Chèo 48 giờ là chèo gì?

Cô Thanh Huyền- Giảng viên khoa ĐH Sân khấu Điện ảnh đang dạy diễn xuất cho học viên Chèo 48h. Ảnh: N.M.Hà
Cô Thanh Huyền- Giảng viên khoa ĐH Sân khấu Điện ảnh đang dạy diễn xuất cho học viên Chèo 48h. Ảnh: N.M.Hà
TP - Một lớp học chèo của các sinh viên ngoại đạo đang thành hiện thực nhờ nhóm tác giả dự án Chèo 48h- Tôi chèo về quê hương. Dự án đoạt giải Nhất cuộc thi ý tưởng do nhóm Tôi 20 tổ chức. Chi phí cho 48h thực tập tại làng Khuốc, Thái Bình, của lớp chèo vào đầu tháng 8 coi như “giải thưởng”.

Hai sinh viên ngoại đạo đang diễn tích Xã trưởng mẹ Đốp. Chàng trai có vẻ chưa nhập vai lắm. Thầy giáo tư vấn: “Mặt em chưa dê!”. Xã trưởng có hành động sàm sỡ mẹ Đốp, đến lượt cô giáo: “Khi định đặt tay vào đâu em phải nhìn vào đó trước…”. Xã trưởng mãi không diễn nổi quay ra mắng hề mồi: “Bạn cứ cười làm tớ không diễn được!”. Không khí lớp học nói chung thoải mái.

Chi phí để duy trì 13 buổi học tại ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội do học viên tự đóng góp (32.000đồng/buổi) vì dự án không xin được tài trợ. Thu Trà (SV năm 2 khoa Môi trường ĐH KHTN Hà Nội) đại diện nhóm Tôi 20 vừa trông coi lớp học vừa là học viên luôn. 

Cô tỏ ra thích thú khi được học các cách biểu cảm trong chèo: “Biểu cảm gương mặt trong chèo thú vị mà không cần nhiều lời”. Trà cho hay, Chèo 48h sẽ tiếp tục chiêu sinh vào hè năm sau và nếu được nhiều bạn trẻ quan tâm, lớp học sẽ duy trì suốt năm dưới hình thức CLB. Cô cũng tự trao cho mình sứ mệnh đi quảng bá chèo tại các trường ĐH.

Mặc dù học trò diễn mãi chưa “dê” được như thầy, nhưng Ths Lê Tuấn Cường- đạo diễn tại Nhà hát Chèo Việt Nam, vẫn kiên nhẫn thị phạm.

Thay vì mắng mỏ, anh cho cả lớp giải lao. Giải lao nhưng thầy lại ngồi hát chèo cho các trò nghe và thu âm. Học sinh mang nước lọc đựng trong các cốc nhựa (loại dùng một lần) đến mời thầy cô. Rồi gạ thầy diễn cùng trong buổi biểu diễn báo cáo tới đây của Chèo 48h tại đình Kim Ngân, 42 Hàng Bạc tối 9/8. Thầy Cường khen: “Các bạn rất thông minh, say mê tập luyện, gây hào hứng cho những giảng viên như tôi”.

“Có nghe nhạc nước ngoài nhưng em nghĩ mình là người Việt thì trước hết phải nắm chắc giá trị vốn cổ của Việt Nam đã. Để khi ra ngoài có cái để nói về đất nước mình. Hát chèo cũng là một lợi thế khi em giao lưu với các bạn thanh niên quốc tế”.

Nguyễn Thị Thanh Hà - Học viên Chèo 48
Nhóm Chèo 48h đã đến tận nhà anh để xin thụ giáo. Đang bận rộn với việc tập luyện cho các diễn viên Nhà hát Chèo thi Tài năng trẻ, anh vẫn nhận lời: “Mình là người làm nghệ thuật truyền thống, phải có trách nhiệm với lớp trẻ, thế hệ trí thức tương lai của đất nước yêu văn hóa Việt Nam”. 

Đây là lần đầu tiên Cường “được” dạy chèo cho các học trò ngoại đạo. Anh khẳng định: “Sân khấu học đường rất quan trọng. Nếu các trường ở Hà Nội hoặc các tỉnh xung quanh muốn tìm hiểu về sân khấu truyền thống, chúng tôi sẵn sàng”.

Vốn là cây văn nghệ của ĐH Hà Nội sở trường dòng nhạc dân gian, Thanh Hà được thầy chọn vào vai Mẹ Đốp. Xã trưởng được các thầy cô uốn nắn nhiệt tình, Hà thì không. Đơn giản vì cô đã tập nhuyễn vai của mình. Vừa tốt nghiệp khoa Anh, thay vì đi tìm việc, cô đến với lớp Chèo 48h. Cô cười tươi: “Không tìm được việc thì có khi em sẽ đi hát chèo”.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.