Chiêng tre Ê ĐÊ sáng tạo nghệ thuật độc đáo Tây Nguyên

Chiêng tre Ê ĐÊ sáng tạo nghệ thuật độc đáo Tây Nguyên
TP - Với người Ê Đê nói riêng và đồng bào các dân tộc ở năm tỉnh Tây Nguyên nói chung, cồng chiêng là báu vật. Âm thanh của nó là tiếng lòng con người hướng đến thần linh cùng với biết bao mong ước, nỗi niềm của cộng đồng giữa non ngàn hùng vĩ.
Chiêng tre Ê ĐÊ sáng tạo nghệ thuật độc đáo Tây Nguyên ảnh 1
Nghệ nhân Y Thim (Đắc Lắc) đang thao tác chỉnh chiêng tre (chinh cram) tại Lễ hội gặp gỡ các nghệ nhân chỉnh chiêng Tây Nguyên lần thứ nhất tổ chức tại thành phố Pleiku, Gia Lai từ 29/10 đến 1/11/2007  Ảnh: B.Q.T

Kể từ khi không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại, cả thế giới lắng nghe cồng chiêng với một tâm thế ngưỡng mộ, sẻ chia và đồng cảm...

Đã từ nhiều trăm năm nay, người Ê Đê với tài năng của mình đã sáng tạo ra một kho tàng nhạc cụ độc đáo, trở thành di sản quý báu của cả cộng đồng.

Nhưng loại nhạc khí linh thiêng nhất được coi như linh hồn của dân tộc chính là chiêng cồng, thứ báu vật gắn chặt với lịch sử của cả một đời người.

Theo lời kể của nghệ nhân chỉnh chiêng nổi tiếng Y Khia Bya thuộc buôn Ko Tam, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, trước khi đến với cồng chiêng được chế tác bằng đồng từ Lào mua về hay từ dưới đồng bằng đưa lên, người Ê Đê đã sáng chế ra một loại chiêng riêng cho mình từ ống tre, ống nứa của núi rừng. Bộ chiêng tre (chinh cram) đã từ xưa lắm rồi, trở thành đặc sản nghệ thuật của người Ê Đê.

Bộ chinh cram thường là 5, 7 hay 9 chiếc hợp lại tạo thành một dàn chiêng. Đôi khi biên chế của dàn chiêng lên đến gần 20 chiếc. Mỗi dàn chiêng tre là một đàn hợp xướng âm thanh, tương ứng như một đàn chiêng bằng đồng, với các âm giai của từng cá thể chiêng tương ứng.

Để chế tác ra một bộ chiêng tre cũng cực kỳ phức tạp. Trong cuộc giao lưu giữa các nghệ nhân chỉnh chiêng Tây Nguyên tại Pleiku cuối tháng 10 vừa qua, nghệ nhân Y Thim buôn Êa Bông, xã CưEbuôr, thành phố Buôn Ma Thuột đã trực tiếp thực hành các thao tác chỉnh chiêng tre và biểu diễn cùng dàn chiêng tre. Ông chính là một trong những nghệ nhân hiếm hoi người Ê Đê trực tiếp lăn lộn khắp núi rừng để tìm tre, nứa, chế tác ra gần 50 bộ chiêng tre cho các buôn làng Ê Đê vừa qua. Theo ông, quá trình làm ra một bộ chiêng tre cực kỳ phức tạp và trải qua nhiều công đoạn.

Trước hết là đi tìm và chọn nguyên vật liệu. Với tài năng và kinh nghiệm của mình, nghệ nhân vào rừng phải chọn được các cây tre có kích cỡ các gióng vừa đủ để tạo ra âm thanh nhất định. Chọn rồi, cây tre được chặt về phơi khô chừng 2 tháng. Sau đó là chu trình cắt ống theo kích thước dài ngắn khác nhau, theo các đường kính ống tre khác nhau. Độ dài dao động từ 30 đến 45 cm, đường kính từ 8 đến 10 cm.

Cái khó nhất là quá trình thẩm âm. Đi theo mỗi ống tre là một thanh tre già, được gọt đẽo cẩn thận. Khi thu âm, người đánh đem kẹp vào 2 đùi ống tre, thanh tre già kê trên đùi. Tay cầm khúc cây làm dùi gõ vào thanh tre cho âm vọng xuống ống tre, tạo ra âm thanh mình muốn. Mỗi cặp chiêng (ống tre và thanh tre) phải có một loại âm thanh và giai điệu tương ứng với một lá chiêng đồng. Chính vì thế, bộ chiêng tre cũng được cấu tạo các kích cỡ âm thanh khác nhau, có hệ thống như bộ chiêng đồng với biên chế tương ứng.

Có bộ chiêng tre rồi, trải qua năm tháng, do thời tiết khí hậu, âm thanh của từng chiêng tre dễ bị thay đổi. Vì thế phải sinh ra chỉnh chiêng. Đồ nghề của nghệ nhân chỉnh chiêng tre là một chiếc cưa tay và con dao sắc lẹm. Khi phát hiện ra chiêng cần chỉnh, nghệ nhân dùng cưa cắt bớt ống tre hoặc dùng dao gọt bớt miệng ống làm cho âm thanh của nó trở nên cao hơn hoặc thấp hơn, tiếng chiêng tròn và vang hơn đúng với chức năng âm thanh của nó trong dàn chiêng.

Người chỉnh chiêng vừa có đôi tai thẩm âm kỳ tài vừa có bàn tay khéo léo, điêu luyện qua từng lát cắt, lát gọt để giữ cho âm thanh theo ý muốn. Và như vậy, chỉ bằng niềm tin vào sự giúp đỡ của thần linh và cách cảm âm theo tài năng cùng kinh nghiệm của riêng mình, nghệ nhân chỉnh chiêng tre đã đưa những chiếc chiêng tre lạc nhịp trở thành đồng bộ với dàn âm thanh kỳ diệu, hấp dẫn của cả dàn chiêng, có thể tấu lên bất kỳ bài chiêng nào như bộ chiêng bằng đồng đã tấu.

Về thăm đất Đắc Lắc – Đắc Nông hôm nay, đến với bất kỳ buôn làng nào có cư dân Ê Đê cư trú, đều có thể được chiêm ngưỡng và thưởng thức những giai điệu và âm thanh ngọt ngào, rạo rực của dàn chiêng tre do chính các nghệ sĩ bình dân Ê Đê trình tấu. Thứ âm thanh gần gũi, linh thiêng của người Ê Đê vọng vang từ nứa, tre khiêm nhường bấy lâu nay ẩn giấu nơi núi rừng đã bắt đầu được ngân lên ở nhiều phương trời lạ, cuốn hút và mê hoặc lòng người...

Thành phố Pleiku, cuối thu 2007

MỚI - NÓNG