Chỉ biết mình

Chỉ biết mình
TP - Nghe tin người anh họ ra Hà Nội chơi với con, từ sáng sớm, tôi đến thăm. Thấy anh đang ăn bánh cuốn Thanh Trì với người cháu ngoại trên gác hai, thế là ý định mời anh cùng đi ăn phở Hà Nội bị “phá sản”.

Để tỏ rõ sự thân tình, tôi gợi ý: “Cho em ăn với” và ngồi ngay xuống bàn cùng thưởng thức món đặc sản này được bày trên một tờ báo cũ.

Ăn xong, người cháu dọn bát đĩa, còn anh cầm ngay tờ báo dính nhiều ớt, hành, nước mắm, bánh vụn… đứng lên, mở cửa sổ, nhìn xuống đường. Biết anh định trút rác rưởi xuống đó, tôi can ngay: “Ấy đừng!”.

Anh dừng tay, nhưng mắt vẫn quan sát. Sợ anh chưa hiểu ý tôi, tôi vội nhắc lại: “Ấy đừng vứt…”. Nhưng, tôi chưa nói hết câu thì tay anh đã rung mạnh tờ báo, mọi thứ đã rơi.

Còn nhớ, có thời gian tôi cùng đoàn cán bộ sang một nước láng giềng để trao đổi nghiệp vụ. Bạn giúp đỡ hết lòng, cử tới một trăm người (bằng số người của ta) phục vụ chu đáo mọi khâu.

Nhà ở thoáng mát, nhà làm việc bóng lộn, nhà ăn sang trọng, nhà vệ sinh thơm tho… Ấy vậy mà chỉ một tuần lễ sau thôi, nhiều nếp văn minh của bạn đã bị đoàn ta làm xộc xệch, nếu không nói là phá vỡ.

Đã có lần, do biết ngoại ngữ, tôi nghe được mấy người quét dọn nhà vệ sinh phàn nàn: “Người Việt Nam ý thức kém quá”. Tôi xấu hổ đến tím cả mặt, liền báo ngay với vị trưởng đoàn để kịp thời uốn nắn.

Nguyên do nào tạo nên những cảnh chướng tai gai mắt đang diễn ra thường nhật?

Ví như người ta hắt nước bẩn từ trên gác xuống đường không chút e dè; nhiều cô gái xinh đẹp ăn quà xong là vứt giấy gói quà ra đường phố thản nhiên như không; nhiều bà mẹ cho con phóng uế ra đường phố một cách vô tư; nhiều cửa hiệu rửa xe máy, rửa ô tô mặc nhiên chĩa vòi phun nước ra đường, buộc người đi đường phải đi trong mưa bẩn…

Tôi nhớ câu chuyện dân gian cùng chủ đề. Một gia đình nọ có đám cưới. Khách đến, chuyện trò huyên náo. Ông hàng xóm cho con sang đó xem có bao nhiêu người, nếu đã đông đủ thì ông sang.

Một lúc, con về thưa lại: “Đám cưới chỉ có một người thôi!”. Người cha vặn hỏi: “Bên ấy ầm ĩ thế kia, sao lại nói chỉ có một?”.

Người con phân giải: “Con thấy một cái ghế nằm lật ngửa giữa lối đi. Những người qua đó nhìn thấy nó đều tránh. Chỉ có một người biết nhặt nó lên và xếp vào hàng. Con nghĩ, đám cưới ấy chỉ có một người đúng nghĩa là người, giống như một bài học mà cha đã dạy con ấy mà!”.

Người cha nghe vậy gật đầu, vui với người con đã ghi lòng bài học: “Đạo làm người không chấp nhận những ai chỉ biết lợi cho riêng mình”.

MỚI - NÓNG