Chí Trung, kẻ 'chạy chợ' thời... Trung cổ

Chí Trung, kẻ 'chạy chợ' thời... Trung cổ
TPO - Chàng Romeo thủa nào chạy tới chỗ hẹn hơi muộn, vẫn tay cầm vé, tay đếm tiền, lôi thôi lếch thếch như anh bán hàng, chẳng khác gì so với lần gặp cách đây vài năm.

Và trong cuộc trò chuyện, thỉnh thoảng điện thoại vẫn reo lên chủ yếu là… hỏi về vé. Định kỳ cứ 2 năm một lần, đoàn kịch 2 Nhà hát Tuổi Trẻ do Chí Trung làm trưởng đoàn lại “hành phương Nam” với vốn liếng là những Đời cười.

Làm trưởng đoàn, lẽ ra anh phải là người chỉ đạo nọ kia cho cả đoàn, chứ ai lại trực tiếp bán vé như thế này?

- Khổ thế đấy! Có lẽ cái nghề chạy chợ ngày xưa nó đã vận vào tôi rồi nên dù có lên đến chức trưởng đoàn vẫn giữ thói quen như thế!

Nhưng xem ra phong cách tiếp thị của anh với công chúng có vẻ cổ rồi thì phải?

- Quá cổ là khác. Nếu nói cho đúng ra thì có lẽ công nghệ tiếp thị như chúng tôi thế này có lẽ có từ… thời Trung cổ. Nhưng có cách nào khác bây giờ khi để tiếp thị khán giả.

Sao anh không học hỏi cách tiếp thị của những người làm kịch phía Nam, như Phước Sang ở sân khấu kịch Sài Gòn, Huỳnh Anh Tuấn ở IDECAF hay là NSƯT Hồng Vân ở sân khấu Phú Nhuận chẳng hạn?

- Những người đó khác chúng tôi. Họ có rạp để diễn, có lượng khán giả ổn định nên công việc tiếp thị của họ thuận lợi hơn rất nhiều. Nếu chúng tôi có rạp riêng thì tôi cũng sẽ làm như họ, đầu tư tiếp thị một cách quy mô và mình chỉ phải lo cho chất lượng vở diễn.

Nhưng hiện nay, nếu phải chạy dã ngoại như chúng tôi trong vòng nửa tháng phải qua tới mười mấy tỉnh thành, biến một bãi đất trống hoang vu, một nhà văn hoá cả năm chưa có buổi diễn nào hay một rạp phim mốc meo thành một sân khấu cả nghìn người trong một đêm..., thì có lẽ họ cũng phải làm như chúng tôi. Nghĩa là cũng phải đánh trống khua chiêng gõ mõ thì mới có được khán giả.

Chí Trung, kẻ 'chạy chợ' thời... Trung cổ ảnh 1

Nhưng những công việc như thế thì chẳng lẽ lại phải cần đích danh ông trưởng đoàn ra tay thì mới hiệu quả hay sao? Chẳng lẽ quân của anh làm không được?

- Quân của tôi làm giỏi hơn tôi là đằng khác! Nhưng thời buổi bây giờ của giả nhiều lắm, những nhóm kịch theo kiểu “Treo đầu đê bán thịt chó” giờ nhan nhản nên tôi đưa quân đi người ta ít tin. Mình phải đích thân đi mới được.   

Chẳng lẽ "cái mặt" của Chí Trung lại hiệu quả đến như thế?

- Hiệu quả lắm! Tôi ra tới chợ người ta cũng nhận ra tôi, tôi tới đơn vị nào các vị lãnh đạo cũng nhận ra tôi. Tôi tiếp thị thẳng: “Chúng tôi sắp sửa diễn vở diễn này. Chúng tôi đem đoàn vào diễn ta địa phương ta, đề nghị quý vị nếu có nhu cầu thì hãy mua vé”.

Chỉ nói thế thôi nhưng người mua ào ào! Có những đêm sâu khấu đông tới cả vài ngàn người. Tôi không nói là nhờ tôi mà đoàn mới bán được nhiều vé thế bởi thương hiệu Tuổi Trẻ đã có, diễn viên tài năng mình cũng nhiều rồi, những vở diễn đều có chất lượng. Vì thế chỉ cần làm sao cho khán giả biết mình sẽ diễn ở đó giờ đó thì sẽ có khán giả ngay thôi.

Nhưng cũng có lúc anh bị từ chối chứ? 

- Có! Tôi đã từng gặp những lần đi mời mua vé, có vị giám đốc đã nói với tôi: “Chúng tôi không có nhu cầu xem kịch nhưng nể tình Chí Trung tới đây, tôi mua giùm chục vé”. Nghe nói thế tôi từ chối bán vé luôn. Tiền cũng cần nhưng cái cần hơn là khán giả. Bán cho những người không có nhu cầu xem kịch thì còn buồn hơn là không bán.

Có người nói Chí Trung vất vả như thế này chủ yếu là do muốn chức danh, muốn bổng lộc này nọ! Anh trả lời sao về chuyện này?

- Tôi đã từng nghe như thế. Nhưng như anh thấy đấy, nếu không đi lưu diễn, ở Hà Nội tôi không thiếu các show diễn, chỉ cần tham gia một tiết mục tấu hài dài chừng 15 phút hay là dẫn lời mở màn cho một chương trình nào đó chỉ chừng 5 phút, tôi đã nhận catsê dăm bảy triệu đồng.

Nhiều người bảo tôi dở hơi, có những lúc cả vợ tôi cũng không muốn tôi đưa đoàn đi. Đi như thế này bạc mặt ra để bán vé, mỗi tối được hưởng 100 ngàn đồng, quá bèo bọt so với ở nhà. Nhưng tôi vẫn hủy nhiều show diễn ở Hà Nội để đưa đoàn đi diễn.

Lý do chính tôi là trưởng đoàn, phải có trách nhiệm chăm lo cho đời sống anh em trong đoàn. Đặc biệt là những anh em nghệ sỹ trẻ, tên tuổi thì chưa có nên đâu có nhiều lời mời diễn. Họ chỉ biết dựa vào vai diễn ở đoàn. Mình đã qua thời trẻ nên mình hiểu, cần phải tạo đất diễn cho những nghệ sỹ trẻ. Nếu mình cứ tính toán để làm lợi cho bản thân thì ích kỷ quá.

Chí Trung, kẻ 'chạy chợ' thời... Trung cổ ảnh 2

Nghe nói cuối năm nay đoàn anh sẽ có rạp diễn riêng, lúc đó các anh sẽ làm gì?

- Lúc đó tôi sẽ có điều kiện để khuyếch trương, để làm kịch theo ý đồ của mình. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với chuyện chúng tôi sẽ ít đi lưu diễn hơn, khán giả các tỉnh sẽ ít gặp chúng tôi hơn.

Vậy là các anh bỏ quên khán giả ở tỉnh?

- Không phải là bỏ quên, chúng tôi cũng sẽ đến nhưng không phải theo kiểu diễn dạo, diễn cơ động theo kiểu hiện nay. Đi lúc đó phải hoành tráng, đàng hoàng. Khán giả ở tỉnh cũng có thể thưởng thức những vở kịch lớn, quy mô với tất cả lệ bộ y như khi chúng tôi diễn ở Hà Nội.

Rồi như NSND Lê Hùng đã từng mong muốn sẽ xây dựng một rạp hát của riêng Nhà hát Tuổi Trẻ tại TPHCM, lúc đó khán giả TP sẽ được thưởng thức thường xuyên các vở diễn của nhà hát Tuổi Trẻ.

Nói riêng về khán giả kịch tại TPHCM, anh thấy khán giả trong này có gì khác so với khán giả ngoài Bắc không?

- Về thưởng thức kịch thì tôi thấy không khác lắm. Nhưng ở trong này hình như khán giả gắn bó với một nhà hát có vẻ nhiều hơn. Các sân khấu hoạt động ở đây thường có một lượng khán giả nhất định. Chính vì thế nên hoạt động rất ổn định.

Nếu Nhà hát Tuổi Trẻ có rạp riêng ở trong này thì tôi tin tình hình cũng sẽ như thế. Một vấn đề nữa mà tôi thấy là ở trong này hình như khách hàng của quán nhậu nhiều hơn thì phải. Chuyện cũng lạ, ở quán nhậu thì quanh năm chỉ có một kịch bản duy nhất và lời thoại thì chỉ có 4 từ “Một hai ba…dzô” vậy nhưng khách cứ thường trực quanh năm.

Trong khi đó các sân khấu kịch thì thay đổi kịch bản liên tục, lời thoại lại rất hay nhưng vẫn không đủ sức sáng đèn. Đi ngang quán nhậu tôi đã lẩn thẩn nghĩ: “Chỉ cần khách ở một quán nhậu lớn tại TP ủng hộ kịch thì đủ sức để cho 10 đoàn kịch sáng đèn quanh năm”.

Vậy anh cho rằng những quán nhậu đã lấy mất khách của kịch?

- Tôi không cho là như thế! Hiện nay đời sống người dân đã nâng cao nhưng mới chỉ dừng lại ở mức no đủ. Chính vì thế những nhu cầu lớn hơn như giải trí, đặc biệt như giải trí thẩm mỹ ở mức cao như xem kịch vẫn chưa đến với họ. Theo thời gian, tôi tin kịch sẽ có vị trí xứng  đáng.

Trở lại với vấn đề chất lượng? Những vở kịch hài của đoàn anh được khán giả rất yêu thích. Nhưng cái ranh giới giữa hài và tục rất gần nhau, các anh làm cách nào để giữ được cho cân bằng?

- Mỗi khi có vở kịch mới, chúng tôi đều cho các anh em diễn viên tham gia ngay từ đầu, góp ý cho việc xây dựng kịch bản dưới sự góp ý của anh Lê Hùng, của Lê Khanh hay là cả… tôi.

Vì thế khi diễn người diễn viên nào cũng có cơ hội khả năng phát huy tài năng của mình. Bên cạnh đó, chúng tôi giám sát chặt từng vai diễn. Các diễn viên hóa thân vào nhân vật nhưng không thể  diễn cương, diễn lố vượt ra ngoài kịch bản.

Ngoài ra, trong mỗi đêm diễn, các nhân viên của tôi đều phải ra cùng với khán giả. Chỉ một khán giả bỏ về thì cũng có nhân viên của tôi chạy theo hỏi khá chân tình: “Vì sao anh lại về?”.

Mỗi khi tan vở diễn, các nhân viên của tôi đều đi theo từng nhóm người, nghe họ bình luận. Từ những khảo sát khán giả theo kiểu bỏ túi nho nhỏ như thế, chúng tôi rút ra rất nhiều kinh nghiệm để làm kịch.

Anh thường nói vẫn mơ ước được làm những vở diễn lớn, đóng những vai để đời như kiểu Romeo ngày xưa? Nhưng cứ phải quanh quẩn với hài và hài, liệu sự hưng phấn có bị giảm đi nhiều không?

- Tôi cũng đang sợ như thế! Tuy rằng hài không phải là thứ ăn xổi, làm hài cho hay cũng rất khó. Nhưng là nghệ sỹ kịch, ai chẳng mong sẽ có được vai diễn lớn. Hiện tại chúng tôi chấp nhận làm hài, nhưng trong tương lai khi có rạp riêng, có đất để…làm ăn thì tôi tin tôi sẽ làm được. An cư mới lạc nghiệp mà. Tôi tin như thế!

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này.  

Trọng Thịnh
Thực hiện

MỚI - NÓNG