Chánh Tín làm phim kinh dị “thủ công”

Chánh Tín làm phim kinh dị “thủ công”
TP - Từng làm 2 phim nhựa kinh dị "Ngôi nhà oan khốc" và "Chiếc mặt nạ da người" hồi đầu những năm 90 nên niềm đam mê thể loại phim này bây giờ được Chánh Tín nối tiếp bằng loạt phim "Ngôi nhà bí ẩn".

Mới đóng máy 2 tập phim (45 phút/tập) Ngôi nhà bí ẩnSuối oan hồn mà Hãng phim Chánh Phương đã dự kiến chi phí tới hơn 2 tỷ đồng.

Lần này chỉ mình Chánh Tín bỏ tiền làm phim chứ không phải cả gia đình hùn vốn như hồi triển khai dự án Dòng máu anh hùng.

Không có bàn tay của chuyên gia kỹ xảo nước ngoài, không hiệu quả đặc biệt, vậy kiểu phim kinh dị hoàn toàn “thủ công” này hấp dẫn khán giả ở điểm gì? Câu trả lời là: Noi gương Alfred Hitchcock!

Tham vọng của đạo diễn Chánh Tín: sẽ dùng kỹ thuật để chuyển Ngôi nhà bí ẩn, Suối oan hồn thành phim truyện nhựa trình chiếu tại các rạp khoảng cuối tháng 6 đầu tháng 7, tức là đúng dịp hè năm nay để thăm dò khán giả sau đó mới phát sóng truyền hình vào năm 2008.

Chánh Tín làm phim kinh dị “thủ công” ảnh 1
Ê kíp Ngôi nhà bí ẩn: Nguyễn Chánh Tín (áo đen), Bùi Chí Vinh…

Ngô Thanh Vân - người đóng vai chính trong Dòng máu anh hùng lần này lại xuất hiện trong Ngôi nhà bí ẩn, ngoài ra Chánh Tín còn huy động dàn diễn viên cả già và trẻ đều hùng hậu như Đào Bá Sơn, Mạc Can, Hoàng Sơn, nhà thơ Bùi Chí Vinh, Mai Trần, Lê Bình, Hiền Mai, Huy Khánh…

Người viết 10 kịch bản đầu tiên cho loạt phim kinh dị này của Chánh Tín chính là nhà thơ Bùi Chí Vinh. Từ thơ “quậy” anh chuyển sang phim “quậy” lúc nào mà nhanh thế?

Tác giả tiểu thuyết và kịch bản phim cùng tên Yểu điệu thục nữ cười khà khà:

“Bây giờ tôi viết kịch bản phim là chính, đóng phim là phụ còn thơ thì tái bản đều đều. Chánh Tín từng kể cho tôi nghe một vài chi tiết làm chất liệu cho kịch bản phim kinh dị và mời tôi viết, từ ý tưởng đó tôi phát triển ra 10 tập: Ngôi nhà bí ẩn, Suối oan hồn, Những khuôn mặt mèo, Kẻ không đầu, Ngã ba tử thần, Núi dữ, Người phân thân, Chiếc xe lăn, Mối thù thiên thu, Suối than khóc. Nhìn chung kiểu phim kinh dị này nghiêng về phong cách Tây, đậm chất văn học hơn”.

Đà Lạt hay được chọn làm bối cảnh quay những cảnh phim kinh dị, đơn giản vì dễ dàng tìm thấy các biệt thự chưa sửa chữa còn nằm cách biệt trên đồi thông.

Ngôi nhà bí ẩn của Chánh Tín cũng nằm ở đây. Nếu như trong phim Alfred Hitchcock hay sử dụng cảnh buồng tắm mỗi khi cần làm cho khán giả đứng tim thì một ngôi nhà âm u trên đồi thông nếu biết bày trí tốt, Chánh Tín cũng có thể làm khán giả toát mồ hôi hột.

Anh quyết định không chơi kỹ xảo mà theo phương pháp thủ công là chính, những cú máy hồi hộp giao cho tay quay Đặng Phúc Yên, phong cách hoá trang cũng nội địa trăm phần trăm:

“Nó gần như cách làm phim kinh dị của Hitchcock vậy, không cần thiết phải quá bạo lực, rùng rợn, nhưng thần kinh khán giả vẫn căng như dây đàn bởi yếu tố sợ hãi nằm ở chiều sâu, người và ma lẫn lộn, không khí hư hư thực thực theo kiểu mượn kinh dị để mô tả  lòng người…”.

Vừa viết kịch bản, Bùi Chí Vinh còn đảm nhận vai Đại ca Long trong tập phim Ngôi nhà bí ẩn. Nếu tháng 6 tới 90 phút đầu tiên của Ngôi nhà bí ẩn (gồm 2 tập Ngôi nhà bí ẩnSuối oan hồn) được khán giả đón nhận nồng nhiệt, dự án phim kinh dị kể trên sẽ rầm rộ hơn và có thể cặp bài trùng mới Nguyễn Chánh Tín- Bùi Chí Vinh lại sản xuất nhiều tập nữa cùng sự cộng tác của hai nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân, Nguyễn Hồ.

2 tập đầu vừa đóng máy để ngày 6/4 Chánh Tín có mặt ở Mỹ cùng phim Dòng máu anh hùng ra mắt tại LH Phim Việt Nam toàn thế giới (tổ chức tại California).

Dự kiến Dòng máu anh hùng do Hãng phim Chánh Phương sản xuất sẽ chiếu tại VN và Mỹ từ 27/4/2007. Không chỉ phim hành động mà với khán giả Việt kiều, dòng phim kinh dị VN vẫn còn là mới mẻ bởi vậy Hãng phim Chánh Phương cũng mong muốn nhân đây thăm dò gu khán giả ở nước ngoài để tìm kiếm thêm thị trường cho Ngôi nhà bí ẩn

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.