Chân dung văn học trên Tiền phong Cuối tuần

Chân dung văn học trên Tiền phong Cuối tuần
TP - Khi còn làm ở báo Văn Nghệ, tôi hay mò sang báo Tiền phong và chui vào cái phòng của Tiền phong Cuối tuần (trước kia là Tiền phong Chủ nhật). Có người tưởng ở đó có một nữ biên tập viên xinh đẹp nào đó. Nhưng ở đó chỉ có hai nhà thơ, hai người đồng nghiệp của tôi từ lâu nay…
Chân dung văn học trên Tiền phong Cuối tuần ảnh 1
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều  - Ảnh: N.Đ.Toán

Có lúc lại ghé qua thăm nhà văn Xuân Ba, nhưng khó gặp lắm!  Ông Xuân Ba hình như là “người tự do” của báo Tiền phong?

Có lúc lại chui vào cái phòng “giam tự nguyện” của nhà thơ Phan Cung Việt để la đà nửa chén rượu bé bằng cái hạt dẻ Trùng Khánh và nghe chuyện văn chương.

Và có lúc lại ngồi trong phòng của nhà thơ, Tổng biên tập Dương Kỳ Anh với danh nghĩa một nhà thơ ngồi với một nhà thơ.

Nhưng cái phòng của Tiền phong Cuối tuần là nơi có thể ngồi và chuyện phiếm cả buổi vì ở đó các nhà thơ chịu được sự khác người của các nhà thơ. Hơn nữa, câu chuyện chúng tôi trao đổi chẳng phải ý tứ gì, chỉ là chuyện văn chương thơ phú muôn đời.

Hai năm trước, khi tờ Tiền phong Cuối tuần chuẩn bị ra mắt, người phụ trách bảo tôi : Chú viết cho Tiền phong Cuối tuần đi. Tôi nói: Em chưa biết viết cái gì. Ông lại bảo: Chú viết gì mà chẳng được!

Nói thế nhưng tôi cũng chẳng biết viết cái gì. Một hôm, chúng tôi kéo nhau ra quán cà phê, và họ “đặt hàng” tôi viết chân dung về những người nổi tiếng. Anh cứ viết cả hai trang. Đây là lần đầu tiên có người cho tôi được quyền viết chân dung trên một tờ báo dài đến tận hai trang.

Khi tôi đồng ý thì các biên tập viên đề nghị tôi mỗi số viết một chân dung và viết bao giờ sợ quá không viết được nữa thì thôi. Cả hai ông đã kích động tôi và cũng thả tôi vào đúng sở trường viết lan man lâu nay của mình. Thế là tôi bắt đầu viết.

Nhưng chân dung đầu tiên tôi lại viết về một người vô danh không ai biết đến. Bài viết dài 5.000 chữ với tên cũng rất dài: Hoạ sỹ vô danh Phạm Long Quận và phép tự mê dụ.

Báo thời nay mà bài dài như vậy quả lạ lùng. Nhưng một bài dài hai trang như thế lại trở thành đặc sản của Tiền phong Cuối tuần. Hai trang báo với ảnh lớn và trình bày rất có “gu”.

Mỗi khi báo ra, tôi thường mua một tờ và trốn vào một quán cà phê để nhìn chứ không đọc. Vì những thứ trong đó là mình viết và tòa soạn hầu như chẳng cắt chữ nào.

Trước đó một thời gian dài tôi không còn hứng thú viết chân dung như thế. Nhưng sau khi in một chân dung dài “vô tận” trên số 1 của Tiền phong Cuối tuần, cảm hứng xưa lại trở về.

Cứ thế, trong nhiều tuần, số nào tôi cũng gửi đến Tiền phong Cuối tuần một chân dung. Nhưng từ khi tôi chuyển về báo Vietnamnet thì không còn thời gian nữa để tiếp tục viết chân dung cho Tiền phong Cuối tuần nữa.

Công việc của một tờ báo điện tử ngốn thời gian một cách không thương tiếc. Những người làm báo điện tử, với tôi, quả là những người hùng. Ở Vietnamnet, tôi thấy hầu hết các Trưởng ban quan trọng đều là đàn bà. Chỉ riêng mỗi ngày họ họp ít nhất một buổi đã làm cho tôi phải ngả mũ kính chào.

Nhưng làm báo điện tử không phải là nhật báo mà là “giờ báo”. Chỉ mới làm việc ở Vietnamnet chưa đầy 14 tháng mà số buổi họp tôi tham dự đã bằng số buổi họp ở báo Văn Nghệ 15 năm.

Tuy bận bịu như thế mà tôi vẫn thi thoảng muốn quay trở lại viết chân dung hai trang cho Tiền phong Cuối tuần. Một lần, tôi nói với ban biên tập Tiền phong Cuối tuần là đang dự định viết một bài “đại báo” 50 kỳ với cái tít: “Các nhà văn đi qua báo Văn Nghệ”.

Tôi sẽ viết về các nhà văn của báo Văn Nghệ và các nhà văn hay đến báo Văn Nghệ mà mình chứng kiến trong 15 năm làm ở đó. Tôi sẽ kể những gì tôi biết về họ, trong đó có một kỳ viết về chính tôi vì tôi cũng là một nhà văn sống ở báo Văn Nghệ. Và có lẽ đó là nhân vật tệ hại nhất trong các nhân vật mà tôi đề cập tới.

Lâu nay, tôi vẫn có một hứng thú kỳ lạ và có vẻ hơi quái dị khi muốn viết về chính mình. Hãy thử ngắm nhìn mình và dựng chân dung mình xem sao. Nó sẽ là cái gì nhỉ? Tôi không dám nói trước. Nhưng có lẽ sẽ là những điều mà chính mình cũng không hình dung nổi khi bắt tay vào viết.

Nhiều lúc, ngồi uống cà phê một mình, tôi thử nghĩ tới những dòng đầu tiên khi viết về chính tôi. Có thể bắt đầu rằng: “Cho đến lúc này, ông ta vẫn hiện lên trước mắt tôi với quá nhiều ngờ vực. Điều tôi viết về ông ta trong bài viết này là gọi những ngờ vực về ông ta ra một cách cụ thể…” Hoặc có thể bắt đầu bằng câu nhận xét của một nhà văn quan chức về tôi: “Nguyễn Quang Thiều là nhà văn có tư tưởng theo phương Tây”.

Những người phụ trách biên tập trên Tiền phong Cuối tuần đã vô cùng hào hứng và hứa sẽ trả nhuận bút ngay cho tôi 50 triệu đồng (1 triệu cho một kỳ báo). Hình như đó là mức nhuận bút hơi thấp cho một bài viết mà tôi biết trước rằng 8/10 số người được viết sẽ coi tôi như “kẻ thù” ngay lập tức. Thế nhưng có một lý do mà tôi chưa viết được. Nhưng tôi sẽ viết và tôi sẽ gửi cho Tiền phong Cuối tuần như đã hứa.

Mới đây tôi vừa được họa sỹ Lê Thiết Cương in cho một cuốn sách mang tên NGƯỜI. Trong cuốn sách đó, những chân dung được đa số bạn đọc thích là những chân dung đã in trên Tiền phong Cuối tuần trong những số đầu tiên kể từ khi ấn phẩm này ra đời.

Lâu nay, vì ở xa và vì bận rộn những chuyện đâu đâu, tôi ít ghé qua căn phòng nhỏ bé của Tiền phong Cuối tuần, nơi tôi có thể nói đủ thứ chuyện từ sáng cho đến trưa và lại được các biên tập viên thân thiện của tờ báo ấy mời ra nhà hàng ở đảo Thanh Niên ăn trưa…

MỚI - NÓNG