàng) thuê chung nhà với Thăng (Trương Thế Vinh), một nhân viên pha chế kiêm bán ma túy và dắt gái ở vũ trường. Qua Thăng, Vũ quen Vân (Đỗ Thị Hải Yến), gái nhảy và cũng là bạn tình của Thăng. Giữa họ nảy sinh mối quan hệ tay ba kỳ lạ khi Vân quyến rũ Vũ, dạy chàng trai trẻ những bài học tính dục đầu tiên, trong khi Vũ ngày càng bộc lộ tình cảm với Thăng… Tóm tắt trên wiki còn tả Vũ và Vân ân ái với nhau. Nhưng trong phim, hành động giữa Vân và Vũ khá mờ nhạt, tuyệt nhiên không thấy cái gọi là “ân ái”. Cũng có thể cảnh đó đã bị cắt. Dù sao thì Cha và con và… cũng khiến người xem phải vận dụng trí tưởng tượng để thêm vào những chỗ khuyết hơi nhiều. Mà lượng khán giả thời nay còn đủ kiên nhẫn lại hơi ít.

Tác giả ưu tiên những khuôn hình ấn tượng, những muốn ám ảnh người xem nhưng đôi khi hiệu quả mang lại không thật hoặc hơi phản cảm. Ví dụ cảnh quằn quại làm tình trong rừng ngập mặn. Bùn đen phủ kín thân người tạo nên những hình ảnh gần với nghệ thuật hơn là đời sống. Nhưng đó cũng có thể là một cách bất đắc dĩ để lách nhát kéo kiểm duyệt- cứ hở ra là cắt. Đạo diễn kể, rừng ngập mặn Cần Giờ bên ngoài đáng sợ hơn trong phim nhiều. Đoàn làm phim từng phải bỏ một bối cảnh sau khi mất công thiết kế ánh sáng vì trời mưa tầm tã, trong khi những con rắn to bằng cổ tay bò ra… Người dân cho hay nơi đó từng có tàu đắm với nhiều người chết.

Cái tên Cha và con và… có tác dụng định hướng cho người xem bám vào một đường dây trong kịch bản. Nhưng người xem chỉ có thể ngầm đoán có chuyện gì đó bất ổn giữa cha và con. Giữa hai thế hệ gần như không có sự tương tác bên ngoài. Họ không chia sẻ với nhau bằng lời hay bằng cảm xúc. Cha Vũ mặc dù bị xáo trộn khi thấy cảnh con trai mình tình cảm với Thăng nhưng không biểu lộ gì. Ông tự xử lý theo cách của riêng mình mà cậu con cũng không hay biết. Sự thiếu tiếng nói chung giữa các thế hệ kiểu “đời cua cua máy…” là một thực tế của xã hội Việt Nam mà phim đã phần nào thể hiện được. Sống kiểu Việt Nam, có những chuyện đúng là không thể nói được. Ngoài ra, ở bối cảnh hai chục năm trước, nhận thức xã hội còn khá mơ hồ về các vấn đề giới tính, nên để câu chuyện tự giải quyết trong im lặng cũng là hợp lý.

Những pha hành động trong phim cũng làm người xem bối rối. Bọn bảo kê đánh anh bán kẹo kéo có khi còn căng thẳng hơn những tay buôn ma túy đánh nhau. Cảnh múa sexy ở quán bar của Vân cùng dàn trai mình trần như thể diễn chỉ để chụp ảnh, lờ đờ quá mức. Việc sử dụng nhạc thể nghiệm (sắp đặt âm thanh) trong phim cũng chưa được đắt lắm, khi tiếng quá quái lạ so với hình. Phim thật nhất có lẽ là những cảnh thoại bên bàn nhậu. Có điều các nhân vật nói tiếng miền Nam lại có vẻ được thu âm thực địa, nên lại phải vừa nghe vừa đoán nội dung câu chuyện.

Phan Đăng Di nảy ý định làm phim Cha và con và… 20 năm trước, khi đọc một bài báo nói về hiện tượng thanh niên làm giả chứng nhận đã có con để đi triệt sản lĩnh tiền thưởng. Dường như anh mượn câu chuyện này để nói lên sự manh động hơn là bế tắc của những người trẻ sống trong thời còn nhiều khó khăn. Họ thắt ống dẫn tinh vì rảnh, để… cho vui hơn là do bí bách về tiền. Riêng Vũ có thêm lý do riêng. Nhưng phim cũng không nhấn vào động cơ hay quá trình đấu tranh tư tưởng để dẫn tới hành động bất thường này. Thành ra ý kiến cho rằng phim thiên về bề mặt mà thiếu chiều sâu cũng không phải không có lý.

Mảng rung động giới tính, tìm bản dạng giới… là yếu tố hấp dẫn của phim nhưng cũng không được đào sâu. Phim cố tình xếp mảng này lẫn lộn giữa những hiện thực tầm thường bừa bộn khác, để thấy rằng nó cũng chỉ là một trong những vấn đề của đời sống. Ngoài ra, cảm xúc và tương tác giới tính của nhân vật khá lờ vờ, chưa đủ mạnh để toát lên một mùi vị gì đó. Đặc biệt nhân vật chính Vũ do Lê Công Hoàng, một nhân viên ngân hàng đảm nhiệm, đạt tiêu chuẩn trong sáng mà đạo diễn tìm kiếm. Nhưng khi sự trong sáng đó cứ được giữ nguyên trong mọi cảnh huống khiến người xem nghi ngờ anh hơi có vấn đề về… cơ mặt.

MỚI - NÓNG