Chạy đua với thời gian để vẽ Mẹ Việt Nam anh hùng

Họa sĩ Đặng Ái Việt.
Họa sĩ Đặng Ái Việt.
TP - Bước qua tuổi 65 nhưng nữ họa sĩ Đặng Ái Việt, người đi khắp Việt Nam bằng chiếc xe chaly để vẽ Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) vẫn khiến người đối diện cảm được nguồn năng lượng hừng hực và nghị lực phi thường lan tỏa.

Ngoại trừ mái tóc hoa râm nhuốm màu thời gian, nhưng phong thái vẫn rất nhanh nhẹn, thanh thoát, đôi mắt ánh lên vẻ sáng ngời, nụ cười hồn hậu nở trên môi. Bước qua tuổi 65 nhưng nữ họa sĩ Đặng Ái Việt, người đi khắp Việt Nam bằng chiếc xe chaly để vẽ Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) vẫn khiến người đối diện cảm được nguồn năng lượng hừng hực và nghị lực phi thường lan tỏa.

Đến thăm bà trong gian nhà giản dị ở đường Bình Lợi, quận Bình Thạnh, TPHCM nữ họa sĩ đang tất bật đóng gói cho chuyến đi về miền Đông Nam bộ sắp đến. Bà bảo mưa gió ở miền Nam vẫn chẳng ăn thua gì so với những cơn bão lụt tàn khốc mà người dân miền Trung đang phải hứng chịu, thế nên kế hoạch đã đề ra và bà vẫn sẽ lên đường như đã hẹn. Với tay chỉ về chiếc xe phượng hoàng nhỏ nhắn dựng nơi góc phòng, bà mỉm cười hào hứng, mọi thứ đã sẵn sàng rồi, trang phục giản tiện, kèm cả đồ nghề vá xe lẫn dầu nhớt và bảng đồ của các cung đường sắp đến.

Thấy tôi tỏ vẻ ái ngại chiếc xe bé nhỏ kia làm sao có thể chống chọi những đoạn đường trường gian khổ, bà bảo: “Thế mà nó đã đồng hành mưa nắng cùng tôi hơn 3.000km trên khắp vùng Tây Nguyên rồi đấy”. Khi hỏi về thành quả của những chuyến đi vừa qua, bà thoăn thoắt, phấn khởi khoe một tập dày các bức họa chân dung của các mẹ mà bà vừa hoàn thành. Con số hiện nay đã vượt qua 1.132 bức và hiện Bảo tàng Phụ nữ Trung ương đang giữ 300 bức cùng với chiếc chaly theo bà suốt 3 năm qua để trưng bày. Đi nhiều, vẽ nhiều mẹ, nhưng mỗi bức chân dung hiển hiện ra những con người, những cuộc đời khác nhau, những đôi mắt thăm thẳm, những ánh nhìn thất thần mong chờ chồng con quay trở về, những nỗi đau thương bi hùng không thể tả, đều được lột tả qua những nét vẽ đầy xúc cảm.

Bà Ái Việt chia sẻ,  vẽ về một con người không phải dễ. Vẽ Mẹ VHAH lại càng khó hơn, không phải ký họa vẽ một nét là ra, mà phải vẽ từ chính tâm can mình. Tôi thường trò chuyện với các mẹ rất lâu, nhìn ngắm kỹ những gương mặt già nua, để tìm ra một góc cạnh nào đó bộc lộ thần thái của mẹ và vẽ với tất cả tình cảm kính yêu, cảm phục.

Chạy đua với thời gian để vẽ Mẹ Việt Nam anh hùng ảnh 1

4 cuộc triển lãm, 3 năm dài không nghỉ, tự bỏ tiền túi ra cho các chuyến đi của mình và vẫn tiếp tục hướng về phía trước, nữ họa sĩ cho biết năm nào cũng 6 tháng ròng rã Bắc tiến. Các con lo lắng cho sức khỏe và sự an toàn của bà nhưng biết không thể cản được quyết tâm của mẹ, chỉ biết động viên mà thôi. Bà bảo thời gian rất khắc nghiệt, nên cả dự án được bà đặt tên là “Hành trình nét thời gian” với mong muốn ghi lại chân dung của tất cả các bà mẹ VNAH, những nhân chứng của lịch sử. Bà phải chạy đua từng ngày, cuộc chạy đua kép, bởi các mẹ VNAH, các nhân vật đều đã già, ngay cả người thực hiện tuổi cũng đã xế chiều. 

“Vẽ về một con người không phải dễ. Vẽ Mẹ VHAH lại càng khó hơn, không phải ký họa vẽ một nét là ra, mà phải vẽ từ chính tâm can mình. Tôi thường trò chuyện với các mẹ rất lâu, nhìn ngắm kỹ những gương mặt già nua, để tìm ra một góc cạnh nào đó bộc lộ thần thái của mẹ và vẽ với tất cả tình cảm kính yêu, cảm phục”. 

Họa sĩ Đặng Ái Việt chia sẻ

Cuộc đời vô thường, mọi thứ có thể ra đi rất nhanh, như chuyến đi Lào Cai tất tả để có thể phác họa về một người mẹ ở vùng đất Tây Bắc cũng bất thành. Khi đến nơi thì người đã ra đi, cảm giác nuối tiếc, miên man trong có lỗi vẫn cứ ám ảnh bà. Vì thế phải nhanh, phải quyết liệt và mọi thứ đều phải có kế hoạch chặt chẽ. Lý giải vì sao lại chọn chủ đề về các mẹ, vì sao phải đi khắp cả nước để vẽ, họa sĩ Đặng Ái Việt thủ thỉ: “Với tôi, Hành trình nét thời gian là sự tri ân về những người phụ nữ đã có những hy sinh, mất mát cho Tổ quốc yên bình, được gói gọn trong 7 chữ Trả: Nợ đời; Nợ nghiệp; Nợ cố nhân”. Bởi theo bà, xuất thân đi làm cách mạng từ năm 15 tuổi, trưởng thành từ Hội Liên hiệp Phụ nữ, từ một con ngựa bất kham nhưng được các mẹ, các chị dạy dỗ, rèn luyện và cũng là nhân chứng của lịch sử nên bà muốn làm một điều gì đó cho xã hội, tái tạo lại những nhân chứng của lịch sử để lại cho các thế hệ về sau. 

Hỏi bà về những vất vả bà phải trải qua khi lặn lội vào những thôn sâu, những vùng quê vắng vẻ để vẽ chân dung của các mẹ. Bà chia sẻ mỗi chuyến đi, mỗi người mẹ bà gặp đã tiếp cho bà thêm lửa để phấn đấu. Bởi mỗi người mẹ VNAH mà bà gặp đều chứa những cuộc đời thấm đẫm đau thương, thấm đẫm sự hy sinh, mất mát.

Chạy đua với thời gian để vẽ Mẹ Việt Nam anh hùng ảnh 2

Bà kể lần về miền Trung, đến Quảng Ngãi, vẽ chân dung của mẹ Đặng Thị Huề xót xa lắm. Mẹ Huề đã lớn tuổi và bị lẫn. Chiều nào khi mặt trời xuống núi bà cũng ra đầu ngõ đứng trông chồng, mong con trở về. Ngày nào cũng vậy, người con trai Út phải gạt là ngày mai mọi người mới về, bà mới chịu trở vô nhà nghỉ ngơi. Hay bà kể về mẹ Ngôn 90 tuổi ở Đồng Nai, những lần nữ họa sĩ đến mẹ để vẽ chân dung, mẹ Ngôn đều ngồi trước nhà đếm xe hơi chạy qua.

Hỏi ra mới biết ngày xưa mẹ Ngôn làm quân báo, có nhiệm vụ đếm xe tăng đi qua để báo về trong khu biết tình hình, giờ đã hằn trong tiềm thức của mẹ. Hỏi bà về những tâm nguyện và những mong muốn qua “Hành trình nét thời gian” bà chia sẻ rằng ước gì có thêm thời gian để mỗi chuyến thăm các mẹ có thời gian lâu hơn để ở lại trò chuyện, và có đủ thời gian để hoàn tất tất cả chân dung của các mẹ VNAH trên khắp cả nước. Thế là mãn nguyện, là vui rồi. Với bà, “Hành trình nét thời gian” không chỉ là lời tri ân, trả nợ tình, nợ nghiệp mà bà muốn những tác phẩm này còn là một chút gì để lại cho thế hệ mai sau. 

MỚI - NÓNG