Chiêm ngưỡng di sản tư liệu thế giới đầu tiên ở Việt Nam

Chiêm ngưỡng di sản tư liệu thế giới đầu tiên ở Việt Nam
TP - Đó là 34.618 tấm Mộc bản triều Nguyễn bằng chữ Hán – Nôm khắc ngược được sản sinh từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX dùng để in sách tại Việt Nam.
Chiêm ngưỡng di sản tư liệu thế giới đầu tiên ở Việt Nam ảnh 1
Kho lưu trữ Mộc bản triều Nguyễn - Ảnh: KA

Gỗ dùng để khắc chữ là gỗ cây nha đồng, tục danh là sống mật với thớ gỗ trắng, sáng ngời như ngà voi; chất gỗ dai, mềm, mịn, khó bị nứt nẻ nên chữ khắc không bị lệch. Và chữ khắc trên mộc bản cũng rất điêu luyện, tinh xảo nên dẫu in dấu thời gian hơn 200 năm nhưng vẫn sắc nét, đẹp đến lạ lùng.

Những ngày đầu xuân Canh Dần 2010, nhiều đoàn du khách, nhất là khách quốc tế đến khu biệt điện Trần Lệ Xuân (số 2 Yết Kiêu, TP Đà Lạt) để được tận mắt chứng kiến nơi lưu trữ di sản tư liệu quý giá đầu tiên của nước ta vừa được UNESCO đưa vào danh mục di sản tư liệu thuộc “Chương trình ký ức thế giới”.

Mỗi chữ viết, nét khắc dường như đều có thần, khi thì mềm mại uyển chuyển, lúc lại cứng rắn kiên cường...

Theo Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV Phạm Thị Huệ, tài liệu mộc bản phản ánh mọi mặt của xã hội Việt Nam dưới triều Nguyễn từ lịch sử, địa lý, triết học, tôn giáo đến chính trị, quân sự, văn hóa, giáo dục…

Ngoài ra còn có các tài liệu lịch sử và văn hóa các nước Pháp, Anh, Mỹ, Bồ Đào Nha và một số nước châu Á như Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc…

Du khách rất hào hứng khi được nhìn tận mắt, sờ tận tay những phiên bản tài liệu Mộc bản nói về việc vua Gia Long đổi quốc hiệu Việt Nam hoặc những tài liệu khẳng định chủ quyền thiêng liêng của nước ta với quần đảo Hoàng Sa…   

Du khách ngoài việc chiêm ngưỡng di sản Độc bản triều Nguyễn, còn có cơ hội tham quan kiến trúc độc đáo của khu biệt điện Trần Lệ Xuân -  Ngô Đình Nhu, tọa lạc trên một triền đồi chập chùng thông xanh.

Nơi ở của Trần Lệ Xuân (biệt thự Lam Ngọc) có hầm trú ẩn và đường hầm thoát hiểm ra vườn hoa Nhật Bản và lối thoát bí mật ra khỏi biệt điện. Vườn hoa này có hồ sen đặc biệt hình địa đồ Việt Nam do kỹ sư Nhật Bản thiết kế và xây dựng.

Khi hồ được bơm đầy nước, bản đồ tuyệt đẹp sẽ hiện ra. Biệt thự Bạch Ngọc, hòn non bộ, sân vũ cầu, hồ bơi nước nóng… cũng khá ấn tượng; nội thất của các phòng làm việc, hội họp, khiêu vũ, trang điểm đều hiện đại bậc nhất thời đó, chủ yếu nhập từ Italia, Pháp.

Hồ tắm rộng cả trăm mét vuông được lát bằng gạch men ngoại nhập trắng muốt.

MỚI - NÓNG