Chậm còn hơn không !

Chậm còn hơn không !
Làm đường phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế thì có thể chi chục tỷ, trăm tỷ để thực hiện, nhưng đoạn Hoàng Thành bị phá, thì chẳng có gì bù đắp được, và rõ ràng chúng ta đã mang tội với con cháu ngàn đời… PGS.TS. Nguyễn Lân Cường nhận định.
Chậm còn hơn không ! ảnh 1
PGS.TS. Nguyễn Lân Cường và những mảnh gốm thế kỷ VIII-IX trong vách của Hoàng Thành (đường Hoàng Hoa Thám). Ảnh : CAND

Chậm còn hơn không ! ảnh 2 Tôi thấy đã trót phá rồi thì dự án phải chậm lại một chút để các nhà khảo cổ đào đoạn bị phá xuống tận lớp đất cuối cùng của chân thành, xác định quá trình xây đắp, tu bổ qua các thời kỳ. Nên chăng để lại một mặt cắt làm triển lãm ngoài trời cho bạn bè thế giới và con cháu mai sau được rõ Chậm còn hơn không ! ảnh 3

PGS.TS. Nguyễn Lân Cường

"Đoạn đường đang thi công vừa là đê vừa là đoạn Hoàng Thành thời Lê Sơ (1428-1527), nó là đoạn đẹp nhất vì nổi cao hơn đoạn từ dốc Tam Đa đi về phía vườn Bách thảo. Tôi thấy đã trót phá rồi thì dự án phải chậm lại một chút để các nhà khảo cổ đào đoạn bị phá xuống tận lớp đất cuối cùng của chân thành, xác định quá trình xây đắp, tu bổ qua các thời kỳ", PGS.TS. Nguyễn Lân Cường nêu ý kiến.

Sau khi các nhà khảo cổ, sử học, cơ quan quản lý văn hoá và công luận lên tiếng, ngày 10/5, UBND TP Hà Nội có quyết định tạm dừng thi công đoạn đường Văn Cao kéo dài (đoạn trên đường Hoàng Hoa Thám).

Ông đánh giá thế nào về việc, ngày 10/5, UBND thành phố có quyết định tạm dừng thi công một đoạn trên đường Hoàng Hoa Thám?

- PGS.TS Nguyễn Lân Cường : Chậm còn hơn không, và tôi rất hoan nghênh quyết định này của UBND thành phố. Ngay từ năm 2002, Viện Khảo cổ học và Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội đã có hẳn một đề án khảo cổ học cụ thể, vẽ ra quy hoạch khảo cổ học ở vùng nội đô, Đông Anh, Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm, và có cả các kiến nghị đầy đủ.

Tên đề tài là: "Khảo cổ học với việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc ở Thủ đô Hà Nội - Kiến nghị và giải pháp". Lúc đó PGS.TS. Tống Trung Tín và các cộng sự là người thực hiện. Nhưng rồi sau khi đề tài được nghiệm thu xuất sắc, người ta cũng để nó rơi vào quên lãng.

Mặc dầu đã có quyết định của thành phố, nhưng ngay tối 10/5, tôi nhận được tin nhắn của bạn La Thành Công báo tin rằng, công trường Văn Cao - Hồ Tây, máy xúc xe chở đất vẫn làm bình thường, bất chấp pháp luật… Thật tiếc.

Giá Ban chủ nhiệm Dự án không biết đó là một đoạn Hoàng Thành Thăng Long thời Lê Sơ (thế kỷ XV - XVI) thì còn có thể châm chước, nhưng một loạt bài báo của các Giáo sư: Phan Huy Lê, Tống Trung Tín, Trịnh Sinh… còn tôi thì phát biểu trên VTV1 đề cập về vấn đề này thì họ "lờ đi" và coi như chuyện đã rồi.

Chậm còn hơn không ! ảnh 4
Đoạn đường Hoàng Hoa Thám - Văn Cao đang thi công Ảnh: HNM

Trước khi dừng thi công, đã có một diện tích không nhỏ của đoạn Hoàng Thành bị đào xới, xúc đổ đi, theo ông việc làm này đã ảnh hưởng thế nào đến việc thu thập hiện vật có giá trị khảo cổ?

- Họ làm từ 21h đến 4h sáng hôm sau, trời tối thì làm sao nhận biết được hiện vật. Tôi chắc chắn nhiều hiện vật có giá trị đã bị mất. Có thể có nhiều hiện vật không còn nguyên vẹn, nhưng nó giúp chúng ta rất nhiều trong việc nghiên cứu, lật lại và làm sáng tỏ từng trang sách của cha ông ta.

Trong quá trình khảo sát ở đây, ông đã thu được những hiện vật khảo cổ có giá trị nào?

- Ngay hôm 6/5, VTV1 ghi hình, tôi lần theo vách của đoạn Hoàng Thành bị gầu xúc bạt vát đi một đoạn dài, bằng con mắt của nhà khảo cổ tôi đã phát hiện ra một nửa đồ đựng bằng gốm bị vỡ của thời La Thành khá đẹp, và nhiều hiện vật khác còn găm lại trong phần thành chưa bị phá.

Ngổn ngang đây đó những viên gạch vồ thời Lê, nắp đậy thời Trần và mảnh ngói thời Lê Sơ mà tôi đã mang về để làm bằng chứng… Đau lắm bạn ạ! Khi nhìn những báu vật có tuổi từ bốn, năm trăm năm đến nghìn năm lần lượt bị nghiền nát và… ra đi.

Chậm còn hơn không ! ảnh 5
Vung sành thời Trần Ảnh: CAND

- Theo đánh giá của ông, giá trị khảo cổ học ở vị trí đang làm đường như thế nào? Có nhất quyết phải bảo tồn nguyên trạng hay khai quật thu hồi hiện vật rồi làm đường. PGS có đồng ý với quan niệm, coi trọng giá trị sử dụng (làm đường để phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế) hơn giá trị tinh thần (bảo tồn di tích khảo cổ) không? Làm thế nào để tồn tại cả hai?

Đoạn đường đang thi công vừa là đê vừa là đoạn Hoàng Thành thời Lê Sơ (1428-1527), nó là đoạn đẹp nhất vì nổi cao hơn đoạn từ dốc Tam Đa đi về phía vườn Bách thảo. Đúng như PGS.TS, Viện trưởng Viện Khảo cổ Tống Trung Tín đã phát biểu: "Trong cái rủi, có cái may".

Tôi thấy đã trót phá rồi thì dự án phải chậm lại một chút để các nhà khảo cổ đào đoạn bị phá xuống tận lớp đất cuối cùng của chân thành, xác định quá trình xây đắp, tu bổ qua các thời kỳ. Nên chăng để lại một mặt cắt làm triển lãm ngoài trời cho bạn bè thế giới và con cháu mai sau được rõ.

Làm đường phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế thì có thể chi chục tỷ, trăm tỷ để thực hiện, nhưng đoạn Hoàng Thành bị phá, thì chẳng có gì bù đắp được, và rõ ràng chúng ta đã mang tội với con cháu ngàn đời…

Muốn tồn tại cả hai, theo tôi phải có thiện chí từ cả 2 phía, cùng bàn bạc và luôn đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết thì khó khăn nào cũng sẽ tháo gỡ được. Trong thực tế vườn hoa Đàn Nam Giao (thuộc khuôn viên của Trung tâm Thương mại Vincom), hay di tích Đàn Xã Tắc (giao điểm của đường Kim Liên kéo dài cắt đường Tây Sơn) đã làm được điều này.

Làm thế nào để tránh xây dựng "đụng" di tích? Ông có ý kiến gì không về việc lập bản đồ khảo cổ cho Hà Nội?

- Không tránh được việc xây dựng "đụng" di tích đâu. Lẽ dĩ nhiên trước mắt phải đặc biệt chú ý đến vùng nội thành. Nhưng muốn vậy trước khi xây dựng những công trình lớn như các khách sạn, trung tâm thương mại… chủ đầu tư phải phối hợp với các nhà khảo cổ học để điều tra thám sát trước. Nếu đụng di tích thì phải dựa vào Luật Di sản văn hóa để giải quyết.

Công bằng mà nói vừa qua Hà Nội đã làm được khá nhiều việc để hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, như việc làm thêm nhiều đoạn đường mới, cầu mới, vườn hoa mới và đặc biệt là bắt đầu thực hiện dự án đưa những búi dây điện kếch sù xuống lòng đất. Nhưng để xảy ra vụ việc phá Hoàng Thành như trên thì thật đáng tiếc. Chúng ta cần nghiêm túc rút kinh nghiệm.

- Xin cảm ơn Phó Giáo sư!

Theo Cao Hồng
Công An Nhân Dân

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG