Chân dung một 'kẻ gây rối không mệt mỏi'

Chân dung một 'kẻ gây rối không mệt mỏi'
TP - Ngày 10 tháng mười một vừa rồi, công chúng văn học trong và ngoài Hoa Kỳ vĩnh biệt Norman Mialer một tên tuổi lớn của văn chương toàn cầu hiện đại.
Chân dung một 'kẻ gây rối không mệt mỏi' ảnh 1
Norman Mailer (phải) và Gunter Grass tại New York 2007

 “Đứa trẻ càn quấy trên văn đàn Hoa kỳ”, “Vật mẫu đo lường trong văn chương”, “Ngòi bút sắc sảo nhất”, “Giấc mơ của người Mỹ”, “Giấc mơ Mỹ vỡ vụn”, “Nhà văn tầm cỡ nhất”, “Cây bút ngang tầm Dos Passos, Saul Bellow”, “ Người kế tục xứng đáng nhất Hemingway”…, tất cả những tổng kết ấy đều đúng từ một góc nhìn nhất định. Song có lý hơn cả là biệt hiệu “Kẻ gây rối không mệt mỏi”. Ấy là Norman Mialer, sinh ngày 31 tháng một 1923, ở Long Branch, bang New Jersey.

Cha, làm nghề kế toán, vốn là con một thủ lĩnh do thái, người Nga nhập cư. Mẹ, do thái gốc Lituania, làm công cho một doanh nghiệp vận tải. Norman Mailer thông minh, học giỏi. Năm 1940, ông nhập trường Đại học Harvard và tốt nghiệp kỹ sư giao thông vận tải, đúng như ý nguyện của cha mẹ.

Tuy nhiên, ông quá say mê văn chương, đọc rất nhiều và tập viết từ tuổi lên mười. Năm 1941, ông tham dự cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Story và đoạt giải nhất. Con đường viết lách vậy là đã mở. Năm 1945, ông cưới vợ và được điều đi tham chiến ở Thái bình dương. Sau Đại chiến, ông sang Pháp, gặp nhà mác xít Jean Malaquais yêu văn học đến điên cuồng, người về sau dịch và giới thiệu hầu hết tác phẩm của ông, giúp ông chiếm lĩnh thị trường văn chương thế giới. Từ đó, ông trở thành một tín đồ cộng sản.

Ông đã ghi tên vào khoa Văn ở Đại học Sorbonne danh tiếng, nhưng không học đến cùng. Chẳng bao lâu, ông về Mỹ. Năm 1947, ở khu bãi biển nghỉ mát Provincetow, ông khởi thảo tiểu thuyết đầu tay Những người trần truồng và những người chết, xuất bản 1948. Dựa vào người thật việc thật ở chiến trường Thái bình Dương, cuốn sách lập tức gây nên một cơn sốt choáng váng toàn xã hội.

Vô số chi tiết gây sốc như những phát lộ lần lần về những nghịch lý của chiến tranh và lòng người. Vinh quang và tiền bạc đến ngay với chàng trai 25 tuổi. Norman Mailer tiếp xúc liền với Hollywood để chuyển thể cuốn truyện, nhưng dự án không thành. Xin lưu ý, ông viết khá nhiều kịch bản điện ảnh, đạo diễn và đóng trong nhiều phim, song thành tựu khá khiêm tốn. Điều kỳ thú là ông thành công vang dội trong báo chí, đến độ, ông được suy tôn là nhà báo Hoa Kỳ cự phách nhất thế kỷ.

Cộng tác đắc lực với nhiều báo, ông còn sáng lập The Village Voice (Tiếng làng), một tạp chí văn hóa của cánh tả rất được hâm mộ. Cái duyên báo chí của Norman Mailer nằm ở chỗ ông đưa thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, nhưng ngắn gọn, chính xác, với lời bình luận không thể sắc sảo hơn.

Ông ham hoạt động xã hội. Năm 1960, ông ra tranh cử chức Thị trưởng New York. Thật không may, ông vướng vào một vụ “bạo hành”, nên thất bại. Số là, ông mở một bữa tiệc đêm khá thịnh soạn ở nhà mình. Bịn rịn mãi, ông tiễn khách khá xa, chuyện trò không dứt. Đôi bất hòa vớ vẩn, nhất là về chính trị và xã hội, đẩy ông và chiến hữu đến chỗ cãi lộn và đánh nhau. Bốn giờ sáng, ông mới trở về, máu me đầy người. Vợ ông không chịu nổi, nặng lời chê trách. Ông vớ được con dao nhọn nhỏ, đâm bà suýt trúng tim. Chữa trị khá lâu, nhưng bà từ chối kiện chồng. Và khi sắp khỏi bệnh, bà xin toà ân xá cho ông.

Xin nói luôn, chuyện hôn nhân của ông cũng khá đặc biệt. Qua sáu đời vợ, ông có chín con, mà ông đích thân nuôi dạy. Bản tính tốt, song nóng nảy và hay gây gổ. Thể lực dồi dào, chơi giỏi nhiều môn thể thao, bộc trực thẳng thắn, ông muốn phân minh trong mọi quan hệ. Cho nên, không phải ngẫu nhiên, ông được gắn biệt danh Sư tử. Một trong những “phân minh” được thán phục nhất nơi ông là việc ông lên án và phản đối cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam. Năm 1967, ông chấn động dư luận với cuốn sách Tại sao chúng ta đến Việt nam? Ngày 21 tháng mười năm đó, ông dẫn đầu cuộc biểu tình trước Nhà Trắng ở Washington chống sự hiện diện của Mỹ ở Đông Nam Á. Norman Mailer bị bắt, nhưng được trả tự do ngay ngày hôm sau.

Chuyện đó có được một phần lớn xuất phát từ uy tín văn chương của ông mà cốt lõi là ý thức và trách nhiệm công dân bộc lộ cảm động từ  tác phẩm tự sự thứ nhất. Cho đến sự kiện vừa nêu, ông vẫn tâm đắc với khả năng của bản thân có thể góp phần làm tốt đẹp xã hội. Năm 1969, ông lại ứng cử thị trưởng New York, nhưng chỉ được 41.000 phiếu và đứng thứ tư  trong danh sách năm người.

Lần này, ông tỉnh mộng hẳn và dốc toàn bộ tâm huyết vào văn học. Không phải sáng tác nào cũng thành công mỹ mãn, nhưng hầu như mỗi cuốn là một cuộc tranh luận bùng lên sôi nổi ít ra cũng tại Hoa Kỳ. Nhân vật chính trong Khúc ca kẻ vô đạo (1979), một trong những kiệt tác của văn học Mỹ đương đại, là một tên tội phạm ngựa quen đường cũ nhiều lần. Sau một đợt tù dài, nhờ cải tạo tốt và thực tâm, y được tha có điều kiện. Những tưởng y sẽ tu thân vĩnh viễn.

Song thực tế, ít lâu thôi, y bắt đầu tấn công các trạm xăng, khách sạn dọc đường. Mỗi cuộc như vậy, y đều bắn gục một người và chỉ nhằm cướp đi chút ít tiền bạc hay tài sản. Cuối cùng, y bị xử tử. Đáng ngạc nhiên, tác giả dường như có “thiện cảm” với y. Sự thật, ông đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng thiếu việc làm, một cái nôi của tội lỗi và suy đồi đạo đức. Với 39 tiểu thuyết, ông được tặng hai giải Pulitzer, 1969 và 1980. Gần đây, ông được nhận Huân chương bắc đẩu bội tinh của CH Pháp. Từ 1984 đến 1986, ông được bầu giữ chức Chủ tịch Hội văn bút Hoa Kỳ.

Ông quá nôn nóng, muốn được thấy xã hội và con người hoàn mỹ và hoàn thiện thật nhanh. Vì vậy, trong đời thường, ông hay cực đoan, đôi khi dùng nắm đấm để bảo vệ lẽ phải, kể cả với các bạn văn thân thiết, như Gore Vidal năm 1971. Trong văn chương, ông ca ngợi những nhân vật mà ông cho là mẫu mực hay đóng một vai trò lịch sử choáng ngợp, ví như Jésus Christ, Marylin Monroe, Picasso, Mohamad Ali…

Sách về các nhân vật ấy của ông  thường châm ngòi cho những tranh cãi ầm ỹ. Thật trớ trêu, vài tháng nay, khi mà “kẻ gây rối không mệt mỏi” cần được thảnh thơi để yên tĩnh  đời đời, thì một vụ xì xầm bùng lên mỗi lúc một dữ dội, vượt ra ngoài địa hạt văn chương, vừa xót xa vừa nhức nhối. Lẽ nào ông già 84 xuân xanh lại chơi khăm hàng triệu bạn đọc thân yêu?

Vụ bê bối dấy lên từ khi tiểu thuyết cuối cùng của ông  xuất hiện cuối tháng Chín tại Mỹ và Anh, rồi từ 11 tháng Mười tại Pháp. Nó bị giới phê bình ba nước xôn xao dè bỉu và châm chọc. Tiếp đến là khá đông độc giả, nhất là phụ nữ. Đó là bộ Cung điện trong rừng (The Castle in The Forest), kể về tuổi thơ và tuổi trẻ của Hitler.

Bộ sách bị “dị ứng” có lẽ do cách lý giải hiện tượng Hitler của Normal Mailer tuồng như lập dị. Theo cuốn tiểu thuyết, bố Hitler loạn luân với cháu gái, rồi sinh ra tên trùm Đức quốc xã. Sinh hoạt vợ chồng của đôi bạn tình quái thai thì bừa bãi và hồn nhiên hơn thú vật. Bố Hitler mê nuôi ong và để tránh mất cả vườn ong, ông ta làm ngạt thở cả một tổ ong nhiễm bệnh. Sáng kiến này thức tỉnh trong gã “đầu lĩnh” phát xít tương lai các biện pháp “tẩy rửa nhân loại”, điều nhất thiết phải làm để bảo toàn xã hội loài người…Hình như  “kẻ gây rối không mệt mỏi” bênh vực Hitler?...

Hà Thu Trang
Theo nhiều tài liệu nước ngoài

MỚI - NÓNG