Chia tay Tô Hoài - người của giai thoại

Hình ảnh trong buổi chia tay nhà văn của người lớn và trẻ em sáng 17/7
Hình ảnh trong buổi chia tay nhà văn của người lớn và trẻ em sáng 17/7
TP - Đám tang Tô Hoài, người viếng quá đông trong buổi sáng Hà Nội mưa ngập, cây cổ thụ đổ ở phố Hàng Dầu. Phút truy điệu bắt đầu, bất ngờ giai điệu “Bài ca trên núi” vang lên da diết.

Có lẽ một người “gì cũng biết” như Tô Hoài cũng “khó đoán” rằng ca khúc nổi tiếng (nhạc: Nguyễn Văn Thương, lời: Tô Hoài) trong phim Vợ chồng A Phủ (kịch bản: Tô Hoài) lại vang lên trong bối cảnh này. Và là giai thoại cuối cùng trong cuộc đời gần trăm năm của ông.

1/ Nhiều người nói về sự khôn ngoan hiểu đời của Tô Hoài. Vũ Quần Phương bảo, là người thuộc đời nên Tô Hoài đối xử với cuộc đời theo kiểu tương kế tựu kế, chẳng gì làm ông ngạc nhiên hay bối rối.

Hoàng Ngọc Hiến còn dùng từ mạnh hơn. Lần gặp tại nhà riêng Hoàng Ngọc Hiến, lần đầu tiên tôi nghe ông gọi Tô Hoài là một trong hai người lõi đời nhất Việt Nam. Người thứ nhất tôi không tiện nêu tên và theo Hoàng Ngọc Hiến, Tô Hoài có phần lõi đời hơn cả người này. Tất nhiên chữ lõi đời ông Hiến hàm ý khen.

Dịch giả Vũ Đình Bình bảo: “Trong Hội Nhà văn người ta hay nói về Tô-Đình-Kiên” ba người khôn nhất. Tô là Tô Hoài, Đình là Nguyễn Đình Thi, Kiên là Nguyễn Kiên. Tôi thấy lạ là nhiều người nói về sự khôn như một nhược điểm. Vấn đề là tốt hay xấu chứ khôn thì đã sao, chả nhẽ không khôn”.

Tôi đã đôi lần gặp Tô Hoài, thấy ông chẳng bao giờ ngại hụych toẹt chính kiến của mình, cũng chẳng cần đắc nhân tâm làm gì. Thế có phải là khôn?

Lâu lắm rồi, hồi ấy Hội Nhà văn tổ chức cho nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng làm buổi lễ tìm mộ Nam Cao ngay tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu. Trong khi lãnh đạo Hội thành kính xì xụp thì Tô Hoài cười nhếch mép, không ngán bình luận vài câu đưa báo và ra về khá sớm.

Tôi với ông đang đứng ở cổng trụ sở Hội nói tiếp chuyện ngoại cảm thì một cô gái ngang qua “Bác có nhớ cháu không...”. Cô gái đi, Tô Hoài bảo: “Các cô cậu bây giờ lạ thế, cứ bắt người già phải nhớ ra mình”.

Lúc ấy tôi chưa biết Tô Hoài có tật không nhớ đường và mặt người như ông thú nhận sau này. Song thực tế là chúng ta vẫn thường hồn nhiên tiện đâu nói đấy như vậy. Nên tự răn mình ngay rằng giả dụ về sau có gặp ông để phỏng vấn hay gì đó, sẽ không bao giờ nói: “Bác nhớ cháu không, cháu từng gặp bác ở và đã nói chuyện về...”, mà phải vào đề luôn.

2/ Tô Hoài nói ông luôn muốn viết chuyện phong tục, lồng phong tục trong sách của mình. Cuốn Chiều chiều có chi tiết kể Đảo hoang khi dịch ra tiếng Nga, người dịch Marich thắc mắc hỏi ông rằng ngôi sao “gông cỏ” trong truyện ở vị trí phương hướng nào trên trời, mọc lúc mấy giờ.

Tô Hoài viết: “Tôi moi đâu ra tài liệu về sao gông cỏ. Chỉ bởi tôi muốn bạn đọc thiếu niên ta phân biệt gánh cỏ, quang cỏ, bó cỏ gông cỏ. Gông cỏ là một từ cổ. Tôi bịa tên ngôi sao cốt làm bạn đọc chú ý chữ gông”. Và tiếp: “Tôi không thể bảo cho người bạn nghiêm túc biết cái ẩu ma mãnh của tôi. Tôi đã cắt nghĩa ba hoa cho Marich rằng...”.

Đó, đó chính là lý do Tô Hoài được bạn đọc nhớ mãi, khi mà tuổi thơ của họ qua lâu rồi. Tôi nhớ cảm giác thèm thuồng của mình khi đọc Đảo hoang đoạn tả món rau ngót nướng. Sao mà ngon, lạ, bổ đến thế, giúp anh em chú bé Mon cầm cự trên đảo.

Ngoài đời, không chắc Tô Hoài từng chế biến và xơi ngót nướng bao giờ, và đó là cái tài của nhà văn. Dương Thu Hương cũng giỏi tả món ăn, chẳng hạn món ếch nêm tương trong Hành trình ngày thơ ấu. Dương Thu Hương tả hấp dẫn, câu độc giả còn vẻ “Việt Nam phong tục” của Tô Hoài dân dã và độ tin cậy cao. Không chỉ là câu chuyện tu từ.

Buổi sáng 17/7, nhiều cô cậu bé đã ôm ảnh bìa Dế mèn phiêu lưu ký trước ngực vào viếng nhà văn yêu thích của họ. Đây là cách ban tổ chức tôn vinh người quá cố- một cuốn sách được bao thế hệ truyền đọc là niềm hạnh phúc lớn của một nhà văn Việt Nam. Nghe nói có người tình cờ gặp, nhận ra Tô Hoài bèn khoe “Cháu đọc bác rồi đấy”, Tô Hoài nói với bạn đồng hành “Cả ông và bố cậu ấy đều đã đọc tôi ấy chứ”.

 3/ Khoảng hai chục năm trước, Tô Hoài viết bài in báo Tiền Phong Chủ Nhật có đoạn về nhà văn Vũ Trọng Can. Gia đình nhà văn có ý không bằng lòng, muốn nói lại. Tôi đến gặp họ để thông tin đa chiều. Trên đường về, cứ nghĩ mãi chuyện một nhà văn nên viết bất cứ gì miễn là sự thật hay chỉ sự thật êm ái.

Nhà văn Phùng Quán cũng kể tôi nghe chuyện gia đình Đoàn Phú Tứ từng tỏ thái độ khi ông viết đầy ưu ái và có chi tiết tả chiếc giường thì phải, nói lên gia cảnh khó khăn của Đoàn Phú Tứ. Phùng Quán nói “Hồi đó ai chả nghèo, nhưng họ không chịu. Tôi mới bảo được, tôi sẽ viết cải chính rằng Đoàn Phú Tứ không hề nghèo đồng thời cũng không hề hay ho như thế”.

Nhiều chuyện trong Cát bụi chân ai Tô Hoài in Tiền Phong Chủ Nhật dạo xưa cũng bị gia đình Xuân Diệu phản ứng. Cù Huy Hà Vũ còn bực bội những tiểu tiết như: Có đứa trẻ thấy Xuân Diệu ăn kẹo thèm lắm nhưng Xuân Diệu lờ đi. Về sau Vũ viết: “Đứa trẻ đó chưa ăn kẹo rồi nó sẽ ăn, còn nhà văn phải ăn để có sức phục vụ bạn đọc”. Nguyễn Việt Hà bình: Vũ đúng là con nuôi Xuân Diệu! (Dạo đó rộ lên tranh chấp nhà cửa và nhiều người không tin anh này là con nuôi Xuân Diệu như đã nhận).

Ở đám tang Tô Hoài, gặp nhà phê bình Nguyễn Hoàng Đức, tôi hỏi anh câu đó: “Nhà văn phải chọn sự thật để miêu tả?” Anh cho rằng người trưởng thành phải “viết tất”. “Người Việt tâm lý làng xã, e ấp, ve vuốt cho nên chỉ thích viết mặt tốt. Viết để lấy tình cảm là chính”. (Tình cảm của đối tượng lẫn bạn đọc).

Một nhà phê bình khác, rất nổi tiếng, lại nói: “Chỉ viết về cái tốt cái hay của người khác thì chính mình đỡ mệt”. Tôi mời ông viết hoặc nói về Tô Hoài, ông bảo lúc này ông sẽ chỉ nói những điều giao đãi, về sau không nói lại được, mà giao đãi thì ông không muốn. Có lẽ người viết nào cũng từng băn khoăn lựa chọn sự thật nào để kể ra khi hồi ức về người khác.

Nghe kể có người viết rất nặng về Tô Hoài nhưng ông vẫn đồng ý cho in. Tôi nghĩ cuối cùng thì Tô Hoài vẫn là ông. Có thể ông không thích bài đó nhưng chẳng ngán ngại gì cả hoặc ít ra cũng muốn chứng tỏ như vậy. Ông là Tô Hoài cơ mà!

Điều chắc chắn, Tô Hoài là một trong những nhân vật thú vị nhất giới nhà văn Việt Nam. Ai gặp hoặc thậm chí chưa gặp cũng nhớ được một lô giai thoại, trích dẫn.

Để khép lại, xin trích dẫn một lời khen mà theo Nguyễn Huy Thiệp, là hay nhất về cuốn sách best-seller Cơ hội của Chúa. Số là khi mới ra mắt, nó được khen và bị đánh mạnh như nhau.

Tô Hoài nhận xét: “Cuốn đó Nguyễn Việt Hà viết về Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín đấy chứ”. Át hết giọng phủ định khác, một cách nhẹ như không.

Nói theo giọng chưởng, cao thủ chỉ cần ném cái hoa cái lá cũng khác nào đại đao, trở thành “sát chiêu”!

MỚI - NÓNG