Chí Trung và dấu ấn gần một thập kỉ đóng Táo

TPO - Tên tuổi danh hài Chí Trung từ lâu đã ‘đóng đinh’ với hình ảnh một Táo Quân phốp pháp, vui tính, đôi khi còn ‘lạc quan tếu’ khi nói về những vấn đề nóng bỏng của xã hội.  

Dù được khán giả biết đến rộng rãi với vai Táo Giao thông, nhưng từ đầu, đây vốn không phải là vai diễn dành cho nghệ sĩ hài Chí Trung. Trong 2 số đầu tiên phát sóng vào năm 2003 và 2004, người vào vai Táo Giao thông để bẩm báo với Ngọc Hoàng về những vấn đề cầu đường nhức nhối là danh hài Quang Thắng.

Sau đó, kể từ năm 2005 đến 2013, danh hài Chí Trung hầu như đều được giao đảm nhận vai Táo Giao thông và tên tuổi của anh cũng dần "đóng đinh" với thương hiệu này. Sự xuất hiện của anh trên sân khấu Táo Quân’ trong vai Táo Giao thông được nhiều khán giả coi là đương nhiên, năm nào cũng thế.

Đầu năm ngoái, Chí Trung bất ngờ tuyên bố dừng đóng Táo khiến không ít người tỏ ra tiếc nuối trước sự biến mất của hình ảnh Táo Giao phốp pháp, vui tính, đôi khi còn "lạc quan tếu" khi nói về những vấn đề nóng bỏng của ngành cầu đường.

Năm 2005

Đây là năm đầu tiên Chí Trung lên chầu trong vai trò Táo Giao thông với trang phục truyền thống, kết hợp với những phụ kiện mang phong cách cảnh sát giao thông là còi và dùi cui trắng đỏ.

Vừa xuất hiện trên Thiên đình, Táo Giao thông đã ngay lập tức bị Ngọc Hoàng nhiếc móc vì cách phân luồng giao thông bất hợp lý, nạn mãi lộ diễn ra công khai, cột đèn cũ chưa nhổ đi, cột đèn mới đã cắm xuống,..v…v…

Tuy có vẻ ngoài đồ sộ, nhưng trước những câu hỏi "xoáy" của Ngọc Hoàng và lời "đá đểu" của Nam Tào, Bắc Đẩu, Táo Giao thông vẫn ‘luồn lách’ ngon lành, dễ dàng chuyển bại thành thắng.


Màn lên chầu của Táo Giao thông Chí Trung trong Táo Quân 2005. (Nguồn: Youtube)

Năm 2006

Dù chuyển từ vai Táo Giao thông sang Táo Xây dựng với những vấn đề nóng bỏng không kém, nhưng Chí Trung vẫn giữ nguyên "chất" của mình, từ phong thái đến điệu bộ.

Bằng giọng điệu lý sự cùn, Táo Xây dựng bao biện cho việc mình xây nhà chung cư chắn trận địa pháo phòng không rằng đó là cách tạo… "cành lá ngụy trang" cho trận địa, hay dự định thay tất cả cốt sắt của các cọc tiêu trên đường quốc lộ bằng lõi tre để… đảm bảo an toàn cho anh em lái xe nếu có lỡ đâm vào.

Với Táo Xây dựng, việc cắt xén thép của công trình cũng có 2 loại, là "rút" và "bớt". “Rút, là lấy hết. Còn bớt, là vẫn để lại một ít để đảm bảo cho công trình xây dựng còn chút chút sắt thép.”

Táo Xây dựng: “Rút, là lấy hết. Còn bớt, là vẫn để lại một ít để đảm bảo cho công trình xây dựng còn chút chút sắt thép.” (Nguồn: Youtube)

Năm 2007

Trở lại với sân khấu Táo Quân lần này, nghệ sĩ Chí Trung được giao đảm nhiệm một vai diễn khá lạ - Táo Quan chức, tức là đại diện cho những người mà theo cô Đẩu là “chuyên giải quyết những việc đơn giản của dân theo một cách hết sức lằng nhằng”.

Tuy không có nhiều đất diễn nhưng Chí Trung vẫn gây ấn tượng với khán giả bởi vòng 2 phát tướng, bộ răng chuột trù, cặp kính trễ cùng ca khúc "Bài ca phong bì" được phổ nhạc theo bài hát "Mong đợi ngậm ngùi".

Chí Trung và dấu ấn gần một thập kỉ đóng Táo ảnh 1

Chí Trung (thứ 4 từ phải sang) vào vai Táo Quan chức. Ảnh: vietbao.vn

Năm 2008

Chí Trung được "trả lại tên cho em" khi lại một lần nữa đảm nhiệm vai Táo Giao thông.

Với điểm nhấn nổi bật của ngành giao thông năm trước đó là việc ban hành quy định đội mũ bảo hiểm bắt buộc, Chí Trung xuất hiện trên sân khấu với bộ trang phục quen thuộc, nhưng chiếc mũ Táo Quân lại được thay bằng mũ bảo hiểm.

Để báo công với Ngọc Hoàng về thành tích nổi bật của mình, bài hát Nga quen thuộc "Triệu đóa hồng" đã được Táo Giao thông chế thành "Triệu triệu chiếc mũ", nói về những lợi ích to lớn mà việc đội mũ bảo hiểm mang lại cho người dân, từ giảm thiểu tai nạn cho người đi đường đến tăng thêm thu nhập cho giới trông xe khi có thêm… tiền trông mũ.


Táo Giao thông thể hiện ca khúc "Triệu triệu chiếc mũ".
(Nguồn: Youtube)

Năm 2009

Để tạo sự đổi mới, những người thực hiện chương trình Táo Quân đã biến buổi chầu năm này thành một cuộc thi sắc đẹp có tên "Hoa hậu Táo", gọi tắt là "Hoa Táo" – "Miss Apple".

Thí sinh mở màn – Táo Giao thông xuất hiện với điệu múa cung đình uyển chuyển, khuôn mặt trắng bóc với cặp má hồng, trên tay là hai bông hoa sen.

Miss Giao thông thể hiện màn thi tài năng bằng một tiết mục ảo thuật được quảng cáo là "điêu luyện đến mức kỹ xảo", đó là màn rút tiền ra khỏi tập giấy tờ của người vi phạm luật giao thông với tên gọi "Tiền đi, giấy tờ ở lại" và màn biến đường bằng thành lô cốt trong đêm để sáng hôm sau người dân không kịp "trở tay thay quần áo".

Màn thi ảo thuật của Táo Giao thông. (Nguồn: Youtube)

Năm 2010

Khác với vẻ hớn hở thông thường, lần này Táo Giao thông xuất hiện với khuôn mặt rầu rĩ và ngay lập tức xin Ngọc Hoàng được từ chức vì quá bất lực trước tình cảnh giao thông không gì cứu vãn nổi.

Thế nhưng sau đó, qua sự tung hứng với Táo Quy hoạch, khán giả mới vỡ lẽ hóa ra màn xin từ chức của Táo Giao thông chỉ là chiêu bài để mong Ngọc Hoàng rủ lòng thương và không nhiếc móc.

Táo Giao thông tái hiện tình hình đi lại dưới hạ giới với điệp khúc "Đâm chết ngay". (Nguôn: Youtube)

Năm 2011

Lại một lần nữa, chương trình Táo Quân tự làm mới mình với format Táo Idol, dựa trên nguyên mẫu cuộc thi Vietnam Idol.

Táo Giao thông – thí sinh đầu tiên sau khi thể hiện phần thi hát của mình với ca khúc phổ nhạc "Da nâu" đã vấp phải những lời chê thậm tệ của Ban giám khảo. Cuộc thi tài năng từ đó biến thành một cuộc tranh cãi căng thẳng nhưng vẫn không kém phần hài hước và kết thúc bằng vẻ mặt trầm uất pha tự kỉ của Táo Giao thông.

Phần thi tưởng đã kết thúc, nhưng Táo Giao thông bất ngờ quay lại, xin Ban giám khảo một cơ hội và trình bày ca khúc thể hiện nỗi khổ của ngành mình dựa trên nền nhạc "Unbreak My Heart" rồi… gục luôn trên sân khấu.

Táo Giao thông nói lên nỗi lòng mình qua ca khúc phổ nhạc "Unbreak My Heart" (Nguồn: Youtube)

Năm 2012

Khác với vẻ u uất của năm trước, năm nay, vừa lên chầu Táo Giao thông đã xởi lởi tặng quà cho Nam Tào, Bắc Đẩu, Ngọc Hoàng, người thì nhận được thẻ Member Ship tham gia giao thông miễn phí một năm dưới hạ giới, người thì được tặng một xô cá – sản phẩm của các anh giao thông sau khi áp dụng biện pháp quăng lưới bắt người vi phạm.

Chí Trung và dấu ấn gần một thập kỉ đóng Táo ảnh 2

Táo Giao thông và Nam Tào diễn cảnh quăng lưới bắt người vi phạm.
Ảnh: Lao động

Đây có lẽ là năm Táo Giao thông tái hiện rõ nét nhất hình ảnh Bộ trưởng Bộ Giao thông Đinh La Thăng qua việc vi hành bằng xe buýt hay thẳng tay "trảm" tướng nếu không làm được việc.

Táo Giao thông xuất hiện bất ngờ, ra đi "chớp nhoáng" trong Táo Quân 2012. (Nguồn: Youtube)

Năm 2013

Đây là năm cuối cùng Chí Trung đảm nhận vai Táo Giao thông, tính đến thời điểm hiện tại.

Không còn lên chầu đơn lẻ như những lần trước, Táo Giao thông cùng các Táo khác xuất hiện theo phong cách của Ban giám khảo chương trình Giọng hát Việt – The Voice.

Chí Trung và dấu ấn gần một thập kỉ đóng Táo ảnh 3

Táo Giao thông Chí Trung đóng vai giám khảo The Voice với 2 chiếc nhẫn kim cương "khủng" nhái Đàm Vĩnh Hưng. Ảnh: Afamily

Bài thơ hài hước của Táo Giao thông về tình hình thu tiền phạt giao thông trong năm qua. (Nguồn: Youtube)

Năm 2014

Rời bỏ vai Táo Giao thông, Chí Trung bất ngờ chuyển sang đóng Táo Điện lực, có vai trò phản biện những ý kiến kêu ca của nhân dân về ngành điện.

Chính bởi vậy, vai Táo Điện lực của Táo Quân 2014 đã phần nào bớt đi tính hài hước mà thay vào đó là đưa ra những thông điệp vĩ mô về an ninh năng lượng.

Chí Trung và dấu ấn gần một thập kỉ đóng Táo ảnh 4

Chí Trung (ngoài cùng bên trái) đen đúa vì bị giật điện trong vai Táo Điện lực. Ảnh: Vnexpress

Nếu như năm ngoái, Chí Trung cho biết không đóng Táo Giao thông nữa vì nghệ sĩ hài thường phê phán, mà tình hình giao thông năm trước đó đã khá hơn rất nhiều, thì liệu với tình hình giao thông phức tạp của năm 2014, năm nay Chí Trung có quay trở lại với hình ảnh Táo Giao thông quen thuộc nữa  hay không?

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.