Cháu đích tôn của thi sĩ Tản đà - Một dũng sĩ - Một liệt sĩ

Cháu đích tôn của thi sĩ Tản đà - Một dũng sĩ - Một liệt sĩ
TP - Tản Đà tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu sinh ngày 20/4 năm Kỷ Sửu 1899 và mất ngày 20/4 năm Kỷ Mão (1939), ông sinh ra và mất đi cùng ngày. Quê ông làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, Sơn Tây cũ nay là huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây.
Cháu đích tôn của thi sĩ Tản đà - Một dũng sĩ - Một liệt sĩ ảnh 1
Liệt sĩ Nguyễn Tất Hiển - cháu đích tôn cụ Tản Đà

Ông là nhà văn, nhà báo, nhà thơ, khối lượng tác phẩm của ông để lại thật đồ sộ. Nguyễn Tuân đã có nhận xét về ông như sau: “Trong chốn tao đàn Tản Đà xứng đáng ngôi chủ súy - trong hội tài tình Tản Đà xứng đáng ngôi hội chủ mà làng văn, nhà báo xứ này ai dám ngồi chung với Tản Đà”.

Ông là nhà thơ, nhà báo, nhà văn, khối lượng tác phẩm ông để lại từ 1916 đến 1939 gồm 300 bài. Những tuyển tập của ông từ 1912 - 1915 có Tản Đà văn tập, 1916 có Khối tình con I, 1918 Khối tình con II. Từ 1920- 1925 ông ra tập “Còn chơi” với 40 bài.

Số bài báo này ông viết, số thơ dịch và luận văn có trên 100 bài. Ông lấy bút danh là Tản Đà với kỷ niệm sông Đà và núi Tản Viên trên quê hương ông, và như một tuyên ngôn ông viết: Văn chương thời nôm na – thú chơi có sơn hà – Bà Vì ở trước mặt - Hắc Giang bên cạnh nhà.

Đến nay nhiều thành phố lớn đều lấy tên ông đặt cho đường phố của quê hương. Cụ Tản Đà có 7 người con: 4 trai và 3 gái, người con trưởng là ông Nguyễn Khắc Xương nay đã 80 tuổi, ông đã có nhiều năm công tác ở ngành Văn hóa thông tin tỉnh Phú Thọ, đồng thời cũng có nhiều công trình khảo cứu về thơ văn báo chí của Tản Đà.

Tuy ông quê gốc ở làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Hà Tây nhưng do nhiều năm công tác, qua 2 cuộc kháng chiến, ông bà đã lập nghiệp ở tỉnh Phú Thọ, các con ông bà đều ra đời từ đó. Tên của ông Khắc Xương cũng được cha là Tản Đà chọn lọc mãi để đặt tên.

Tôi có dịp may mắn được hầu chuyện của cụ Nguyễn Khắc Xương về dòng tộc và gia đình. Người con trưởng của ông Khắc Xương tên là Tất Hiển vì ông bà Khắc Xương muốn chữ đệm của con mình là Tất.

Đó chính là cháu đích tôn của cụ Tản Đà. Sau này Tất Hiển đi bộ đội vào chiến trường Tây Nguyên, anh đã chiến đấu anh dũng là một liệt sĩ, một dũng sĩ hy sinh lẫm liệt sau khi đã diệt nhiều địch trong trận đánh ngày 13/10/1972 lúc vừa tròn 20 tuổi.

Nhà báo Đại tá Đại Đồng- phóng viên báo Quân đội nhân dân năm 1972 vào chiến trường Tây Nguyên, một dịp rất may mắn là khi ông bị lạc giữa rừng hoang thì ông lại được gặp một chiến sĩ quân giải phóng rất trẻ cũng đang bị lạc giữa rừng hoang, hai người gặp nhau và đã có nhiều chuyện về một nhân vật cháu đích tôn cụ Tản Đà.

Vừa qua gia đình cụ Khắc Xương có đưa tôi xem bức thư của nhà báo Đại Đồng viết từ chiến trường gửi ra tới gia đình cụ Khắc Xương, những câu chuyện tình mà nhà báo Đại Đồng nêu lên đã làm biết bao người cảm xúc kính phục một chiến sĩ trẻ, toàn văn bức thư đã được gia đình đồng ý cho tôi xem và giới thiệu trên báo hôm nay như sau:

Kính gửi ông bà!

Tôi là cán bộ báo Quân đội nhân dân vào công tác tại chiến trường Tây Nguyên. Tình cờ đã gặp em Hiển - con của ông bà. Trong một trận đánh đầu tiên, em Hiển bị đi lạc đơn vị nhưng đã anh dũng lập công xuất sắc, một mình một súng bắn chết được 10 tên ngụy, cướp được 2 súng rồi trở về đơn vị.

Hiển được tặng thưởng Huân chương chiến công giải phóng hạng III và được công nhận đoàn viên quyết thắng năm 1972. Em Hiển có viết một bức thư nhờ tôi đưa ra miền Bắc cho ông bà (kèm theo một cái giấy khen của đơn vị) nhưng vì hiện nay do tình hình yêu cầu của nhiệm vụ, của chiến trường, tôi chưa ra Bắc được.

Nhân tiện có một đồng chí cán bộ ra ngoài đó, tôi gửi thư của Hiển ra cho ông bà cả giấy khen kèm theo. Tôi có chụp ảnh cho em Hiển, nếu ông bà cần ảnh của em, xin tới gặp đồng chí Lê Thu ở báo Quân đội nhân dân, 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội, nhờ đồng chí ấy rửa ảnh cho.

Vào khoảng gần cuối năm 1972, tôi mới ra Bắc, thời gian đó, tôi sẽ tiếp tục gửi thư cho ông bà.

Cuối cùng kính chúc ông bà mạnh khỏe, các em ngoan ngoãn ăn học.

Tây Nguyên, ngày 17 tháng 2 năm 1972

Nay thư

Đại Đồng

Nguyễn Tất Hiển sinh năm 1952, học sinh lớp 9 trường trung học Hùng Vương, thị xã Phú Thọ, anh vào bộ đội năm 1971, đi thẳng vào chiến trường Tây Nguyên.

Anh hy sinh ngày 13/10/1972 tại Mặt trận Tây Bắc Kon Tum. Đơn vị của Hiển lúc hy sinh là Đại đội 10 – Tiểu đoàn 9 – Trung đoàn 66 – Sư đoàn 10. Đó là một đơn vị đã lập công xuất sắc ngay từ những năm đầu đánh Mỹ ở Mặt trận Playme – Tây Nguyên.

Rồi nhiều năm bám trụ lập công trên chiến trường Tây Nguyên, ngày 30/4/1975 là đơn vị đầu tiên cùng Lữ đoàn xe tăng 203 tiến vào Dinh Độc lập bắt sống nội các Dương Văn Minh, kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Hiển đã được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba. Trước ngày Hiển hy sinh gia đình còn nhận được một lá thư viết tay của anh. Trong thư có đoạn “… vừa rồi còn lập chiến công xuất sắc trong một trận bắt chết 12 tên địch.

Anh em trong đơn vị đã nhiệt liệt khen ngợi và có đề tài học tập về con “Tinh thần lạc quan triệt để cách mạng còn hơi thở còn một mình cũng đánh địch đến cùng”.

Đại hội Đoàn mở con được vinh dự ngồi trên ghế Chủ tịch đoàn. Trung đoàn và Mặt trận đã tặng con Huân chương chiến công giải phóng hạng Ba, con được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt ngụy” ở Tây Nguyên kèm theo một chiếc bút Hồng Hà.

Đó là việc làm của con để đền đáp công ơn của Đảng, Bác Hồ, quê hương đất Tổ và Hà Tây của bố mẹ. Cuối cùng Hiển viết cho em gái út lúc đó mới 6 tuổi, em tên là Mai Thoa và dặn em phải ngoan, nghe lời bố mẹ học chăm… Nay chị Mai Thoa đã là một cán bộ của Viện bảo tàng tỉnh Phú Thọ.

Tình yêu gia đình, quê hương là những mạch nguồn dạt dào đưa đến tình yêu đất nước. Cháu của thi sĩ Tản Đà, liệt sĩ Nguyễn Tất Hiển là tấm gương như vậy.

MỚI - NÓNG