Hướng về Thăng Long - Hà Nội:

Chiếu dời đô trên gỗ khảm độc đáo

Chiếu dời đô trên gỗ khảm độc đáo
TP - Mặc dù kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn nhưng có tình cảm đặc biệt với Thăng Long ngàn năm và lòng yêu nghề, nghệ nhân trẻ Nguyễn Đình Vinh đã thể hiện thành công Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ trên chất liệu gỗ quý khảm ốc tinh xảo.
Chiếu dời đô trên gỗ khảm độc đáo ảnh 1
Nghệ nhân trẻ Nguyễn Đình Vinh giới thiệu Thiên đô chiếu - Ảnh: Minh Tuấn

Trong căn nhà cấp 4 lợp ngói tuềnh toàng ở thôn Hoài Trung, xã Liên Bão (Tiên Du, Bắc Ninh), anh Nguyễn Đình Vinh giới thiệu với chúng tôi về tác phẩm vừa hoàn thành: Chấn phong Thiên đô chiếu của Lý Công Uẩn trên chất liệu gỗ hương khảm ốc.

Thiên đô chiếu nặng tới 250 kg có chiều cao 2,05 m, rộng 1,95 m được đúc lồng hai lượt khung, bên trong là nền chính, sau đó đến khung và bao quanh bởi một vòng chiện hoá rồng rất cầu kỳ, cách điệu và kỹ thuật.

“...Thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương, ở vào nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây, lại tiện hướng nhìn sông, dựa núi. Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi cảnh khốn khổ ngập lụt, muôn vật cũng phong phú tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời.

Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chỗ ở. Các khanh nghĩ thế nào?”

Phía trên tấm chấn phong là hai con rồng chầu mặt nguyệt thời nhà Lý tượng trưng niên đại. Phần dưới chân tạc 5 con dơi tượng trưng cho ngũ phúc. Toàn bộ tấm chấn phong trụ trên thế chân kiềng, mỗi đầu 3 chân rất vững chãi.

“Phải cẩn thận từng khâu một, chọn gỗ nền phải đẹp, tuyệt đối không cong vênh, nứt vỡ. Tôi chọn gỗ hương có màu sắc đều và tươi sáng nhất, màu vàng hồng, bền dai nhất, thớ gỗ thật mịn. Gỗ được sấy khô và do những người cộng sự với tôi có tay nghề cao thực hiện” - Anh Vinh cho biết.

Phần chữ của Thiên đô chiếu gồm 220 chữ Hán được khảm bằng chất liệu ốc xà cừ biển màu hồng nhập khẩu từ Singapore được lựa chọn kỹ. Chữ được gắn vào gỗ bằng sơn ta đảm bảo độ kết dính.

“Trước khi khảm lên gỗ, tôi đã tìm hiểu về các bản văn của Chiếu dời đô trên một số tài liệu. Bản chữ Hán được thể hiện lấy trong Đại Việt sử ký toàn thư do nhà thư pháp Trần Đức Cảnh kính bút” - anh Vinh nói.

Cũng theo anh Vinh, chọn Chiếu dời đô để thể hiện trên chất liệu gỗ khảm ốc một phần còn vì nội dung của văn bản này hàm chứa bên trong nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, tầm nhìn sâu rộng của ông cha ta về kinh tế - chính trị.

“Anh thử đọc lại bản dịch mà xem, từng lời đều rất hay. Ngay từ cách đây một ngàn năm trước, khi ra thiên đô chiếu, Lý Công Uẩn đã thể hiện tâm thế sáng suốt, tấm lòng rộng mở” - anh Vinh chia sẻ.

Gia đình khó khăn, anh Vinh phải dang dở học hành. Năm 14 tuổi anh theo học nghề khảm ốc. Yêu công việc, anh cũng dần say mê những câu chuyện lịch sử, những tích chuyện, danh nhân, đạo nghĩa gia đình mà hàng ngày anh miệt mài khảm lên các tấm gỗ.

“Mỗi khi đứng trước cặp rồng nhà Lý được tạc trên thiên đô chiếu, tôi thấy như rồng thiêng đang bay lên trong hào khí Thăng Long” - nghệ nhân trẻ Nguyễn Đình Vinh tâm sự.

MỚI - NÓNG