Chính thơ đã giết Bích Khê

Chính thơ đã giết Bích Khê
TPCN - “Thơ tự bản thân nó là nguy hiểm. Nó nguy hiểm trước hết với người đẻ ra nó, là nhà thơ. Nhiều nhà thơ đã chết vì thơ của mình. Không phải cơn bệnh lao tứ chứng nan y đã giết Bích Khê. Chính là thơ đã giết ông...”. 
Chính thơ đã giết Bích Khê ảnh 1
Nhà thơ Bích Khê

Nhà thơ Thanh Thảo – Chủ tịch Hội VHNT Quảng Ngãi đã mở đầu Hội thảo toàn quốc lần đầu tiên về thơ Bích Khê (do Hội Nhà văn Việt Nam, Hội VHNT và tỉnh Quảng Ngãi đồng tổ chức trong hai ngày 20 - 21/2/2006) với lời đề dẫn ấn tượng như vậy.

Một ngày xuân tròn sáu mươi năm trước, chàng thi sĩ tượng trưng vẫy tay từ biệt cuộc đời ở tuổi 30, vì đã trút hết Tinh hoaTinh huyết cho thơ.

Sáu mươi năm, sau một mùa thi ca cùng nở rộ, với những Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Bích Khê..., thì tiếp theo có thể nói là một khoảng, một thời khá là xa vắng của nền thi ca Việt Nam, đặc biệt là ở sự cách tân.

Bích Khê tên thật là Lê Quang Lương, sinh năm 1916 tại Phước Lộc, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, mất năm 1946 tại làng Thu Xà, huyện Tư Nghĩa cùng tỉnh - nơi hiện có Nhà thờ tộc Lê Quang và mộ phần ông cách đó không xa.

Ông là con thứ 9 trong một gia đình nhà Nho yêu nước, ông nội cởi áo từ quan sau đó tuẫn tiết để bất hợp tác với giặc, cha theo phong trào Đông Du, chị gái tham gia Cách mạng.

Thuở nhỏ, Bích Khê học ở nhiều nơi : Quảng Ngãi, Đồng Hới, Huế, Hà Nội. Năm 18 tuổi, Bích Khê bỏ dở tú tài ở Hà Nội cùng chị ruột là nữ sĩ Ngọc Sương vào Phan Thiết mở trường dạy học.

Hai năm sau (1936), Ngọc Sương bị Pháp bắt di lý về Quảng Ngãi, trường tan, bản thân Bích Khê lúc này đã dính bệnh lao, phải chạy chữa nhiều nơi. Vừa chữa bệnh, vừa dạy học để mưu sinh, quỹ thời gian và không gian sống của Bích Khê ngày càng thu hẹp dần, chủ yếu gắn với sông Trà núi ấn quê nhà.

Bích Khê làm thơ từ tuổi 12. Cho đến năm 22 tuổi, chàng thi sĩ trẻ đã trở thành “cụ đồ non” khi toàn “chơi” loại thơ Đường luật và cũng có những thành công nhất định.

Theo tác giả Trịnh Hoàng Mai (tham luận “Một vì sao sớm tắt” tại Hội thảo), thì  năm 15 tuổi, Bích Khê đã có thơ đăng ở mục Văn Uyển bên cạnh các bậc túc nho nổi tiếng như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu trên báo Tiếng Dân, và sau đó còn in trên Phụ nữ Tân Văn.

Khi ấy chàng vẫn lớn tiếng chê thơ Mới là “cua bò”, và mỉa mai những lời tỏ tình của Hàn Mặc Tử gửi Mộng Cầm (Mộng Cầm là cháu gọi Bích Khê bằng cậu), và trong cả tập Gái quê (1936) của Tử, Khê cho rằng chỉ có... 2 bài đáng gọi là thơ!

Nhưng đến khi được Mộng Cầm đưa cho đọc Đau thương (bản đánh máy), Bích Khê mới giật mình kinh hãi trước thi sĩ họ Hàn. Không chút do dự, “cụ đồ non” phá bỏ hoàn toàn “xích xiềng” của niêm luật lẫn tư duy thơ cũ, bước hẳn sang địa hạt tân kỳ của thi ca.

Ngập ngừng gửi Hàn Mặc Tử tập bản thảo “thơ kiểu mới” nhờ “xem giùm”, không ngờ nhận được lá thư hồi âm với “rất nhiều lời lẽ khiêu khích, mỉa mai”.

Tự ái, Bích Khê đã thề trước họ Hàn, rằng “trong 6 tháng sẽ trở nên một thi sĩ phi thường, bằng không sẽ không bao giờ làm thơ nữa”. Thế rồi, Tinh huyết - tập thơ thần dị hoàn thành chỉ trong vòng có ba tháng!

“Một bông hoa lạ nở hương, một thứ hương quý trọng, thơm đủ mùi phước lộc. Ta có thể sánh thơ Bích Khê như thứ hoa thần dị ấy” - Hàn Mặc Tử vẫn chưa hết sửng sốt khi viết như vậy trong lời tựa tập Tinh huyết (in năm 1939).

Hàn thi sĩ lập tức gọi Bích Khê là “thi sĩ thần linh”, còn Hoài Thanh - Hoài Chân trong “Thi nhân Việt Nam” thì: “Tôi đã đọc trong Tinh huyết những câu thơ hay vào bậc nhất trong thơ Việt Nam”.

Nhân câu chuyện trên, người viết bài này chợt liên tưởng đến thời tiết thi ca đầu thế kỷ 21 này, khi luồng gió sáng tạo mới đang ngày một mạnh dần lên, với nhiều gương mặt trẻ và kể cả không còn trẻ nữa.

Mùa màng thu về chưa có nhiều hoa thơm trái ngọt, thậm chí chưa định hình đó sẽ là hoa quả hay một thứ dị kỳ nhưng vô bổ. Nhưng dù gì, đó vẫn là cái mới, thi ca luôn cần cái mới.

Có một thực tế, tuy khát thèm một cái nhìn mới và cách thể hiện mới, muốn kêu lên tiếng nói mới, nhưng không ít người làm thơ vẫn không dám rời khỏi mảnh đất thi ca đã thâm canh đến bạc màu cằn cỗi của mình. Bài học Bích Khê đầu thế kỷ 20 có nói lên điều gì chăng?

...Nhưng, nghĩ cho cùng, bị nghi là thành phần Tơrốtxkít cũng chỉ là một trong nhiều cái “hạn” trong cuộc đời ngắn ngủi nhưng lắm bão giông (kể cả sau khi chết) của Bích Khê.

Sự chậm trễ trong việc công bố thơ Bích Khê có lẽ bởi thơ ông vẫn còn Mới quá. Mới từ những tinh hoa của thi đàn thế giới đương thời mà thi sĩ đã học được, tiêu hóa được thành cái trác tuyệt riêng mình.

Mới về cái nhìn lạ lẫm về “sex”, về “thơ lõa thể”..., điều mà cho đến hiện tại đang trở thành thời sự trong thi ca với nhiều đánh giá chưa nhất quán, thậm chí cự tuyệt.

Trong khi số đông có lẽ vẫn còn chưa đủ độ lùi cần thiết để chiêm cảm. Đúng như nhận định của GS Lê Đình Kỵ, “so với các nhà thơ cùng trường phái, Bích Khê đã đi xa hơn tất cả trong chủ trương canh tân triệt để của mình”.

Năm 1941, khi viết “Thi nhân Việt Nam”, dẫu có linh giác và tiên cảm đặc biệt về thơ, Hoài Thanh vẫn còn khá dè dặt : “...Nhưng tôi chưa thể nói nhiều về Bích Khê. Tôi đã đọc không biết mấy chục lần bài Duy tân. Tôi thấy trong đó những câu thật đẹp. Nhưng tôi không dám chắc bài thơ đã nói hết cùng tôi những nỗi niềm riêng của nó. Hình như vẫn còn gì nữa ...

Thơ Bích Khê đọc đôi ba lần thì cũng như chưa đọc”. 47 năm sau, Chế Lan Viên khi viết tựa cho tập thơ Bích Khê lần đầu tiên được in lại (NXB Nghĩa Bình, 1988) với đầy đủ Tinh hoa, Tinh huyết, vẫn còn viết “Sợ e bây giờ người ta cũng chưa quen anh dễ dàng đâu. Nếu Nguyễn Bính là một miền đồng bằng thân thuộc, thì Khê là một đỉnh núi lạ ...Có những nhà thơ làm thơ, có những nhà thơ vừa làm thơ vừa đẩy lịch sử thơ ca duy tân thêm một bước, có những nhà thơ đem đến một mùa lương thực. Lại có những nhà thơ cầm một dúm hạt giống mới trên tay. Khê thuộc hạng thứ hai”. 

Rồi đây, người ta sẽ trả lại tên đường Bích Khê trên chính quê hương ông. Nhưng có một con đường rất quan trọng khác, đó là con đường thi ca phía trước của chúng ta vẫn còn đang rất nhiều ngập ngợ với rất nhiều cái giá sẽ phải trả. 

“Cái quan trọng hơn là chúng ta đem cái hạt giống trên tay thi sĩ, chọn lựa để gieo lấy một mùa mới cho nền thi ca đang khát khao đổi mới của chúng ta” (Hữu Thỉnh).

Quảng Ngãi, tháng 2/2006

Trần Tuấn

MỚI - NÓNG