Chạnh lòng với quan họ

Chạnh lòng với quan họ
TP - Đọc bài Di sản quan họ-còn gì để mất? của tác giả Nguyễn Mạnh Hà in trên báo Tiền Phong hai số báo 63 và 64, tôi không khỏi chạnh lòng cho Đoàn dân ca Quan họ và phong trào hát Quan họ hiện nay.
Chạnh lòng với quan họ ảnh 1
Một tiết mục quan họ trình diễn trên sân khấu  ảnh: Phạm Yên

Tác giả bài báo viết rằng: “Để có thể hát cả đời với nhau, những liền anh liền chị, khi đã kết nghĩa, nguyền không lấy nhau… Luật chơi nghiêm ngặt này góp phần đưa Quan họ tới  những vẻ đẹp độc đáo trong kỹ thuật hát”. Đây là một ý kiến sai lầm hoàn toàn.

 Xin nói lại rằng, không có lời nguyền nào cả trong các tục kết bạn Quan họ. Việc liền anh liền chị trong một số quan hệ kết nghĩa không lấy nhau là do lệ làng chứ không do sinh hoạt Quan họ. Tục đi nước nghĩa của một số làng trước đây do thờ chung thành hoàng hoặc do coi nhau như anh em huyết thống nên gái trai hai làng không lấy nhau.

Do hai làng kết nghĩa nên các nhóm (người Quan họ không tự gọi mình là “bọn” như những ghi chép sai lầm trước đây) Quan họ tiện thể cũng kết bạn với nhau và dĩ nhiên là họ tuân thủ lệ làng. Còn như hai nhóm Quan họ kết bạn mà hai làng đó không kết nghĩa thì họ vẫn hôn nhân bình thường.

Từ những ghi chép mờ tỏ, không đầy đủ về tục này trong sách của Lưu Hữu Phước - Nguyễn Viêm - Tú Ngọc năm 1962 làm nhiều người hiểu nhầm và dần dần trở thành một kiểu giai thoại, dù đẹp nhưng không chính xác. Dựa vào đó để lý giải cái hay của Quan họ cổ là suy diễn sai lầm tiếp theo. Khá tiếc.

Trong bài báo, tác giả nhiều lần dùng chữ “gốc”, “nguyên bản”, “nguyên gốc”. Tôi đã từng không chỉ một lần hỏi nhạc sĩ Hồng Thao, người sưu tầm Quan họ bài bản nhất, rằng: “Thầy chỉ giùm em bài nào là Quan họ gốc!”.

Thầy cười: “Không thể chỉ ra bài gốc được, chỉ ra được bài này cổ hơn bài kia mà thôi!”. Nguyên bản là gì? Nguyên gốc là gì? Chúng tôi lăn lộn mãi rồi cũng chịu.

Cách trả lời của một người lão thực về Quan họ như thầy Hồng Thao khiến chúng ta phải suy nghĩ. Quan họ là một quá trình luôn luôn vận động và biến đổi trong lịch sử với tất cả tính dị bản của nó. Trong điều kiện nghiên cứu hiện nay, tốt nhất là khoan hãy nói đến chuyện gốc để so sánh với hiện tại.

Từ một quan niệm không đúng như vậy, tác giả dành nhiều đoạn chê bai Quan họ Đoàn, Quan họ đài khiến chúng tôi cảm thấy tủi thân. Quả thật tôi đã từng nghe, vào khoảng 1967-1970, một số bài (ít thôi) qua radio với giọng hát lúc ấy của Thanh Huyền hoặc Kiều Hưng.

Đó quả là Quan họ đã biến thái đi ít nhiều với một số kỹ thuật thanh nhạc phương Tây rõ ràng. Đó là những bài như: Hoa thơm bướm lượn, Người ơi người ở đừng về, Sông Cầu nước chảy lơ thơ, Ra ngõ mà trông (Ra ngó vào trông mới đúng),…

Nhưng điều đó không đúng với Đoàn Quan họ. Đặc biệt là các anh chị khoá I của Đoàn. Những gì họ học được, giữ được là do học ở các nghệ nhân vào những năm 1968-1969-1970 cách đây gần 40 năm rồi. Vì không có phương tiện như bây giờ, họ học theo kiểu truyền khẩu dân gian ở các làng khác nhau.

Học xong  bài nào phải đến nhà thầy trả bài. Có trường hợp thầy hôm trước dạy khác, ngay hôm sau thầy hát đã khác đi. Các tốp chia nhau học rồi về tập hợp lại, rút ra những bài chính, giọng chính và chọn lấy tinh hoa. Nên nhớ là rất nhiều làng hát ngọng, khá nhiều cụ lẩn thẩn khó chiều. Chả nhẽ đó là nguyên gốc chăng.

Mọi sự phát triển đều bao hàm sự tuyển lựa. Xưa đã vậy và nay cũng thế thôi. Tôi không nhìn nhận việc đưa phối âm vào như là một bước lùi của dân ca này, mà đó là một bước tiến trong tiến trình lịch sử của hát Quan họ. Và công lao giữ gìn nó đầu tiên phải là khoá I của Đoàn.

Một thời kì dài cho đến hết chiến tranh chống Mỹ, nếu không có Đoàn với các liền anh, liền chị mà các cụ vẫn khen “các anh các chị ấy có thanh có sắc hơn chúng tôi”, thì Quan họ chắc chắn sẽ chịu chung số phận với nhiều dân ca khác.

Đi sưu tầm điền dã hiện nay, lứa tuổi từ 70 trở xuống đang hát, bài bản chủ yếu là tập lại từ những diễn viên của Đoàn. Đó là một thực tế cho dù  khi chúng ta đi sưu tầm, người hát vẫn thích nói “Tôi tập từ các cụ!”.

Với người thạo Quan họ, có thể chỉ ngay ra bài này bài kia “cụ” đã học lại từ người nào, thời gian nào gần đây mà thôi. Nhìn trong tính tổng thể, không có sự đối lập lớn giữa Quan họ Đoàn và Quan họ dân.

Với một số bài khác, tác giả viết mà không có thông tin hoặc viết sai. Tác giả viết “Hừ la-với độ dài nghe đâu 15 phút-nay đã thất truyền”. Điều này không đúng. Bài đó vẫn còn ở Đoàn và vẫn được nhiều anh chị ở Đoàn hát.

Bài này học được của cụ Hoạch, cụ Giã (làng Diềm) vào năm 1969. Sau đó, năm 1970, cụ Thà, cụ Son (làng Trọi) cũng có tập cho Đoàn bài này nhưng dị bản quá đơn giản (nay vẫn giữ được và được gọi là Hừ la đơn). Thế thì thất truyền sao được.

Chỉ có điều người ta ít hát mà thôi. Tác giả còn viết “Còn thường bỏ qua các bài thuộc giọng lề lối (La rằng, Tình tang, Cái hời cái ả, Cây gạo, Đương bạn… [phải là Đường bạn kim loan mới đúng] ) vốn là những bài bản thuộc đẳng cấp cao trong kĩ thuật thanh nhạc của quan họ cổ, và là những bài không thể dùng hoà âm phương Tây để đệm theo”.

Xin nói rằng, không có bài nào mà hòa âm phương Tây lại không đệm theo được. Một truyền thống âm nhạc như phương Tây chả nhẽ kém cỏi đến vậy. Vấn đề là đệm như thế nào thôi. Còn nhiều điều cần bàn lại nữa ví như tác giả cho rằng: “Khi đưa quan họ lên sân khấu, những tiếng đệm, tiếng láy… bị cắt bỏ không thương tiếc, cho vừa với thời lượng một ca khúc”.

Điều này là sự bịa đặt. Hãy so sánh những gì nhạc sĩ Hồng Thao ghi lại từ 1970-1995, qua con đường sưu tầm dân gian, thì sẽ thấy Đoàn bỏ gì và giữ gì chứ. Sao lại khẳng quyết như vậy, làm như những người đã sống chết đói khổ một thời vì Quan họ là kẻ phá hoại dân ca vậy, làm như họ chỉ có “nhận thức sai lệch”?

Rất tiếc là, với dân ca Quan họ, do những điều chưa nghiên cứu thấu đáo từ 1960 trở lại đây về nguồn gốc và quá trình phát triển của nó làm cho những ý kiến nhận xét của tác giả tỏ ra tùy tiện. Chúng ta phải phân biệt hai công việc khác nhau.

Một là nghiên cứu bảo lưu. Hai là sự phát triển tự thân của một dân ca. Sự phát triển tự thân của Quan họ không nhằm làm ví dụ cho nhà nghiên cứu. Việc đưa nhạc phương Tây vào đệm cho Quan họ, việc đưa Quan họ lên sân khấu, lên radio, việc hát Quan họ với sự hỗ trợ của phương tiện trang âm hiện đại là sự phát triển mới của Quan họ.

Quan họ phát triển như một sinh thể. Không thể mãi mãi bắt một người cứ ở cái tuổi 11 mà cấm họ trưởng thành ở tuổi 20. Một hiện tượng văn hóa phát triển mà từ chối những thành quả của nhân loại là một hiện tượng kém khôn ngoan.

Hà Nội ngày 30/3/2006

Nguyễn Hùng Vĩ
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

MỚI - NÓNG