Lập Nhà hát ca trù:

Chiều khách, nhưng không có đào rượu

Chiều khách, nhưng không có đào rượu
TP - Nhà hát ca trù Thăng Long làm du lịch nhưng sẽ không có đào rượu, dù khán giả yêu cầu. Đào nương diễn ở Nhà hát không được phép đưa mắt với quan viên...

Một nữ doanh nhân vừa đứng ra thành lập Nhà hát (Trung tâm) Ca trù Thăng Long trong tòa nhà Bảo tàng Cách mạng VN. Trao đổi với Tiền Phong, Nguyễn Lan Hương, nhà sáng lập kiêm giám đốc nhà hát, nói:

Hồi trước tôi làm trong một công ty xây dựng. Thời gian sau thấy công việc ấy không phù hợp, tách ra mở công ty quảng cáo. Hai năm làm quảng cáo, tôi luôn suy nghĩ làm việc gì đó ý nghĩa, có lẽ bởi ảnh hưởng từ gia đình mà bố tôi là họa sỹ Nguyễn Lai - từng lập gallery Nam Sơn, còn bác (anh trai mẹ) là nghệ sỹ kịch nói Trịnh Mai. Lúc đầu, tôi chưa nghĩ đến ca trù. Phân tích mãi, thấy ca trù chưa có nhà hát dù nó là di sản bác học.

Chiều khách, nhưng không có đào rượu ảnh 1
Lan Hương

Hà Nội hiện không hiếm câu lạc bộ ca trù. Nhà hát có khác gì?

Các câu lạc bộ ca trù Hà Nội vẫn sinh hoạt nhưng cầm chừng và chưa thu hút khách nước ngoài. Chúng tôi có cả sân khấu biểu diễn chuyên nghiệp, giới thiệu ý nghĩa văn hóa và nghệ thuật ca trù đến khách quốc tế.

Địa điểm nằm trong khuôn viên Bảo tàng Cách mạng VN có phù hợp với du khách nước ngoài?

Tìm địa điểm là nỗ lực mệt mỏi, phải ở trung tâm. Ròng rã ba tháng trời, đang tuyệt vọng thì may gặp được chú Hiển (giám đốc Bảo tàng Cách mạng), chú rất ủng hộ.

Vừa rồi, Bộ VHTTDL có chiến lược kết nối các nhà hát với các hãng lữ hành. Nhưng ngoài rối ra, chưa thấy hiệu quả. Một nhà hát mới chắc càng khó hút khách hơn?

Rối dễ hiểu nên đông khách. Còn chèo, cải lương đều sập, bể chương trình, có lẽ do khán giả nước ngoài xem mà chẳng hiểu được.

Nhà hát làm du lịch nhưng sẽ không có đào rượu, dù khán giả yêu cầu. Đào rượu chính là nguyên nhân khiến người ta nhìn ả đào, cô đầu Khâm Thiên hồi trước với con mắt khinh miệt, khiến ca trù mai một.

Đào nương diễn ở Nhà hát Ca trù Thăng Long không được phép đưa mắt với quan viên. Tại đây chỉ hát những bài được thời gian kiểm chứng, và những bài có trong kịch bản.

Trung tâm cũng đào tạo khoảng 40 diễn viên múa và đào nương, kép đàn để biểu diễn ở đây. Nghệ nhân cao tuổi cố vấn và chỉ đạo nghệ thuật cho Nhà hát gồm Nguyễn Thị Sinh, Vũ Văn Hồng, Phó Thị Kim Đức, Nguyễn Thị Chúc, Đỗ Thị Khuê…

Biểu diễn ở Nhà hát, ngoài tôi còn có các đào nương, kép đàn khác - những người am tường chứ không phải mới mở xiêm y.

Ca trù thì dễ hiểu sao?

Ca trù thực sự khó hiểu. Làm sao đưa nó tới du khách nước ngoài là thách thức. Chúng tôi in tờ rơi giới thiệu chương trình và ý nghĩa của lời ca, cử hướng dẫn viên giới thiệu gian trưng bày ca trù trước khi khách vào và sau khi khách xem. Riêng việc dịch sang tiếng Anh, phải vái tứ phương mới có bác Dương Tường hỗ trợ hết mình.

Khán giả ca trù thường gói gọn trong một vài cái chiếu. Một trăm ghế trong nhà hát thế này, ca trù có còn nét truyền thống?

Chuyên nhiệp thì phải vậy thôi. Tất nhiên không thể mở cửa là có bấy nhiêu khách. Múa rối dễ hiểu nhưng cũng mất hàng chục năm mới được như hôm nay.

Ngày ba buổi nhưng lại không diễn tối nào. Tại sao?

Sẽ có thay đổi cho phù hợp. Sở dĩ không diễn tối vì không muốn cạnh tranh khách với Nhà hát Múa rối Thăng Long.

Lan Hương từng là Á hậu Việt - Trung?

Năm 1998 tôi dự cuộc thi Người mẫu Hà Nội mở rộng, đoạt giải hình thể đẹp nhất. Sau đó được cử sang Trung Quốc dự thi Người đẹp Việt - Trung, đoạt Á hậu. Trình diễn thời trang cũng dăm ba chương trình nhưng tôi không theo con đường ấy.

MỚI - NÓNG