Cháo giải oán

Minh họa: Huỳnh Ty.
Minh họa: Huỳnh Ty.
TP - Linh cữu quàn năm đêm mới chôn. Đêm thứ nhất, thứ hai còn đông bà con hàng xóm láng giềng, đêm thứ ba bắt đầu thưa thớt, đến đêm thứ ba trở đi, khách đến chia buồn thì chỉ còn loe hoe vài mạng. Chủ yếu là mấy gã đàn ông chuyên đánh bài tiến lên. Chẳng phải sát phạt gì, chỉ là đánh bài uống rượu để thức tới sáng cùng tang chủ. Ở miệt này, đám tang mà không có cánh đánh bài ngồi thâu đêm thì biết lấy ai thức cùng cho bớt đi không khí tang tóc vốn đã bao trùm.

Ban đêm, dân đánh bài uống rượu thường đi trễ, thường là từ giữa khuya họ mới có mặt – cũng là một cách để dành sức thức suốt. Khi khách khứa đã vãn mới là thời điểm của họ. Chỉ cần bốn người là đủ kha tiến lên hoặc át tê. Mồi màng chỉ cần một dĩa lòng chấm nước mắm, vài miếng huyết nếp luộc là đủ.

Khuya một chút, tang chủ bắt đầu dọn lên món cháo để có sức mà thức tiếp. Lúc này, cánh đánh bài cũng tạm nghỉ tay, xúm xít vô ăn cháo. Lâu dần, hễ nghe nói đến món cháo khuya là dễ liên tưởng tới đám tang chứ thực ra, đám cưới đám gả cũng có nhưng thốt ra hai từ cháo khuya ở đó dễ gây hiểu lầm là trù ẻo. Còn ở đám tang này thì cánh đánh bài đùa cợt thoải mái, bởi khi còn sống, ông già vốn là người vui tính, vừa húp cháo họ vừa bảo với nhau rằng: chết rồi mà ông Tư còn nấu cháo ngon hết cỡ!

Sở dĩ dài dòng như vậy là vì câu chuyện tôi sắp kể ra đây có liên quan đến món cháo khuya và ông cụ đang nằm trong quan tài kia, ông Tư Ngàn.

Hồi còn sống, ông Tư Ngàn có mở một cái quán bán cháo vịt ở đầu ngã ba xóm. Quán chỉ bắt đầu bán từ tám, chín giờ tối, bán cho đến khuya lơ khuya lắc. Quán cháo khuya của Tư Ngàn mở từ trước giải phóng, thời đó, khách chủ yếu là gái ăn sương, dân du đãng, thêm mớ lính chán đời. Đến thời bao cấp, cuộc sống khó khăn thiếu thốn nhưng đêm nào Tư Ngàn cũng thu vén sắm sửa được một nồi cháo để ra ngồi ở ngã ba. Nhờ quán cháo khuya đó mà Tư Ngàn nuôi được đàn con mười mấy đứa, cho tới cách nay chín năm, lúc ông chín chục tuổi mới ngưng vì bệnh tật đã hỏi thăm thường xuyên.

Dân ở ngã ba đường tới giờ còn lan truyền câu chuyện về món cháo độc nhứt vô nhị của ông Tư Ngàn, đó là món cháo giải oán. Sau ba mươi tháng tư, ông Tư Ngàn cho con cái đi mời tất cả thanh niên trong xóm tập trung đầy đủ ở quán ông, đương nhiên, chỉ những người còn sống. Tất cả ngồi kín trên mấy bộ ván kê sát vách quán lá. Đợi yên vị hết, ông Tư mới kêu người nhà khệ nệ bưng ra một nồi cháo cỡ lớn, trong đó gà vịt nấu lộn xộn như một món xà bần. Tư Ngàn chỉ nói một câu: Thông thường tao chỉ nấu cháo vịt, nhưng hôm nay, tụi bây ăn thử một món mới, gà vịt nấu chung. Coi thử ra sao?

Cái món cháo lạ lùng nhưng ai cũng cắm cúi ăn, nước mắt trào ra. Sau bữa cháo đó, tất cả đều bắt tay gác lại mọi oán thù khi trước. Gọi món cháo của Tư Ngàn là cháo giải oán là vì vậy. 

Câu chuyện trên tôi nghe được từ một người bạn vong niên, dân cố cựu ở ngã ba này. Khi tôi đến ở thì mồ mả của ông Tư Ngàn cũng đã xanh cỏ. Chỗ ngã ba giờ nhà cửa mọc san sát. Chỉ có một khoảng đất um tùm cỏ dại, đó là cái nền đất mà khi xưa từng có một mái lá được dựng lên làm quán bán cháo. Xuyên suốt hai bên đường toàn nhà lầu với biệt thự. Đó là những gia đình có người thân ở nước ngoài gửi tiền về để xây nhà, mà đa số đều từng ăn món cháo giải oán của Tư Ngàn. Sau khi ông Tư Ngàn mất, con cháu ông cũng bán luôn đất đai ruộng vườn, đi mua đất rừng, đất vuông ở các địa phương ven biển để theo cơn sốt thẻ chân trắng, mong cơ hội làm giàu. Chỉ có miếng đất mà ông Tư từng mở quán cháo là cặm bảng bán nhưng mãi vẫn không bán được. Không phải vì không có người hỏi mua hoặc vì giá quá mắc mà vì hễ thỏa thuận giá cả xong xuôi thì người mua hoặc tự dưng biệt tích hoặc có sự cố bất ngờ chi đó rồi hủy hợp đồng. Miếng đất ấy, không người trông coi, lâu ngày um tùm cỏ dại, trở thành chỗ náu thân lý tưởng cho vô vàn chuột bọ rắn rít bị mất nơi trú ngụ.

Vợ tôi vốn người nhát gan, dầu nhà đông đúc, đường sá xe cộ rần rần nhưng cứ hễ trời sụp tối là không dám bước chân ra ngoài. Vì: ngó đám cối um tùm bên kia là ớn lạnh sống lưng. Có đêm, đang mê ngủ thì nàng lay tôi dậy, giọng thảng thốt bảo: Ai nấu cháo giờ này mà mùi hành phi bay ngộp chịu không nổi! Đêm thì nàng lại ngồi trong nhà trước nhìn chằm chằm qua lớp kính cửa rồi khiến tôi cũng phát hoảng bằng một giọng không thể diễn tả nỗi: Anh qua bên đó mua cho em một tô cháo, tự dưng thèm quá!

Bên ngoài, bóng đèn đường chỗ khoảng đất hoang ấy tắt ngóm tự lúc nào, chỉ còn một khoảng đen đặc quánh. Không còn bóng dáng xe cộ. Cả tiếng côn trùng dường như cũng ngưng bặt. Giữa lúc ấy, dường như tôi nghe loáng thoáng có tiếng lanh canh của chén bát, tiếng loẹt xoẹt của muỗng đũa chạm vào xoong nồi chi đó. Rồi giữa mập mờ cơn ngái ngủ, tôi còn nghe cả giọng khàn đục cất lên: Nêm tiêu tỏi hành ngò gì không?

Quán cà phê của vợ chồng tôi thường đóng cửa khuya. Cả tuần lễ bị ám bởi mùi cháo ấy nên vợ tôi không còn sức lực gì để ngồi chờ khách, nên tôi phải thức thay. Nói gì thì nói, tôi cũng thuộc tạng người lớn gan, trước giờ cũng muốn biết ma quỷ là cái giống chi; sợ thì cũng có sợ nhưng nghĩ rằng ma quỷ cũng chẳng phải cũng từng có thời là người hay sao. Với lại, ma với người chưa chắc ai đã đáng sợ hơn ai.

Vào một đêm mưa rả rích của những ngày căng thẳng mệt mỏi ấy, khi đang gà gật trên võng chờ khách, trên tivi đang trực tiếp một trận túc cầu. Cả hai hiệp chính đều chẳng đội nào ghi được bàn thắng đầu tiên. “Rô điệu” đã rời sân do dính chấn thương từ hiệp một. Tôi không còn hơi sức để mà thức theo dõi tiếp hai hiệp phụ. Cánh công nhân thủy sản tan ca khuya chắc đã đụt mưa và xem bóng đá ở đâu đó. Bởi vì thông thường giờ này, họ đã có mặt uống cà phê, vừa xem bóng đá vừa cá cược với nhau. Thỉnh thoảng tôi cũng tham gia với họ, trong vai nhà cái để ra kèo. Không nhiều nhặn gì, mỗi người chỉ chơi vài chục ngàn, cao nhất là một trăm ngàn, có động cơ để hò hét là chính.

Ngay lúc tôi với tay định tắt ti vi, đóng cửa đi ngủ thì một chiếc taxi đỗ xịch trước cửa.

Có ăn có thua mới đủ sức để mà xem bóng đá chứ! Một vị khách bước ngay vào quán. Ông ta kéo ghế ngồi và ung dung gác chân lên bàn. Một ly cà phê đá! Khẩn trương một chút, buồn ngủ lắm rồi! Qua giọng nói và điệu bộ của khách, tôi thấy dường như ông ta đang cố vớt vát lại chút ngang tàng từ thời trai trẻ, trong khi không thể nào giấu được vô số nếp nhăn chồng chất trên khuôn mặt, dẫu đã nhuộm đen nhức tóc của mình.

Buôn bán bây giờ ra sao, chú em? Khi tôi đặt ly cà phê xuống trước mặt, ông ta hỏi.

Chưa bao giờ khó khăn hơn, như ông thấy đó, ngay mùa mưa gió này đây! Tôi cố bắt chước giọng lịch sự giống như các anh bồi bàn mà mình thấy trên phim nước ngoài để trả lời và bắt ghế ngồi bên cạnh.

À, thời buổi này ở đâu cũng vậy mà nhưng đừng lo lắng quá, rồi sẽ ổn. Hồi mới qua bển, tôi từng thê thảm đến mức không thể tưởng. Giờ thì khỏe rồi! Nói xong, ông ta ngửa người tựa ra sau lưng ghế, rút điếu thuốc châm lửa nhả khói; sợi dây chuyền như sợi xích lủng lẳng trên cổ càng làm cho ông ta lộ vẻ tự mãn đến mức đáng ghét.

Tuy vậy, tôi đã quá quen. Với loại khách như thế này, ta chỉ tỏ ra chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng giả vờ quan tâm bằng những câu hỏi là có thể xem họ diễn trò khoác lác về mọi thứ.

Xin lỗi, tôi hơi tò mò một chút, có vẻ như ông không phải là người ở đây? Tôi ra vẻ mình rất muốn biết vài câu chuyện của một người từng trải như ông ta.

Từng có một thời nơi này thuộc về tôi, nhưng giờ thì đã không còn. Cũng hơn bốn mươi năm rồi. Giờ tôi là người Mỹ, một quốc tịch đáng để phấn đấu và tự hào. Nhưng có những thứ không thể nào quên được, nó như vết xăm này đây, bám vào linh hồn ta vĩnh viễn không tẩy xóa. Ông ta vén tay áo đưa cho tôi nhìn dòng chữ xăm trên tay mình, tuy mờ qua các lần tẩy xóa nhưng vẫn còn đọc khá rõ: Oanh liệt vùng IV.

Tôi từng sinh ra và lớn lên ở đây, giờ thì chú em đã hiểu tôi thuộc loại người nào rồi chớ? Ông ta nhìn thẳng vào mắt tôi.

Vậy, hôm nay ông về thăm quê? Tôi dư biết dòng chữ ấy nói lên điều gì, nhưng thực sự là tôi không quan tâm cho lắm, nên chuyển qua đề tài khác. Ông còn người thân ở đây không?

Ồ không, chỉ là tiện đường tạt ngang vào lúc khuya khoắt mà thôi, chẳng còn gì để lưu luyến nữa. Ông ta nhếch mép, nhìn lên ti vi. Hiệp phụ thứ nhất bắt đầu. Không nhắc lại chuyện cũ nữa. Nhìn xem, tôi ước mình là một trong số các cầu thủ ấy, khi đã ra sân họ chỉ biết có trái bóng. Quá khứ, tương lai, ân oán đều gác lại một bên. Thử vận may xem sao, tôi cược 5 đô la cho Pháp thắng. Nếu tôi thua, thì nó là của chú em. Ông ta đẩy tờ đô la ra giữa bàn. Quy ra tiền Việt thì chỉ hơn trăm ngàn chút ít. Số tiền không lớn, vả lại cũng chẳng thấy đó là trò lừa đảo gì, tôi liền gật đầu đồng ý.

Kết quả trận đấu ấy ra sao, bây giờ thì tất cả mọi người có theo dõi vào đêm ấy đều đã rõ. Tờ 5 đô la tôi vẫn còn giữ, tiền thật, chứ không phải theo kiểu: “tôi cất tờ 5 đô la ấy trong ví và quên cho đến khi phát hiện ra nó chỉ là một thứ tiền âm phủ hoặc đã hóa thành thứ lá cây đang mục rữa”.

Vị khách đêm ấy còn hào phóng trả cho ly cà phê thêm 5 đô la nữa trước khi ông đi tìm chỗ ăn khuya, vì từ chiều tới giờ vẫn chưa có gì nhét vào bụng. Bất chấp tôi đã cho biết rằng: Giờ này làm gì còn quán xá nào mở cửa nữa, vả lại, đang đêm thì không an toàn cho lắm. Ông ta chỉ cười khẩy và bỏ đi.

Khi khách rời khỏi quán, tôi vào nhà đóng cửa, tắt đèn và đi ngủ. Khi tôi thức dậy thì đồng hồ đã chỉ chín giờ sáng. Vợ tôi dậy từ lâu, có vài người khách đang ngồi uống cà phê và bàn tán chuyện gì đó. Ngoài đường, một đám đông người đang túm tụm trước khoảng đất. Một vài sắc phục công an đang đi lại nhìn ngó, hỏi han.

Anh nên ở trong nhà! Vừa nhìn thấy tôi, vợ tôi đã đẩy tôi về phía sau, nhưng không kịp nữa, một người đã ra hiệu cho anh công an về sự có mặt của tôi. Chỉ một lát sau, bọn họ đã có mặt ở trong quán.

À, chúng tôi chờ anh lâu rồi, chỉ là tôi cần anh cung cấp thông tin về người vừa tử vong ở phía bên đó hồi sáng sớm. Có người nhìn thấy, ông ta đã đến quán anh vào lúc khuya. Anh công an nói thật nhanh, khiến tôi phải chú ý lắm mới hiểu hết được ý.

Tôi không phải là nghi can số một đấy chứ? Tôi giật thót vì tự dưng mình dính vào một vụ án mạng.

Cứ yên tâm, chẩn đoán ban đầu của bác sĩ pháp y là ông ta bị đột quỵ do nhồi máu cơ tim cấp. Chỉ là theo thông tin chúng tôi có được, thì anh là người duy nhất gặp ông ta trước khi chết. Hy vọng từ những gì anh biết được chúng tôi sẽ tìm được người thân của ông ta. Người đối diện trấn an tôi.

Tôi thở phào nhẹ nhõm và kể mọi chuyện cho công an biết, dĩ nhiên, trừ chuyện tôi thắng cược 5 đô la.

Sau khi công an rời khỏi, tôi mới biết đầu đuôi câu chuyện. Quãng năm giờ sáng, một người đi tập thể dục phát hiện ra vị khách hồi đêm của tôi gục ở chỗ đất đó. Khi ấy, ông ta vẫn chưa chết, miệng cứ ú ớ giục bán cho ông ta thêm một tô cháo nữa và còn khen rằng cháo ngon nhưng lạnh ngắt như nấu ở dưới âm ti. Khi xe cứu thương vào đến nơi, ông ta còn nói trong cơn mê sảng rằng: Ăn cháo của Tư Ngàn nấu rồi thì không còn gì lấn cấn nữa!

Căn cứ lời khai của tôi và giấy tờ tùy thân, công an tìm được người thân của người đàn ông, ở cách ngã ba không xa, chỉ là từ lâu chẳng ai còn biết tin tức gì về thành viên của dòng họ mình. Sau phút ngỡ ngàng, họ cũng nhanh chóng chấp nhận chuyến trở về theo kiểu này. Vị khách đêm ấy được chôn cất tại khu mộ của dòng họ. Hôm tang lễ, một vài người lớn tuổi trong xóm nhớ ra, ông ta từng có thời gian chỉ huy một đại đội bảo an đóng ở vùng này. Ông ta cũng là người duy nhất không có mặt trong lần ăn món cháo giải oán của Tư Ngàn năm xưa.

Đám tang ấy là đám tang duy nhất mà tôi biết, không đãi món cháo khuya. Có nấu đi chăng nữa, dám chắc chẳng ai dám động đến một muỗng.

Trong cái rủi có cái may, cũng từ khi đó, vợ tôi chẳng còn ngửi phải mùi hành phi hoặc thèm cháo vào lúc giữa khuya nữa. Khoảng đất ấy không bao lâu sau, cũng đã bán được, bất kể từng có người chết.

Cháo giải oán ảnh 1Oán cừu nên cởi không nên buộc. Ai nghe câu này cũng tưởng nhẹ nhàng, nhưng để thực hiện thì khó tựa nâng vật nặng ngàn cân. Truyện ngắn dưới đây của Lê Minh Nhựt dùng một ẩn dụ lạ: Nồi cháo giải oán. Sự thực thì, chẳng có nồi cháo nấu lẫn cả gà lẫn vịt nào có thần lực như vậy. Nồi cháo bình dân có lẽ là ẩn dụ cho quê hương, đất đai, vườn ruộng, sông biển mà người chung một nước cần quên mọi oán thù để chung xây chung hưởng.

Lê Minh Nhựt, nhà văn xứ Cà Mau. Người viết dung dị, có tư tưởng.

L.A.H

MỚI - NÓNG