Chi ơi!

Chi ơi!
TP - Hơn chục năm trước, thỉnh thoảng có người hỏi về Nguyễn Quỳnh Chi, rằng trông thế nào, tính tình thế nào, tôi thường đùa: Quá đẹp so với một phóng viên. Bông hoa đẹp đó đã rụng xuống đất rồi, ở tuổi 37.

> Kiều Bích Hương, vợ Đông của chồng Tây
> Cuộc lột xác

Phóng viên kể cả phóng viên văn nghệ hay được hình dung như những anh chị cứng cỏi, tay lăm lăm cuốn sổ ghi chép, được phép mặc quần bò vào Nhà hát Lớn mà không bị coi là lôi thôi. Quỳnh Chi trông ra dáng người làm văn nghệ song vẫn có vẻ khác biệt so với số này.

Trong một bài viết về đồng nghiệp trẻ Kiều Bích Hương mới đây nhân dịp cô ra cuốn sách Vợ Đông chồng Tây, tôi có nhắc Quỳnh Chi trong dàn phóng viên văn nghệ nói chung, và trích dẫn câu của Phạm Thị Hoài: “Đâu rồi các ký giả dấn thân, các tổng biên tập run cầm cập?”. Tôi viết rằng: “Nếu hiểu dấn thân theo nghĩa chế giễu của Phạm Thị Hoài- tìm mọi cách để đạt mục đích riêng, hoặc có được bài báo hay với bất cứ giá nào, thì kiểu phóng viên như Kiều Bích Hương hoặc Nguyễn Quỳnh Chi của báo Tiền Phong quả là những người kém dấn thân nhất mà tôi biết”. Thêm nữa, phóng viên gì mà không biết viết bịa lấy một câu!

Thủy Lê (Lao Động) tâm sự vào buổi chiều 17/4 khi vừa nghe tin dữ: “Em làm báo bao năm nhưng em nghĩ cái sang của Chi, em không học được. Không chỉ sang trong cách viết”. Thu Hà (Tuổi Trẻ) nói mà không sợ quá lời rằng Quỳnh Chi là người tài sắc nhất trong thế hệ cô. Quỳnh Hương (Phụ nữ TPHCM) bảo bất cứ bài nào Chi viết em cũng phải đọc.

Văn hóa dễ viết, khó hay. Phóng viên văn hóa phải có khẩu vị tốt, rồi cá tính giọng điệu vân vân. Quỳnh Chi thường trình cho tôi những bài báo chẳng biết biên tập vào chỗ nào. Tôi vẫn đùa rằng thỉnh thoảng phải đưa ra đây bàn tay 6 ngón cho người ta chặt bớt 1 là vừa. Nhưng người cầu toàn quá thường có điểm yếu. Điểm yếu của họ chính là sự cầu toàn đó.

Một số họa sĩ yêu mến Chi bởi cô yêu hội họa và biết cách viết về hội họa sao cho dễ đọc, giản dị nhưng lấp lánh. Người thanh thoát nên văn cũng thanh thoát nhẹ nhõm. Thủy Lê nói: “Cô ấy biết vẽ nên rất giỏi lột tả thần thái chân dung những văn nghệ sĩ mà cô ấy quan tâm yêu mến”.

Nguyễn Quỳnh Chi tại triển lãm tranh “Nhật ký một xứ sở” của chính mình
Nguyễn Quỳnh Chi tại triển lãm tranh “Nhật ký một xứ sở” của chính mình.

Chi biết nhạc lý, yêu âm nhạc nên thường ý thức sao cho bài viết có tiết tấu thậm chí nhạc điệu. Giọng phỏng vấn nhẹ như không: “Tùng cũng cận như John nhỉ ?” (hỏi chuyện ca sĩ Tùng John, chuyên hát nhạc John Lennon). Tiếc rằng những năm đó internet chưa phát triển nên không có mấy bài lưu lại trên mạng.

Năm 2003, ở tuổi 27 Chi có triển lãm tranh Nhật ký một xứ sở, trưng bày một số bức vẽ hoa- thu hoạch được sau chuyến đi Đà Lạt. Báo chí ghi lại lời tự bạch của cô: “Theo Chi tự niệm, trong mỗi con người đều có một bông hoa và hoa như một biểu tượng cho sự khát khao, hy vọng”.

Bông hoa cánh mỏng phàn nàn Tên của em nghe yếu ớt quá- một cái cành mảnh mai. Giai đoạn đau yếu nhất, khoảng năm 1999, Chi nói Em thấy mình thiếu sức khỏe, thiếu nắng, thiếu tình yêu. Giờ em chỉ dám quan tâm đến thời tiết. Người đi lại như lướt trên mặt đất và nói như thơ. Mong manh như là tia nắng. Vận chiếc áo sơ mi cổ rút đơn giản với quần jean mà trông thanh cao. Ấp ủ quá nhiều cao vọng, không sấp ngửa làm báo như mình.

Còn Nguyễn Mạnh Hà viết: “Nhiều họa sĩ đã có những mối tình cùng hoa nhưng với Nguyễn Quỳnh Chi, hoa không phải là đối tượng để tôn phong hoặc ngắm nghía, hoặc tệ hơn- bị đối xử như tĩnh vật. Hoa chính là khuôn mặt, là bản thể, là cái tôi của Chi được biệt phái đến một xứ sở khác, nhằm bảo trọng sinh mệnh hoa”. Nhận xét tinh tế. Còn họa sĩ Phùng Quốc Trí nói với tôi trong buổi tiễn đưa Chi 18/4: “Chi thực sự nhạy cảm, có năng khiếu nghệ thuật. Không được học hành bài bản về hội họa nhưng triển lãm hồi năm 2003 khiến nhiều người trong nghề ngạc nhiên”.

Trước đó, năm 2000, Chi đòi chuyển từ chế độ phóng viên sang cộng tác viên làm tôi phát cáu. Lý do là Chi cảm thấy không chịu được sức ép của báo ngày mà nếu không hằng ngày sản xuất tin bài thì sợ làm phiền cơ quan, nhận đồng lương không xứng đáng. Ba năm sau Chi nghỉ thật sự và muốn chuyển hoàn toàn theo hướng mới- vẽ tranh, làm sắp đặt. Ông Viện trưởng Viện Goethe người Đức ngày đó rất trân trọng Chi, giới thiệu cô sang Đức học một khóa ngắn hạn về nghệ thuật. Những chuyến đi đến Ý, Nhật, Đài Loan sau đó đều với tư cách một người hoạt động nghệ thuật trẻ tuổi.

Một phác thảo hoa của Nguyễn Quỳnh Chi
Một phác thảo hoa của Nguyễn Quỳnh Chi.

Ngày xưa ngay cả khi cô gái này như đang trôi trong mộng du, lúc nào tôi cũng nhận ra một con người duy mỹ và trong sáng lạ thường. Lúc nào cũng có vẻ bơ vơ lạc lõng giữa cuộc đời đầy bon chen, chông gai thử thách. Nói chung trong đời thường này, tôi ít thấy người ta có những kiểu thắc mắc quan tâm như: Sao họ không gọi là Bệnh viện An thần Trung ương mà lại gọi Bệnh viện Tâm thần Trung ương (Thường Tín) nhỉ, chữ an thần nghe có phải dịu, nhân văn hơn không. Thử chia sẻ băn khoăn ấy của Chi với ông giám đốc bệnh viện thì ông bảo: Tên qui định của quốc tế rồi.

17 tuổi bắt đầu in truyện ngắn trên Tiền Phong, 20 tuổi trở thành phóng viên chính thức của báo và chín sớm. Những tưởng cứ thế mà tiến, ngờ đâu trong sổ đoạn trường có tên. Đúng là, hại thay mang lấy sắc tài mà chi!

Tháng 11 tới đây báo Tiền Phong kỷ niệm chẵn 60 năm thành lập. Ngày đó sẽ đủ mặt thế hệ cán bộ phóng viên, từ những người khai sinh sáng lập tờ báo ở Bản Dõn (Sơn Dương, Tuyên Quang) như họa sĩ Tôn Đức Lượng, nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam, nhà văn Bùi Ngọc Tấn…Ngày đó tiếc thay không có bóng áo dài thướt tha duyên dáng của Nguyễn Quỳnh Chi người mà trong cơ quan, những ai từng biết đều yêu mến. Cũng hiếm người được như thế.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG