Chen lấn nơi đông người

Chen lấn nơi đông người
TP -  Những tưởng thói xấu đó sẽ mất đi khi nền kinh tế hàng hóa phát triển mạnh. Vậy mà, đã sau hơn 20 năm đổi mới, xóa bỏ bao cấp, cái tật xấu ấy vẫn diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi.
Chen lấn nơi đông người ảnh 1

Thời bao cấp, muốn mua cân gạo, cân mỳ, con cá, chai mắm đến cân đường, mét vải, thậm chí cái bánh dẻo, bánh nướng vui Tết Trung thu đều phải có tem phiếu. Vì cung quá ít, không đủ cầu nên lúc nào cũng diễn ra cảnh xếp hàng chầu chực trước các quầy bán lương thực, thực phẩm.

Mọi người phải dậy từ ba, bốn giờ sáng để đi “xí chỗ”. Đến giờ bán hàng, cô mậu dịch viên đủng đỉnh xuất hiện trước quầy với vẻ mặt lạnh tanh, kiêu kỳ. Còn mọi người đang chờ đợi sốt ruột bỗng phấn chấn hẳn lên.

Trong chốc lát, hàng mấy chục con người bắt đầu xô đẩy, chen lấn. Ai cũng cố để mua được món hàng theo tiêu chuẩn. Loáng một cái, mới chỉ có vài người mua mà đã có dấu hiệu hết hàng.

Người ta nhao nhao thắc mắc, chen nhau mạnh hơn. Có nhiều tiếng la hét, thậm chí văng tục, chửi bậy từ đám đông lộn xộn ấy. Mấy người sắp đến lượt bị đánh bật ra, đầu tóc rũ rượi, áo quần xộc xệch, có ai đó hốt hoảng vì bị kẻ gian móc mất ví tiền hoặc tháo mất đồ trang sức…

Cuộc chen lấn đang đến đỉnh điểm thì trên quầy xuất hiện dòng chữ “hết hàng” viết nguyệch ngoạc bằng phấn. Mọi người ngán ngẩm, vội chen nhau giải tán, ném lại cho cô nhân viên những tiếng lầu bầu vừa như trách móc, vừa như chửi rủa. Đám đông tản ra, mọi người đi tìm nơi khác để xếp hàng và… tiếp tục chen lấn.

Ở nhiều gia đình, người lớn phải đi làm cả ngày, đành giao cho trẻ con đi xếp hàng. Bọn trẻ có nhiều thời gian hơn, chúng xếp nơi này không mua được, lại xếp chỗ khác.

Chúng chưa biết xấu hổ nên chen ngang rất hăng, chả sợ ai, chiều về được bố mẹ khen giỏi, hôm sau chúng lại tích cực hơn. Thế là vô tình người lớn đã làm lây nhiễm thói xấu sang con trẻ.

Những tưởng thói xấu đó sẽ mất đi khi nền kinh tế hàng hóa phát triển mạnh. Vậy mà, đã sau hơn 20 năm đổi mới, xóa bỏ bao cấp, cái tật xấu ấy vẫn diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi.

Ở các phòng khám bệnh (ngay cả Bệnh viện Hữu nghị), mọi người đã xếp sổ y bạ hẳn hoi, thế mà mấy vị đến sau lại cứ đòi vào khám trước, như thể đợi đến lượt bệnh sẽ nặng hơn (?). Vậy là người ốm cũng sẵn sàng to tiếng, mắng nhiếc nhau.

Khi đi viếng tại phòng tang lễ, chẳng kể gì không khí nghi lễ trang nghiêm, một số đoàn đến sau lại chen lấn, đòi vào viếng sớm vì “vội về công tác”, cứ như chỉ có các vị mới cần tranh thủ thời gian.

Ngày rằm, mồng một, người ta thường chen chúc, xô đẩy khi vào thắp hương chốn đền chùa. Đã không ít cảnh người đứng sau xì xụp khấn lưng người đứng trước.

Ở những ngã ba, ngã tư, khi ùn tắc giao thông, người ta chen nhau, luồn lách bấm còi, rú ga huyên náo. Nhiều người còn vọt lên vỉa hè, phóng ngược chiều để “đảm bảo đến công sở đúng giờ làm việc”. Đã xảy ra không ít cảnh xô xát, tai nạn nghiêm trọng vì những cuộc chen lấn như vậy.

Đến dự một đêm lễ hội văn hóa, một buổi biểu diễn nghê thuật quan trọng, một số vị khách mời đến muộn cũng sẵn sàng xô đẩy đám đông để vào kịp giờ khai mạc, bất kể họ là một quan khách thường ngày rất lịch sự.

Thời bao cấp, tạm chấp nhận nguyên nhân là do đời sống khó khăn, đất nước vừa ra khỏi nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu. Còn ngày nay, không còn lý do đó, mà phải nói là do tính ích kỷ. Ý thức cộng đồng kém.

Biện pháp phòng ngừa hữu hiệu là nhà trường hãy quan tâm hơn đến việc đào tạo, hướng học sinh biết “kính trên, nhường dưới”. Còn các bậc phụ huynh phải luôn gương mẫu để giáo dục con em mình biết sống vì mọi người, xây dựng gia đình văn hóa, góp phần xây dựng xã hội văn minh trong thời kỳ hội nhập quốc tế. 

MỚI - NÓNG
Tỉnh Isfahan của Iran. (Ảnh: Getty)
Iran bác tin bị tấn công tên lửa
TPO - Tiếng nổ được nghe thấy ở Isfahan là do Iran kích hoạt các hệ thống phòng không, một quan chức Iran nói với Reuters, đồng thời khẳng định không có cuộc tấn công tên lửa nào nhằm vào nước này như báo chí vừa đưa tin.