Chiếc khóa

Chiếc khóa
TP - Trong những năm gần đây, truyện cực ngắn đã trở thành một thể loại được ưa thích vào loại bậc nhất tại Trung Quốc.

Nhiều cuộc thi truyện cực ngắn được tổ chức trên các báo, các trang mạng được hưởng ứng mạnh mẽ. Hàng năm, các tuyển tập liên tiếp ra đời và được đón nhận nhiệt liệt.

Truyện cực ngắn Trung Quốc thường có sự dồn nén cả về tình tiết truyện và cảm xúc, để rồi bung phá, giải tỏa, đưa tới thông điệp mạnh mẽ ở cuối truyện. Chúng được yêu mến vì gần với nhân tình thế thái, sức lan tỏa rộng.

Hai truyện ngắn sau đây là tiêu biểu cho phong cách ấy. (L.A.H)

Chiếc khóa

Ai mà chả có lúc sơ ý cơ chứ. Lão Trương đi ra ngoài múc nước, thuận tay đóng cửa “sầm” một cái, cửa đóng rõ chặt. Ông bê chậu nước rửa mặt, cứ đứng nghệt mặt ra ở trước cửa. Những người hàng xóm nhiệt tình đến giúp ông, nhưng làm mọi cách mà cửa vẫn cứ đóng im ỉm.

Chị chồng tôi cũng ở trong đám đông ấy, chị chớp chớp mắt, bỗng cười vang, chị tiến đến trước mặt lão Trương nói điều gì đó rất bí mật, rồi trong phút chốc chị lao ra sân phía Nam. Lão Trương đang rầu rĩ bỗng tươi tỉnh trở lại, nhưng lại tỏ ra khó xử. Chị chồng tôi vẫy vẫy tay, gọi mấy đứa bảo đưa Lý Tiểu Xuyên ở sân phía Nam đến.

Minh họa: Lê Trí Dũng
Minh họa: Lê Trí Dũng.

Tiểu Xuyên mấy năm trước, vì tội ăn trộm nên bị tù một năm. Bây giờ anh ta lặng lẽ ít nói, cứ cắm cúi làm việc ở xưởng và không thấy ai nói anh ta còn làm cái việc khuất tất kia nữa. Thường ngày người ta rất ít nhắc đến anh ta, dường như ở khu sân này không hề tồn tại cái con người ấy.

Anh ta chẳng hiểu mô tê gì, cứ bị người ta đẩy đến trước cửa nhà lão Trương. Trên mặt chị chồng tôi hiện ra nụ cười gượng gạo, chị vừa lôi Tiểu Xuyên vừa khoa chân múa tay. Lão Trương vụng về rút điếu thuốc lá nhét vào miệng Tiểu Xuyên. Mọi người ra sức cổ vũ Tiểu Xuyên mở khóa cửa.

Tiểu Xuyên hơi đỏ mặt, trên mũi lấm tấm mấy hạt mồ hôi. Anh ta cúi đầu, tay thọc trong túi áo, môi mím chặt, một chân cứ nhảy lò cò trên mặt đất. Hàng xóm chờ đợi hy vọng, những ánh mắt hiếu kỳ rọi thẳng vào người anh ta, bỗng chốc chung quanh trở nên yên tĩnh lạ thường.

Cuối cùng, Tiểu Xuyên hạ quyết tâm, từ từ ngẩng đầu lên, trên mặt lộ vẻ khác lạ – dường như muốn cười nhưng không cười được. Anh ta lấy tay quệt mồ hôi trên mũi, hỏi mọi người mượn một lưỡi cưa cũ.

Anh ta chậm chậm giơ tay lên, như đang xách vật gì nặng nghìn cân. Mọi người chú ý theo dõi từng động tác của anh ta, những người đứng xem ở phía sau xô đẩy nhau, kiễng chân để nhìn cho rõ… Anh ta bỗng nhiên nhắm mắt lại, chiếc lưỡi cưa nhẹ nhàng đút vào khe cửa, tay kéo mạnh một cái. Mọi người còn chưa rõ là chuyện gì, thì cánh cửa nhà lão Trương bung ra. Những âm thanh “phì phì” chẳng biết có ý nghĩa gì phát ra từ miệng mọi người. Tiểu Xuyên gạt mọi người, cúi đầu đi về sân phía Nam. Tôi thấy chị chồng tôi lại nháy mắt, liếc nhìn mọi người với đầy ngụ ý, đoạn vội vàng theo gót Tiểu Xuyên. Chị cười cười nhưng lại làm ra vẻ không cố tình, hỏi Tiểu Xuyên có biết mở khóa số không.

Tiểu Xuyên đứng lại. Đôi mắt anh ta trở nên lạnh lùng, lạnh lùng, ánh mắt như thấu hiểu tâm địa người ta, chậm rãi nhìn trừng trừng, khiến bộ mặt tươi cười của chị chồng tôi xỉu đi, rồi anh ta lại từ từ đi ngang qua đám đông, khóe miệng đau khổ phát ra tiếng cười khẩy nặng nề.

“Pằng” một tiếng, chiếc lưỡi cưa gẫy làm đôi. Tiểu Xuyên quăng mạnh chiếc lưỡi cưa vào rãnh nước xa xa, như vứt một vật vừa nặng nề vừa nhơ bẩn vậy. Trong khoảnh khắc ấy, tôi phát hiện ra ngón tay của anh ta có vết máu đỏ. Lòng tôi se lại. Tôi dường như chạy về nhà. Tôi tựa hồ cảm thấy, trái tim tôi đang nhỏ máu…

Ngày hôm sau, cửa nhà chị chồng tôi và nhà lão Trường đều thay bằng khóa số.

Lê Huy Tiêu (dịch)

Hoa tháng Năm

Một buổi chiều ngày lễ thanh minh, đồng chí La Đồng, trưởng thị trấn cho gọi tôi đến trước cửa văn phòng, bảo tôi cùng đồng chí ấy đến nghĩa trang liệt sĩ Hoa tháng Năm. Tôi vừa được chuyển về đây công tác không lâu, cái tên “Hoa Tháng Năm” rất đẹp đã cuốn hút tôi.

Minh họa: Lê Trí Dũng
Minh họa: Lê Trí Dũng.

- Thưa gọi xe chứ ạ? - Tôi hỏi trưởng thị trấn.

- Không cần - Ông ấy nói.

- Hay gọi taxi?

- Đi bộ thôi.

Chúng tôi men theo bờ sông sạch sẽ đi về hướng đông. Tiết thanh minh được bàn tay của tạo hóa tô điểm, bầu trời trở nên trong xanh điểm xuyết ánh vàng tơ rất đẹp. Chúng tôi đi chầm chậm. Đồng chí trưởng thị trấn tỏ ra rất bình thản, còn tôi thì rất hưng phấn.

- Thời em còn quàng khăn đỏ, mỗi năm cứ đến tiết thanh minh đều được đi tảo mộ - Tôi nói.

- Ừ, trước kia… đó là truyền thống - Thị trưởng nói.

- Bây giờ, hình như… - Tôi thấy nét mặt trưởng thị trấn có vẻ xúc động, nên tôi ngừng không nói nữa.

- Hình như cái gì? - Ông quay lại hỏi tôi.

- Hình như người đi ít đi rồi… - Tôi nhẹ nhàng đáp.

- Sẽ nhiều lên đấy.

Chúng tôi đều im lặng không nói.

- Vì sao trưởng thị trấn bỗng nhiên muốn đi nghĩa trang? - Không sao im lặng được nữa tôi lại hỏi.

- Bỗng nhiên? Ừ, mình bỗng nhiên muốn đi xem xem…

Tôi thấy mình hỏi quá ngớ ngẩn, trong bụng hơi lo. Trưởng thị trấn nhìn tôi với ánh mắt thông cảm, khiến tôi mạnh dạn, quyết định hỏi ông thêm mấy chuyện nữa mà tôi suy nghĩ bấy lâu.

- Thưa trưởng thị trấn…

- Hả?

- Sao đồng chí lại không dọn nhà đến khu nhà dành cho các thủ trưởng thành phố?

- Mình không có tiền thuê nhà - Ông cười cười, nói.

Ông ấy không muốn nói cho mình biết, tôi nghĩ vậy. Tôi lại hỏi tiếp:

- Nghe nói ở trên tỉnh, đồng chí đã từng giữ chức phó giám đốc?

- Ừ.

- Thế sao đồng chí lại xin về thị trấn nhỏ hẻo lánh làm chức vụ trưởng thị trấn?

- Ở đây không khí trong lành.

Không còn cách gì để hỏi nữa, nhưng tôi vẫn chưa chịu từ bỏ:

- Con gái độc nhất của đồng chí về quê lấy chồng, có phải không ạ?

- Phải?

- Sao không bố trí cô ấy ở thành phố để được gần gũi, tiện chăm sóc đồng chí?

- Mình muốn ở lại nông thôn trồng rau cung cấp cho mình ăn - Mình là con người chỉ nghĩ cho mình.

Tôi không muốn hỏi gì nữa.

Nghĩa trang liệt sĩ Hoa Tháng Năm đây rồi. Rừng tùng bách bao quanh nghĩa trang, mặt đất phủ lớp cỏ xanh mướt. Giữa nghĩa trang có một tấm bia đá xanh. Chúng tôi đi về hướng đó.

Trên bia ghi rõ “Bia kỷ niệm liệt sĩ tử trận ở sông Hắc Lưu” dưới dòng chữ ấy là tên họ các liệt sĩ. Tôi đọc từng hàng một. Bỗng nhiên, một cái tên đập vào mắt tôi: La Đồng! Tôi xúc động quá, quay lại nhìn trưởng thị trấn cũng đang bị kích động, hỏi một cách kính trọng:

- Người này trùng tên với trưởng thị trấn?

- Không, đúng là mình đấy.

- Em không hiểu…

Ba mươi bảy năm về trước chúng mình đã đánh một trận ác liệt ở đây. Lúc ấy mình là tiểu đoàn phó, dẫn 167 đồng chí phá vây, nhưng toàn tiểu đoàn đã hy sinh, đương nhiên, có mình trong đó… Về sau, mình tỉnh lại, nhờ trận mưa to mà tỉnh lại đó. Mình phát hiện ra mình vẫn còn sống, chỉ bị một vết thương ở bụng. Mình cố bò về phía trước, bà con dân làng đã cứu mình khiêng về bệnh viện. Y bác sĩ đã cứu sống mình, nhưng các đồng chí ở đơn vị cứ nghĩ là mình đã hy sinh… Sau giải phóng, người ta dựng một tấm bia ở đây, tên mình và tên các đồng chí đã hy sinh đều được khắc vào đó. Chú đến mà xem - trưởng thị trấn trỏ tấm bia bảo tôi:

- Đây là Lưu Nhị Ngưu, anh ta là một xạ thủ súng máy cừ khôi, rất dũng cảm, chúng tôi gọi anh ấy là “tay súng trâu”. Đây là Lỗ Tân Cương, một liên lạc viên rất láu cá và thông minh, mới 17 tuổi; đây là Mã Quang, trung đội trưởng, trong bụng đầy thơ với văn…

Tôi ứa nước mắt.

Trưởng thị trấn lại nói tiếp: “Sau giải phóng, mình và một nhà thơ cùng đến đây thăm nghĩa trang, lúc ấy là tháng 5, mặt đất nở đầy hoa bồ công anh vàng và đỏ, ông nhà thơ bèn bảo nên gọi nghĩa trang này là “Nghĩa trang liệt sĩ Hoa Tháng Năm”. Chính ngày hôm đó, mình mới nhìn thấy tên mình ở trên bia. Mình đã khóc. Được ở cùng các bạn chiến đấu đã hy sinh, mình rất hạnh phúc… Giọng nói của trưởng thị trấn nghẹn lại. Tôi cảm thấy máu trong lồng ngực đang sôi lên. Mấy phút sau, trưởng thị trấn hỏi tôi:

- Chú nói xem, một người chết có thể còn yêu cầu này nọ được không?

- Không thể - Tôi dè dặt trả lời.

- Có thể đòi hỏi xe sang, nhà to, quan lớn, có thể dùng quyền lực để làm chuyện tày đình được không?

- Không thể.

- Đúng, không thể. Tôi là người đã chết, cũng giống như các bạn chiến đấu đã chết hơn 30 năm rồi. Bây giờ cái thằng tôi mà chú nhìn thấy, chẳng qua chỉ là cái tôi đã chết, cùng với các bạn chiến đấu của tôi đã chết được phân công đi làm người công bộc cho nhân dân - chỉ là một linh hồn - chú hiểu chưa? - trưởng thị trấn hỏi.

- Em hiểu! - Tôi đáp.

Lê Huy Tiêu dịch Từ “Vi hình tiểu thuyết giám thưởng từ điển” – NXB Thượng Hải Từ Thư Xuất bản Xã – 2006

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG