Chiến tranh qua góc nhìn của nghệ sĩ 8X

Chiến tranh qua góc nhìn của nghệ sĩ 8X
TP - Triển lãm “Sinh năm 1983/Khâm Thiên” (từ 5-28/9) của nghệ sĩ Bàng Nhất Linh tại Trung tâm văn hóa Pháp, Hà Nội mang đến cái nhìn mới về chiến tranh. Những vật phẩm chiến tranh được chế tác tỉ mẩn, đẹp đẽ mang lại một sức sống mới. Một phim video với nhân vật độc đáo gợi nhiều suy nghĩ.
Bập bênh được làm từ xác máy bay. Anh: dã huệ
Bập bênh được làm từ xác máy bay. Ảnh: Dã Huệ.

Gần 70 vật phẩm chiến tranh được trưng bày trong triển lãm sắp đặt - phim tài liệu của Linh mang đến bất ngờ cho người xem. Đạn pháo, những mảnh xác máy bay… được những người sống trong thời chiến chuyển thành vật dụng sinh hoạt thường ngày.

Bàng Nhất Linh sưu tầm chúng và hôm nay đưa ra trước công chúng, giúp chúng mang một ý nghĩa mới. Anh còn chế ghế ngồi, cầu bập bênh cho trẻ em từ phần còn lại của chiếc trực thăng chiến đấu.

Sắp đặt có tên gợi suy tưởng: “Vũ khí và Mục tiêu” từ những bình hoa làm từ vỏ đạn; phích nhôm làm từ ống pháo sáng; thùng gỗ đựng đạn, vỏ máy bay làm phù điêu, lược, hộp đựng đồ; đuôi máy bay trực thăng thành bập bênh, cánh máy bay thành bàn, hai ống khói máy bay thành đồ đựng bóng cho
trẻ con.

Linh đã dành 7 năm sưu tầm các kỷ vật thời chiến rải rác từ khắp các tỉnh thành. Anh được sự hỗ trợ đắc lực từ người bạn tên Hùng, có cùng niềm đam mê. Từ năm 2010, Linh bắt tay vào thực hiện triển lãm sắp đặt & video “Sinh năm1983/Khâm Thiên” này. Anh nói, đây là bước đầu tiên của một chuỗi dự án mới.

“Trung bình mất 1 tháng để thực hiện một vật sáng chế như: bàn làm từ cánh máy bay, đuôi máy bay được gia cố và lắp đặt thêm để tạo ra bập bênh cho trẻ em...” - Linh
cho biết.

Phần video, thực chất là một bộ phim tài liệu, kể về ông Hồ Thanh Bình cựu chiến binh người dân tộc Bru (Vân Kiều). Bàng Nhất Linh đã đến tận bản Ka Tăng - Đường 9 Nam Lào - vùng biên Quảng Trị để sống cùng, trò chuyện và làm phim về ông.

Phích nước được làm bằng vỏ đạn pháo
Phích nước được làm bằng vỏ đạn pháo.

Trong quá trình làm việc, anh đã gặp phải những chặng đường lầy lội xe ô tô không thể đi, chỉ có thể vào bằng cách vác máy quay đi bộ. Phim gây chú ý dù câu chuyện có vẻ ngoài khá bình dị.

Nhiều năm sau chiến tranh, ông Hồ Thanh Bình lặng lẽ cải tạo những hố bom ở nơi trước kia là chiến trường mình từng chiến đấu thành những cái ao để nuôi cá. Ông tìm thấy khoảng 20 quả bom chưa nổ. “Đó là một câu chuyện vừa thơ mộng vừa rất con người...” - Linh chia sẻ.

Nghệ sỹ Bàng Nhất Linh
Nghệ sỹ Bàng Nhất Linh.

Từ nhỏ, Linh được “làm quen” với chiến tranh qua lời kể, câu chuyện ký ức của người thân về những ngày lửa đạn. Khâm Thiên trong 12 ngày đêm Giáng Sinh năm 1972 hứng trận bom rải thảm lớn nhất của không quân Mỹ từ sau thế chiến II. Cậu bé chơi đùa bên hố bom đầy nước như những cái ao… Có thể vì thế, anh dễ dàng giao cảm với người cựu chiến binh người dân tộc Vân Kiều, bất chấp khoảng cách địa lý, văn hóa và tuổi tác.

 Với tôi, mỗi triển lãm như những khảo sát vào tầng sâu của kí ức, lịch sử, của những không gian tâm lí đã chìm khuất, của sự lãng quên nhưng cuối cùng, rộng hơn, chúng mang những cảm quan, những câu chuyện về con người.

Nghệ sỹ Bàng Nhất Linh

“Chiến tranh là nơi mà tâm lý, sức chịu đựng bị đẩy lên kịch điểm. Nhiều chuyện khủng khiếp đã xảy ra nhưng bất chấp tất cả, con người vẫn hướng đến cái đẹp. Họ làm đẹp ngay trên những vật phẩm chiến tranh” - Linh cho biết.

Anh đi khá nhiều nơi để tìm kiếm những kỷ vật chiến tranh. Nơi anh đi xa nhất là Tây Ninh. Anh kể về một lần sưu tầm đáng nhớ: “Qua một số bạn chơi đồ cổ tôi được gặp một bác từng là lính pháo binh. Sau 12 năm đi bộ đội, cái duy nhất bác mang được về là một phần vỏ máy bay. Ban đầu bác ấy muốn giữ lại vì đó là kỷ niệm, nhưng sau đó bác bất ngờ tặng nó cho tôi”.

Đến xem triển lãm, là người chứng kiến cái chết trong chiến tranh, ông Phạm Công, 76 tuổi kể: “Cách đây hơn 40 năm, tôi là lính trong đội tự vệ trực chiến phường Bách Khoa (Hà Nội)... Trong trận đánh 12 ngày đêm, tôi thấy xác của 4 cậu sinh viên bị chết vì bom. Những vật dụng này gợi lại một kỷ niệm không thể nào quên trong ký ức tôi”.

Nghệ sĩ trình diễn Huy An thì bày tỏ: “Cảm nhận về những đồ chiến tranh được biến thành đồ dùng hàng ngày là một cái gì đó rất dữ dội. Đặc biệt là những vật dụng dành cho trẻ em”.

Bàng Nhất Linh cho biết, dự án mới của anh sẽ là một chuỗi triển lãm nối tiếp nhau, đều sử dụng những vật phẩm từ chiến tranh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG