Cháu Bao Công đời thứ 34 kiện đòi danh dự cho cụ tổ

Cháu Bao Công đời thứ 34 kiện đòi danh dự cho cụ tổ
TPCN - Một sự kiện đang gây xôn xao dư luận Trung Quốc và đã gây nên vụ kiện cáo ra chốn công đường. Đó là việc đoàn kịch nổi tiếng “Người hiện đại” của Thượng Hải đang công diễn vở kịch nói hài hước “Gái đanh đá gõ chum” kiểu như “Nghêu, sò, ốc, hến” của Việt Nam.
Cháu Bao Công đời thứ 34 kiện đòi danh dự cho cụ tổ ảnh 1
Một cảnh trong vở kịch đang gây tranh cãi

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là trong vở kịch này Bao Thanh Thiên – nhân vật “thiết diện vô tư” nổi tiếng lại biến thành một “dâm quan” thèm rỏ dãi một gái lầu xanh nên đã không còn “ đại công vô tư” nữa.

Chính vì vậy, ông Bao Tôn Bình, cháu trực hệ đời thứ 34 của Bao Chửng đã vô cùng phẫn nộ, kịch liệt phản đối hành vi xuyên tạc lịch sử này và tuyên bố sẽ nhờ đến pháp luật để bảo vệ danh tiếng cho cụ tổ.

Vở hài kịch này được chuyển thể từ vở kịch truyền thống “Gõ chum mì” nhằm châm biếm những hiện tượng văn hoá hiện đang thịnh hành trong xã hội hiện đại.

Trong vở kịch, huyện nha Bao đại nhân xuất thân nghề khâu “nội y” cho đàn bà, bỏ tiền mua được chức quan, trên cổ luôn đeo tòn teng thước thợ may. Bao Chửng thèm rỏ dãi trước sắc đẹp của Châu Lạp Mai - một ả điếm xinh đẹp có biệt hiệu “Gái đanh đá”.

Nhưng ngoài Bao Chửng ra, Vương thư lại chủ quản ngành giải trí và Tứ gia chủ quản binh khí cũng mê tít Lạp Mai. Trong một phiên toà, Bao Chửng xử cho Lạp Mai làm vợ của nha dịch Trương Tài, nhưng sau đó tiếc của nên cử Trương Tài đi công cán Sơn Đông để tòm tem với Lạp Mai.

Một tối, không hẹn mà nên, cả Bao Chửng, Vương thư lại và Tứ gia đều đến mò Lạp Mai. Thế là diễn ra cảnh y chang kịch “Nghêu, sò, ốc, hến”: người thì núp trong bếp, kẻ chui chum mì, kẻ chui gầm giường.

Trương Tài đột ngột mò về, lôi cổ từng kẻ dâm ô ra để tống tiền và Bao Chửng phải đứng ra chi trả hết cho cả ba.

Thực ra, trong vở kịch truyền thống, nhân vật huyện nha không phải là Bao Chửng, mà chỉ gọi là “đại gia” (Ông lớn). Từ xưa đến nay trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật đã có nhiều tác phẩm đề cập đến Bao Chửng, nhưng thảy đều nhấn mạnh, thậm chí thần thánh hóa hình tượng chủ trì chính nghĩa, thiết diện vô tư của ông.

Lần này, đoàn kịch “Người hiện đại” tuy đã thành công trong việc khoa trương ngôn ngữ cơ thể, cải biên nhiều ca khúc thịnh hành, thu hút được đông đảo khán giả trẻ, nhưng việc họ xuyên tạc hình ảnh Bao Công đã gây nên tranh cãi lớn. Các khán giả lớn tuổi xem kịch đều rất phẫn nộ “Sao lại dám diễn Bao Công như thế?”, trong khi đám thanh niên thì cười lăn lộn.

Bao Tôn Bình tiên sinh, cháu 34 đời của Bao Chửng cho rằng: Bao Công là hình ảnh bất hủ của một vị quan thanh liêm, tinh thần Bao Công là một bộ phận cấu thành quan trọng của nét đẹp trong văn hoá truyền thống Trung Hoa.

Việc đoàn kịch biến công thành một dâm quan mê gái lầu xanh như thế không chỉ là hành vi nhục mạ Bao Công mà còn là sự xuyên tạc, đả kích văn hoá truyền thống Trung Hoa.

Ông đã chính thức bày tỏ ý kiến phản đối tới cơ quan chủ quản văn hoá Thượng Hải, đòi phải chấm dứt ngay hoạt động bôi bác Bao Công và tiến hành điều tra, xử lý đoàn kịch trên.

Ngày 28/9, Trương Dư, chủ nhiệm sản xuất của đoàn kịch đã bao biện: trong vở kịch đúng là có nhân vật “Bao đại nhân”, nhưng Bao đại nhân này không phải là Bao Chửng (!?), còn trong lời thoại đôi lúc xuất hiện từ “Bao Thanh thiên”, thì đoàn sẽ rút kinh nghiệm và bỏ đi là ổn (!).

Người phụ trách Viện nghiên cứu nghệ thuật Thượng Hải thì nói, vở kịch do đoàn “Người hiện đại” tự dàn dựng, ông cũng không hiểu rõ nội dung của nó, nếu quả thật có tình tiết bôi bác Bao Công thì “quả là nghiêm trọng quá”.

Cơ quan chủ quản văn hoá của Thượng Hải hôm 28/9 cũng đã tuyên bố sẽ tiến hành điều tra vụ việc này.

MỚI - NÓNG