Chạy đua ... & bối rối

Chạy đua ... & bối rối
TP - Đầu tiên là sự hỗn loạn của thị trường kịch bản. Cơn khát kịch bản giúp những sản phẩm dễ dãi dễ dàng được đưa vào guồng. Kịch bản dễ dãi lại được lọc qua bằng khâu biên tập dễ dãi, tiếp tục tới tay các đạo diễn làm theo hợp đồng, chỉ lo làm nhanh để còn nhận phim khác.

Đó là chưa kể tới việc thiếu diễn viên, thiếu chuyên gia ánh sáng, họa sỹ, kỹ thuật…

Chạy đua ... & bối rối ảnh 1

Ngày 7/7 vừa qua, nghị định 54/2010/NĐ-CP chính thức có hiệu lực. Nghị định yêu cầu: Tăng 30% thời lượng phát sóng phim Việt trên tổng số thời lượng phát hành phim các đài truyền hình (ở cả Trung ương lẫn địa phương) và 20% trong hệ thống phim chiếu rạp. Riêng phim truyền hình Việt phải được chiếu trong khung giờ Vàng (từ 20h-22h). Đây là bước kích cầu phim Việt bằng chính sách cụ thể của nhà nước, mở rộng cửa và tạo điều kiện cho nền điện ảnh nước nhà. Nhưng, ở thời điểm hiện tại, nó lại đang là chiếc áo quá khổ.

Đa số các đài đuối sức

Trong 65 đài truyền hình cả nước, chỉ có ba đài lớn đủ khả năng thực hiện đúng nghị định 54 là Đài truyền hình Việt Nam (VTV), Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (HTV) và Đài phát thanh truyền hình Hà Nội (HTV). Với số lượng phủ sóng rộng, đương nhiên các hãng phim tư nhân như BHD, M&T Pictures, FPT Media, Vifa, Đông A… chen nhau đăng ký mua bản quyền phát sóng phim, chưa kể “nhà đài” còn tự sản xuất mỗi năm vài trăm tập.

“Nhà đài” bắt chẹt các hãng phim với luật đổi phim bằng quảng cáo và tự xếp lịch chiếu. Trung bình, một tập phim được tính bằng sáu quảng cáo 30 giây (tương ứng 180 triệu đồng) do hãng sản xuất phim tự kéo về, hơn thì “nhà đài” giữ. Tuy khó khăn là vậy nhưng ba đài này luôn trong tình trạng “đuổi không hết khách”. Dù nghị định mới có yêu cầu tăng lên 40%, 50% thì ba đài này cũng thừa sức đáp ứng.

Chạy đua ... & bối rối ảnh 2

Ngược lại, các đài nhỏ thì lâm vào tình trạng quá sức ngay cả khi nghị định chưa sửa đổi quy định 20% thời lượng phim Việt được phát sóng. Tất nhiên là do thiếu nguồn phim. Không hãng tư nhân nào chịu bán phim cho các đài tỉnh bởi chắc chắn họ không thể nhận đủ số tiền sản xuất cũng như quá khó trong việc thu hút quảng cáo.

"Rõ ràng bỏ ra 200 triệu để sản xuất 1 tập phim hay đổi quảng cáo tuơng ứng lấy phim là quá đắt đỏ và vất vả so với việc mua bản quyền phim Trung Quốc, Hàn Quốc về chiếu như bao năm qua."

Với các đài này, việc tự sản xuất phim “khó như lên trời” bởi kinh phí hạn hẹp, chi nhưng không có thu trong khi việc nhập phim ngoại lại dễ và rẻ hơn rất nhiều. Các đài như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, An Giang, Lâm Đồng…, việc phát sóng phim Việt gần như là con số không. May ra, còn mua lại được các bản phim cũ để chiếu lại. Đài truyền hình Hải Phòng cách đây vài năm cũng mời một số đạo diễn làm phim dài tập nhưng cũng không thể gánh được lâu dài và lại quay lại con đường nhập ngoại với những bản phim Trung Quốc cũ mèm, chi phí rẻ hơn rất nhiều.

Rõ ràng bỏ ra 200 triệu để sản xuất 1 tập phim hay đổi quảng cáo tương ứng lấy phim là quá đắt đỏ và vất vả so với việc mua bản quyền phim Trung Quốc, Hàn Quốc về chiếu như bao năm qua. Chỉ vài triệu/ tập, đắt nhất cũng chỉ trên 1.000 USD/ tập mà hiệu quả xem ra còn hơn khi làn sóng mê phim Hàn, phim Trung Quốc vẫn chưa giảm.

Chạy đua ... & bối rối ảnh 3

Phim Việt tiếp tục lao đao

Với phim chiếu rạp thì rõ là không thể áp dụng như với truyền hình. Vấn đề “đáp ứng đủ” ở đây không phụ thuộc vào “đầu vào” mà hoàn toàn do “đầu ra” - chính là khán giả, quyết định. Con số 20%, 30% hay thậm chí “nói cho sướng miệng” là 100% phải được quyết định từ những người bỏ tiền mua vé chứ nghị định cũng chỉ là một động thái kích cầu, khích lệ.

Các kịch bản được sản xuất bởi các nhà biên kịch tay ngang, một nhóm gồm những người viết non nớt tập hợp lại… Bân cạnh đó là các kịch bản mua lại của nước ngoài, được Việt hóa một cách thiếu tinh tế, không gần gũi với nền văn hóa, ứng xử Việt.

 

Tính trung bình mỗi năm, Việt Nam sản xuất được 10 phim nhựa tính cả phim nhà nước đặt hàng lẫn tư nhân, tức là chỉ chiếm tới 10% so với phim ngoại nhập (năm 2009, Việt Nam nhập 106 phim). Trong khi đó, phim ra rạp hút khán giả chỉ là 4 - 5 phim dồn ép cạnh tranh trong dịp Tết. Đây cũng là đợt chiếu duy nhất mà phim Việt có lãi, tức là đủ quay vòng vốn làm phim tiếp. Còn Dòng máu anh hùng, Chuyện tình xa xứ… dù được đánh giá cao nhưng chiếu vào dịp Hè, Giáng sinh cũng thất bại về mặt doanh thu. Lỗ thì khó mà làm phim tiếp, quá mong manh cho hy vọng 20% phim Việt chiếu rạp.

Chạy đua ... & bối rối ảnh 4

Chạy đua và... loạn

30% thời lượng phát sóng phim Việt trên truyền hình, được chiếu vào đúng khung giờ Vàng rõ ràng là tin mừng với các nhà sản xuất phim. Nhưng khán giả lại thấp thỏm. Người Việt thích xem phim Việt nhưng bài học giờ Vàng 2009 khiến bao khán giả phải vỡ mộng. Nhớ lại hai dự án Sitcom “giờ Vàng” Những người độc thân vui vẻ của VFC, Cô gái xấu xí của BHD đã làm người xem thất vọng thế nào thì hiểu. Có lẽ nào ta yêu nhau (BHD sản xuất) còn bi kịch hơn khi khán giả chỉ mong phim kết thúc để xem Những nàng công chúa nổi tiếng được chiếu muộn vào lúc 22h30 ngay sau đó.

Phim Việt chiếu giờ vàng, ưu ái là thế mà vẫn bị đo ván. Tất nhiên, cũng có những bộ phim Việt hấp dẫn khán giả như Lập trình trái tim, Ngôi nhà hạnh phúc, Dòng sông định mệnh, Gió nghịch mùa… hay hiện nay là Vệt nắng cuối trời nhưng cũng chỉ là con số ít. Hệ lụy đó từ đâu?

Chạy đua ... & bối rối ảnh 5

Đầu tiên là sự hỗn loạn của thị trường kịch bản. Các kịch bản được chau chuốt từ các nhà biên kịch chuyên nghiệp hiếm dần và thay thế nó bằng các nhà biên kịch tay ngang, một nhóm gồm những người viết non nớt tập hợp lại… Bên cạnh đó là các kịch bản mua lại của nước ngoài, được Việt hóa một cách thiếu tinh tế, không gần gũi với nền văn hóa, ứng xử Việt.

Guồng quay của sản xuất phim luôn tạo cơn khát kịch bản và những sản phẩm dễ dãi dễ dàng được đưa vào guồng. Cái sự thiếu này thậm chí còn tạo ra những vụ đạo kịch bản, tiêu biểu là vụ kiện tụng giữa hãng Vietbooks, TFS và FPT Media xoay quanh bộ phim Sóng gió thương trường (TFS sản xuất mang tên Phiên chợ số).

Các nhà biên tập, thẩm định kịch bản thì hiện thiếu trầm trọng và hầu hết là không chuyên. Kịch bản dễ dãi lại được lọc qua bằng khâu biên tập dễ dãi mà công việc chỉ là chăm chăm “soi” xem có vướng mắc chính trị, tôn giáo, bạo lực, khiêu dâm hay không là đủ. Kịch bản tiếp tục tới tay các đạo diễn thời thị trường, tức là làm theo hợp đồng với nhà sản xuất. Đạo diễn nào cự nự, tranh cãi chuyên môn, làm chậm tiến độ thì xin mời ra. Mà chẳng ai dại, bởi họ cũng chỉ lo làm nhanh để còn nhận phim khác.

Chạy đua ... & bối rối ảnh 6

Thời buổi xã hội hóa, nhà nhà làm đạo diễn, các đạo diễn điện ảnh cũng chúi mũi làm phim truyền hình, tiêu chí “thiện chiến” được đặt lên trước “chất lượng”. Gương đạo diễn Tống Thành Vinh với Có lẽ nào ta yêu nhau sờ sờ trước mắt. Trau chuốt nhưng chậm tiến độ, mà khán giả lại không hiểu, chê ủng eo, tất nhiên là khó có lời mời tiếp.

Đó là chưa kể tới việc thiếu diễn viên, thiếu những chuyên gia ánh sáng, họa sỹ, kỹ thuật… dẫn đến các đoàn làm phim phải tuyển người tay ngang, chấp nhận chạy sô khiến việc làm phim ngày càng giống quy trình sản xuất mì ăn liền.

Nhưng, các phim này lại được PR rầm rộ, rộng khắp ngay từ khi còn là ý tưởng. Chúng tiếp tục vượt qua sự kiểm duyệt của “nhà Đài” - một quy trình khá đơn giản, chỉ đặt nặng yếu tố “ít hay nhiều quảng cáo” lên đầu. Khán giả là người chịu thiệt, nhưng đa số họ thờ ơ. Ít phim phải ngừng chiếu vì bị khán giả phản đối (duy nhất chỉ có dự án dài hơi Những người độc thân vui vẻ).

Rõ ràng, Nghị định 54 là một tin mừng, là chính sách đúng đắn của nhà nước với phim ảnh Việt. Nhưng quả thực ở hiện tại, nó đang là chiếc áo quá rộng và các nhà làm phim đang vỗ béo mình bằng “lượng” nhiều hơn bằng “chất” để mặc vừa nó. Một nền phim ảnh “béo bệu” thì chẳng chóng thì chầy khán giả cũng ngán. Các nhà làm phim luôn đòi hỏi được bảo hộ, được nhà nước tạo điều kiện. Thì đây! Đã có đất, đã có sân khấu, đã có khán giả, anh diễn đi thôi. Nhưng các nhà làm phim lại đuối sức.

MỚI - NÓNG